Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Góp ý về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu cho biết, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 tiếp tục được triển khai hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội đã đề ra.
Tuy nhiên, theo đại biểu, từ năm 2024-2030, Việt Nam cần khoảng 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao làm cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn.
Nữ đại biểu cho rằng, đây là một việc vô cùng khó thực hiện và băn khoăn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ làm như thế nào để hiện thực hóa được điều này.
Vấn đề khác được đại biểu quan tâm là lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay.
Theo Nghị quyết số 29-NQ/TW (về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế) có nêu: "lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng".
Tuy nhiên, thực tế qua 10 năm thực hiện, chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình. Nhiều người đã phải nghỉ, chuyển việc hoặc làm thêm; điều này dẫn đến tình trạng giáo viên chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề.
Bên cạnh đó, nhân viên trường học là một bộ phận thường chiếm tỉ lệ ít hơn 10% tổng biên chế của trường học nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành và phát triển của một ngôi trường.
"Mặc dù họ làm việc 8 tiếng một ngày nhưng họ không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và họ cũng không được hưởng thâm niên như nhà giáo dù làm cùng một ngành.
Hiện nay phụ cấp của họ là rất thấp, có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo chính chất công việc, theo vùng đúng như Nghị quyết 29 đề ra", đại biểu nói.
Đồng thời đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tăng lương và phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm công tác, cống hiến với nghề, đáp ứng yêu cầu dạy học hiện nay.
Trao đổi thêm với Lao Động về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết, nội dung cải cách tiền lương nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu Quốc hội cùng cử tri và nhân dân.
Bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng rất kỳ vọng do tiền lương hiện đang ít ỏi so với mặt bằng giá cả chung.
Trước đó, tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về các vấn đề kinh tế - xã hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện cải cách chính sách tiền lương là sự nỗ lực vượt bậc của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trong thời gian qua, với việc quyết tâm "thắt lưng buộc bụng" để có được nguồn lực thực hiện.
Hơn nữa, cải cách tiền lương còn giúp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và sắp xếp lại đầu mối tổ chức bộ máy tinh gọn và hiệu lực, hiệu quả.
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương được chuẩn bị đến năm 2026, nên sau năm 2026, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, nếu không nỗ lực tăng thu và tiết kiệm thì rất khó khăn để tiếp tục thực hiện trả lương cho chính sách mới.
(Theo LĐO)