Cải thiện cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường
Cô giáo Lưu Khánh Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân vừa dẫn chúng tôi tham quan nhà trường vừa cho biết: Ngay khi nhận quyết định giữ trọng trách Hiệu trưởng nhà trường, tôi đã xác định cần phát triển nhà trường theo hướng trường học hạnh phúc.
Cô nhắc lại thời điểm về công tác tại trường vào tháng 9/2020. Khi ấy, có những khó khăn, vướng mắc như về tâm tư của đội ngũ cán bộ, giáo viên, những tồn tại nhiều năm trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục nhưng quyết tâm thay đổi nhà trường theo chiều hướng tích cực để hướng đến giá trị nhân văn cốt lõi là "hạnh phúc”, cô Linh đã cùng Ban giám hiệu xây dựng mục tiêu, xác định những nhiệm vụ trọng tâm và có những quyết sách để cùng tập thể nhà trường xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc".
Cô giáo Lưu Khánh Linh tham gia cùng với học sinh trang trí lớp học.
Một trong những tiêu chí quan trọng của mô hình "Trường học hạnh phúc" là môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, thân thiện. Xuất phát từ quan điểm đó, Trường THPT Cảm Ân đã tích cực đầu tư, nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường.
Nhà trường đã huy động các nguồn lực để xây dựng thêm nhiều công trình, hạng mục phục vụ nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh, như: thư viện, phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, sân chơi, khu vui chơi giải trí,... Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động trồng cây, chăm sóc cây xanh, vệ sinh trường lớp,... nhằm tạo nên một môi trường học tập và sinh hoạt trong lành, sạch sẽ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
"Tôi đã tặng đồng loạt các lớp cây xanh mi ni để trên bàn dạy học của giáo viên và tặng các đồng chí trong Ban giám hiệu. Đó là thông điệp về việc tạo cảnh quan xanh, thân thiện với môi trường; tránh sử dụng các loại cây - hoa nhựa làm vật dụng trang trí. Bởi, chăm sóc cây xanh tuy là việc làm nhỏ nhưng khi biết yêu quý cảnh quan xung quanh sẽ làm giàu có thêm tình yêu đối với con người” - cô Linh chia sẻ.
Và giờ đây, ở Trường THPT Cảm Ân, cây xanh, cây cảnh đã xanh tươi ở khắp mọi nơi, từ trong từng lớp học đến hành lang, khu thư viện, bảng tin, khu nhà tập thể của giáo viên... Cây xanh cùng với hệ thống khẩu hiệu, pano; sự ngăn nắp, chỉnh chu trong trong các khối nhà chức năng đã làm thay đổi cảnh quan khiến Trường THPT Cảm Ân đổi thay trong một diện mạo mới, mỗi ngày đến trường là một ngày vui với cả thầy cô giáo và học sinh.
Em Lê Thúy Huyền - lớp 10 A1 cho biết: "Bản thân em thấy vui và hạnh phúc mỗi khi đến trường, tham gia học tập, các hoạt động bổ trợ giáo dục và giữ gìn, tôn tạo cảnh quan, khuôn viên trường lớp”.
Đổi mới phương pháp giáo dục
Muốn có trường học hạnh phúc phải có những con người - những chủ thể hạnh phúc, đó là cán bộ, giáo viên, nhân viên, là học sinh, là phụ huynh của nhà trường. Vì vậy, trong 3 năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường đã quan tâm, thấu hiểu và lắng nghe để cùng giáo viên giải tỏa những áp lực, căng thẳng trong quá trình giảng dạy; cố gắng ở mức cao nhất đáp ứng những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ để từ đó, khơi dậy tiềm năng và khích lệ, phát huy niềm đam mê, sự nhiệt tình, tâm huyết của giáo viên qua các công việc cụ thể của mỗi giờ lên lớp. Mỗi hoạt động giáo dục của bản thân giúp giáo viên trở nên yêu nghề, yêu môi trường làm việc của mình.
Cô Đặng Thị Quyên - Phó Hiệu trưởng bên các em trong Hội thi cắm hoa.
Nhìn thẳng vào thực tại tồn tại, thầy giáo Đỗ Vũ Thư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Cảm Ân nhận định: "Nhiều năm qua, nhà trường chưa phát triển đúng với tiềm năng đang có, chưa khích lệ được phong trào thi đua, chưa tích cực trong công tác dạy ở giáo viên và nhiệm vụ học tập của học trò. Nhiều giáo viên còn chưa thực sự say mê, tâm huyết cống hiến để rèn giũa chuyên môn, cập nhật ứng dụng mới và sáng tạo trong dạy học. Các cuộc thi: khoa học kĩ thuật, dự án khởi nghiệp, hùng biện tiếng Anh… đều vắng bóng” -
Do đó, việc tổ chức dạy học ca 2, tái lập công tác dạy học bổ trợ kiến thức, phụ đạo học sinh yếu kém, đào tạo mũi nhọn... chính là những nỗ lực thay đổi để tạo ra một môi trường học tập, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh. Đó cũng chính là nỗ lực để cải tiến từng bước chất lượng ở người học, gắn thêm sự yêu mến, trách nhiệm của mỗi nhà giáo với học sinh của mình.
