Nghị quyết số 38 ngày 8/7/2023 của HĐND tỉnh quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đối với học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.
Theo đó, khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 2 - 4 km trở lên đối với học sinh cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông thuộc các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 3 - 5 km trở lên đối với học sinh cấp tiểu học và học sinh cấp trung học cơ sở đang học tại các trường thuộc khu vực II;. khoảng cách quãng đường đi từ nhà đến trường từ 6- 8km trở lên áp dụng đối với học sinh cả người dân tộc thiểu số và người Kinh thuộc hộ nghèo đang học tại các trường phổ thông thuộc các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn và khu vực II, khu vực I.
Cùng với đó, Nghị quyết số 38 đã quy định trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP mà tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh thì được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 135% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh, số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức; nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 5 lần định mức nêu trên/1 tháng và không quá 9 tháng/1 năm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh cũng đã quy định 14 chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó có 12 chính sách hỗ trợ đối với học sinh, trẻ mầm non vùng đặc biệt khó khăn và dân tộc thiểu số, 2 chính sách hỗ trợ đối với giáo viên và được chia làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là những chính sách kế thừa Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND. Nhóm thứ hai là những chính sách kế thừa nhưng có điều chỉnh, bổ sung so với Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HDNĐ.
Nhóm thứ ba là 6 chính sách mới liên quan đến hỗ trợ tiền ăn và gạo cho học sinh nghèo, hỗ trợ ăn trưa, tổ chức nấu ăn cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho đến hết năm học đang thực hiện; kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025…
Ngoài ra, tại Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh, các chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tiếp tục kế thừa Nghị quyết số 70 nhưng có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó, kế thừa chính sách của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết 38 đề nghị nâng mức hỗ trợ dạy đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi quốc gia từ 3.000.000 đồng/buổi lên 4.000.000 đồng/buổi cho phù hợp với thực tế hiện nay; còn mức hỗ trợ dạy đội tuyển tham gia thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc tế vẫn giữ nguyên.
Cùng với đó, giáo viên đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, giáo viên trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành, giáo viên các trường cao đẳng và trung cấp công lập; giáo viên tiếng Anh của các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đều là những đối tượng được hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng theo quy định tại Nghị quyết.
Ngay sau Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua và ban hành, Sở GD-ĐT đã tham mưu và thực hiện một số giải pháp trọng tâm. Bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: "Sở đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nội dung, trọng tâm là sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết; những vấn đề điều chỉnh, vấn đề mới, chính sách hỗ trợ mới được quy định của Nghị quyết đến các cấp, các ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân.
Sở cũng đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết để các cơ sở tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình việc triển khai thực hiện; đồng thời phối hợp với các địa phương, các ngành liên quan định kỳ rà soát, tổng hợp tình hình thực hiện các chế độ, chính sách của Chính phủ và của tỉnh, qua đó kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp hỗ trợ phù hợp”.
Có thể thấy, nhờ các chính sách hỗ trợ, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trên địa bàn tỉnh được nâng lên, tạo điều kiện cho trẻ ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Thanh Chi