PV: Thưa Giáo sư, gần đây, câu chuyện giáo dục nào khiến ông quan tâm nhất?
- Tôi quan tâm nhất đến chuyện sách giáo khoa. Ngoài câu chuyện lãng phí về tài nguyên sách giáo khoa, thì tôi quan tâm nhiều đến ý kiến nên có thêm một bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT soạn thảo.
Vậy theo ông, Chương trình Giáo dục phổ thông mới có cần thêm một bộ sách giáo khoa do Bộ GDĐT biên soạn hay không? Vì sao?
- Tôi nghĩ là không cần, vì như vậy là ngược với chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”. Chủ trương "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đang được thực hiện ở nước ta hướng đến mục đích không chỉ cung cấp kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh, mà quan trọng hơn là trên nền tảng kiến thức và kỹ năng đó hình thành các phẩm chất và phát triển năng lực thực hiện vốn đã được bàn bạc, chọn lựa một cách kỹ lưỡng, phù hợp với học sinh Việt Nam.
Thời gian vừa qua đã có mấy bộ sách giáo khoa rồi, và các bộ sách giáo khoa ấy đều đã được các hội đồng thẩm định. Địa phương và các trường học đã có sự lựa chọn. Cá nhân tôi chỉ tiếc một điều là chưa có cuốn nào thử nghiệm mà đã được áp dụng đại trà. Trong khi bộ sách của Trường thực nghiệm đã được sử dụng nhiều năm tại rất nhiều trường trong cả nước mà lại bị loại bỏ một cách có vẻ rất thiếu thuyết phục.
Giáo sư nghĩ gì khi trước thềm năm học mới, câu chuyện về miễn giảm học phí, chuyện lạm thu, đồng phục học sinh… vẫn lại trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm?
- Đời sống người dân nói chung còn khó khăn, lãnh đạo các trường nên cân nhắc để tránh tình trạng lạm thu, ảnh hưởng đến đời sống của phụ huynh, nhất là với những gia cảnh còn quá nhiều khó khăn. Các hội phụ huynh không nên tự đề xuất những yêu cầu tài chính vượt quá khả năng của những gia đình còn khó khăn về tài chính. Tất nhiên đồng phục mới hay điều hòa… có thì tốt nhưng cần quan tâm đến hoàn cảnh kinh tế của cha mẹ học sinh, đừng để tình trạng dễ cho phụ huynh này nhưng lại khó cho phụ huynh khác. Nên khuyến khích các hoạt động từ thiện của các doanh nghiệp địa phương dành cho các trường học.
Tôi được biết ngày 24/8 vừa rồi, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, trường học không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, chỉ cần mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Sở cũng lưu ý, đồng phục nhà trường phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận. Nhà trường có thể cung cấp mẫu (kiểu dáng, màu sắc, logo...) để phụ huynh chủ động mua sắm cho con. Các trường không để một học sinh nào vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường học.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng phản ánh với tôi là những chỉ đạo này ra hơi chậm, trong khi thực tế rất nhiều trường ở Hà Nội đã triển khai cho phụ huynh mua đồng phục cho các con cách đây cả tháng rồi.
Ngoài những câu chuyện trên, trong tư cách Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường (UBTƯ MTTQ Việt Nam), ông có theo dõi việc dư luận rất bức xúc về chuyện ngay tại Thủ đô Hà Nội mà tình trạng thiếu trường học trở thành câu chuyện nóng bỏng?
- Có chứ. Tôi vẫn theo dõi những vấn đề này và thật sự khó chấp nhận việc ngay tại Thủ đô mà phụ huynh vẫn phải thức xuyên đêm để nộp hồ sơ cho con, rồi chuyện lớp học lên tới 58 - 60 học sinh. Thiếu trường, thiếu lớp tới mức gần đây có ý kiến đề xuất trường học có thể xây cao hơn và có tầng hầm…
Tôi chợt nghĩ tới đất nước Cuba. Ở đó có không ít khó khăn, vậy mà giáo dục rất ổn định, thậm chí ngay bậc Đại học vẫn được học miễn phí. Còn chúng ta, cấp 3 mà không được học trường công lập thì quá khó khăn cho người dân. Thành phố không có lý do gì để thiếu trường học công lập. Nói Hà Nội thiếu đất để xây trường thì không thuyết phục. Các chung cư vẫn mọc lên khắp nơi đấy mà. Chúng ta đừng quên lời căn dặn của Bác Hồ: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
Câu nói này thể hiện một lý tưởng cao cả và sâu sắc về giáo dục. Đây không chỉ là một câu nhắn nhủ mà còn chứa đựng tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng giáo dục và sự phấn đấu không ngừng nghỉ để nâng cao tri thức và phẩm chất của tất cả học sinh, sinh viên và tập thể giáo viên. Đời sống đầy biến đổi của xã hội và những thay đổi trong môi trường đòi hỏi sự linh hoạt và thích nghi. Bằng cách duy trì tinh thần thi đua dạy tốt, học tốt, chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn để duy trì và cải thiện chất lượng giáo dục.
Trong tình hình hiện nay, câu nói này vẫn mang ý nghĩa vượt thời gian và luôn là nguồn cảm hứng động viên cho các thế hệ tiếp theo trong việc xây dựng một xã hội tri thức, văn minh và phát triển.
Nhưng thưa ông, muốn dạy tốt thì lớp học không thể có tới 58 - 60 học sinh được. Trong khi ngành giáo dục lại đang đối mặt với chuyện thiếu giáo viên?
- Đúng vậy. Tôi nghĩ tình trạng giáo viên xin nghỉ việc là chuyện rất đáng tiếc. Kết thúc năm học 2022 - 2023 và trước thềm năm học mới 2023 - 2024, Bộ GDĐT đưa ra con số thống kê, không khác gì một lời than, lời kêu cứu rằng cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên. Số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp THCS tăng 1.207 người, cấp THPT tăng 2.045 người).
Đã đến lúc cần nghiêm túc xem lại để làm sao giáo viên có tiền lương đủ sống và cần ưu tiên trong việc chọn học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm. Bác Hồ đã từng viết: "Giáo dục nhằm đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và nhân dân ta, do đó các ngành, các cấp và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp này, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy sự nghiệp giáo dục của nước ta lên những bước phát triển mới”.
Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hơn 23 triệu học sinh trên toàn quốc sẽ chính thức bước vào năm học mới. Ông muốn nhắn nhủ gì?
- Tôi nghĩ tuổi trẻ là tương lai của đất nước, nhất là khi đất nước bước vào kỷ nguyên số. Các bạn học sinh, sinh viên cần trở thành những người xứng đáng với yêu cầu của thời đại, dũng cảm vươn lên như những mong ước mà Bác Hồ đã từng căn dặn: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!
(Theo Đại đoàn kết)