Cô giáo Lê Minh Ngọc - Bí thư Đoàn trường cho biết: Trên cơ sở nắm bắt tâm lý, nhu cầu của học sinh, nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt chú trọng giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh.
"Các giờ học được tổ chức theo hình thức hoạt động nhóm, thảo luận, trải nghiệm,... giúp chúng em dễ dàng tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực tư duy, sáng tạo. Chúng em đã có một môi trường học tập tốt, không chỉ về kiến thức mà cả kĩ năng sống, sự tu rèn trong đạo đức, phẩm chất” - em Nguyễn Thị Lan Hương, lớp 11A2 cho biết.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thành lập các câu lạc bộ, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Em Lê Thị Hồng Vân - lớp 11A5 cho biết: "Câu lạc bộ Văn học, Câu lạc bộ Phát thanh và Truyền thông được ra đời đã phục vụ trực tiếp cho học sinh chúng em. Qua đó, phát hiện, khơi dậy tiềm năng, tạo điều kiện cho chúng em được thể hiện tối đa các phẩm chất, năng lực vốn có của mình”.
Khẳng định giá trị
Sau hơn 3 năm thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc", Trường THPT Cảm Ân đã đạt được những kết quả tích cực. Môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tạo hứng thú học tập cho học sinh; gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội; gia tăng tình cảm yêu trường lớp, tôn kính thầy cô, yêu quý bạn bè.
"Dạy bằng cả trái tim - Học bằng cả khát vọng” đã góp phần tăng đều tỉ lệ học sinh được xếp loại về chất lượng 2 mặt của giáo dục trong các năm qua. Năm học 2022-2023, tỉ lệ học sinh nhà trường được xếp học lực từ trung bình trở lên đạt 99,42%, trong đó có 5,52% được xếp học lực giỏi, 55,73% học sinh được xếp học lực khá; có 99,27% các em học sinh được đánh giá hạnh kiểm từ khá trở lên, trong đó, tốt đạt 93,61%.
Học sinh Trường THPT Cảm Ân đọc sách tại "Thư viện xanh" của nhà trường.
Là học sinh vùng nông thôn với trên 50% là người dân tộc thiểu số nhưng các em học sinh của nhà trường đã có chí hướng học tập, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tham gia các kì thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh và đạt giải ở các môn như: giải ba, giải khuyến khích trong các môn văn hóa: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Sinh học. Nhà trường cũng có học sinh tham dự cuộc thi "Tự hào Việt Nam” vòng chung khảo toàn quốc năm 2022. Tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 đăng kí thi, xét tuyển và đỗ vào đại học, cao đẳng chuyên nghiệp đạt 46%, trong đó có 26,5% đỗ đại học. Thầy giáo Lê Văn Cường được nhận Kỷ niệm chương "Kỉ lục Guinness” Việt Nam, được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và giải Ba Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh với công trình "Sáng tác tác phẩm "Yên Bái ghi dấu sử thiên”, "Ngang trời mây đỏ thiên thơ” bằng hàng nghìn câu thơ lục bát.
Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024, vượt qua 1.060 học sinh toàn tỉnh dự kỳ thi, đội tuyển của Trường THPT Cảm Ân đã đoạt giải ở cả 4/4 môn tham dự là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Sinh học. Đó là các em: Nguyễn Hoàng Thùy Dung - môn Sinh học; Hoàng Thị Như Quỳnh - môn Lịch Sử; Phạm Thị Thu Huyền - môn Ngữ văn; Tạ Minh Thư - môn Địa lý.
Trường THPT Cảm Ân đã vinh dự được UBND tỉnh công nhận Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I, sớm trước 2 năm so với lộ trình; tập thể nhà trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo xét tặng danh hiệu "Tập thể lao động tiên tiến”, "Trường học hạnh phúc” và là đơn vị có những bước đột phá chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số trong dạy học…
Quyết tâm dám thay đổi và mục tiêu rõ ràng, biện pháp cụ thể đã giúp Trường THPT Cảm Ân đạt được kết quả đúng nghĩa của việc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc"- mỗi ngày đến trường là một ngày vui!
Thành Trung