Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023-2024 của ngành giáo dục.
Theo đó, năm học 2023 - 2024, toàn ngành giáo dục tiếp tục thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với chủ đề năm học là: "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT”.
Để đáp ứng mục tiêu kế hoạch, ngành đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.
Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.
Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực gắn với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.
Hội nhập quốc tế trong giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD&ĐT. Cùng với đó, tếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị.
Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; nắm bắt, kịp thời đề xuất các giải pháp chỉ đạo để giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
Bộ trưởng đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tiễn của địa phương, tham mưu với UBND tỉnh, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo về nhiệm vụ, giải pháp năm học 2023 - 2024 ở địa phương và tổ chức triển khai thực hiện.
Trong đó, lưu ý các giải pháp về bảo đảm đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình GDPT 2018; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp và UBND cấp huyện chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2023 - 2024.
Giám đốc Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức các hoạt động đón học sinh đầu cấp, thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian tựu trường (sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng, riêng đối với lớp 1 tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng).
Tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 trên cả nước vào ngày 5/9/2023; kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2024 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2024; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2024; hoàn thành tuyển sinh đầu cấp trước ngày 31/7/2024.
Ngoài ra, báo cáo về Bộ GD&ĐT về: tình hình chuẩn bị năm học và tình hình tổ chức khai giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 10/9/2023; sơ kết học kỳ I trước ngày 31/01/2024; tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024 và kết quả thực hiện các tiêu chí thi đua, đề nghị xét khen thưởng năm học trước ngày 25/6/2024.
Giám đốc đại học, học viện, hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2023 - 2024.
** Ngày 7/8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh đã ký Quyết định số 1398/QĐ-UBND ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, học sinh mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên tựu trường sớm nhất ngày 28 tháng 8 năm 2023. Riêng lớp 1 tựu trường sớm nhất từ ngày 21 tháng 8 năm 2023.
Khai giảng năm học vào ngày 05 tháng 9 năm 2023.
Kết thúc học kỳ 1 trước ngày 07 tháng 01 năm 2024, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25 tháng 5 năm 2024 và kết thúc năm học trước ngày 31 tháng 5 năm 2024, đảm bảo số tuần thực học.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 và công bố quyết định công nhận Yên Bái đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ II ngày 21/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đã đề nghị ngành GD&ĐT tỉnh tập trung triển khai thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, 3 đề án và các chính sách của HĐND tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị ngành tập trung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện công tác quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; thực hiện công tác phân luồng học sinh, tăng cường tuyên truyền, vận động để học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp đạt 30% theo chỉ tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy.
Đồng thời, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục rà soát, sắp xếp hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, dân tộc nội trú phù hợp với điều kiện mới hiện nay; tập trung đầu tư cho các trường dân tộc nội trú để đến năm 2025 đảm bảo tỷ lệ 10% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học cơ cở, trung học phổ thông được học tại trường phổ thông dân tộc nội trú...
T.T - NĐT