Niềm vui trên những điểm trường mới ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/11/2023 | 7:51:49 AM

YênBái - Có trường học khang trang, cơ sở vật chất đầy đủ là mong muốn của các thầy cô giáo, học sinh vùng cao tỉnh Yên Bái nhiều năm qua. Mong muốn ấy đã được đáp ứng cơ bản, bởi đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố của toàn tỉnh đã đạt khoảng 90%. Hàng trăm phòng học tranh tre, vách nứa ở những điểm trường xa xôi đã được kiên cố hóa.

Một giờ học chữ lớp 5 tuổi của cô và trò tại điểm trường Liên Sưu, Trường Mầm non Nậm Mười, huyện Văn Chấn.
Một giờ học chữ lớp 5 tuổi của cô và trò tại điểm trường Liên Sưu, Trường Mầm non Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì có nguồn hỗ trợ xã hội hóa rất lớn của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, để  từ đó nhiều học sinh tại các điểm trường ở vùng cao của tỉnh được học tập trong những ngôi trường mơ ước.

Trên con dốc vắt ngang những đồi quế của người Dao ở thôn Liên Sưu, xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn, điểm trường mầm non Nậm Mười hiện ra như một điểm nhấn của hy vọng trong hành trình xóa đói giảm nghèo và phát triển của địa phương. 

Lớp học khang trang, kiên cố được sơn màu sáng, tường rào chắc chắn, những dải cờ nhiều màu sắc treo cao, trên tường là những hình vẽ ngộ nghĩnh bắt mắt, góc sân chơi được tô điểm bằng những chậu hoa rực rỡ sắc màu… 

Tiếng hát của hơn 30 đứa trẻ từ 3 đến 5 tuổi trong lớp ghép điểm Liên Sưu vang xa khắp núi rừng: "Cô là mẹ và các cháu là con. Trường của cháu đây là trường mầm non”. Rồi tiếng vỗ tay, hò reo của lũ trẻ trong vắt, giòn tan… Khung cảnh ấy, âm thanh ấy làm lan tỏa hạnh phúc từ cô và trò tới những người xung quanh. 

Cô giáo Lò Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng Trường Mầm non Nậm Mười giới thiệu: "Chỉ năm ngoái thôi, đây là điểm trường nguy hiểm nhất của nhà trường. Lớp học tạm, đơn sơ, mỗi khi trời mưa gió, cô và trò lại co dúm vào góc lớp; mưa hắt vào nên những trang trí của các cô chỉ vài hôm là hỏng nên các cô cực lắm. Được sự tài trợ của mạnh thường quân, năm học 2023 - 2024, cô trò ở điểm trường Liên Sưu đã được học tập trong lớp học kiên cố". 

"Trường mới, các cô tích cực trang trí, làm nhiều đồ dùng đồ chơi, sáng tạo trong công tác chuyên môn. Tỷ lệ chuyên cần cao hơn, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được nâng lên. Đây là điểm trường cuối cùng của nhà trường đã được kiên cố hoá” - cô Hiền nói. 

Điểm trường Liên Sưu có 33 trẻ từ 3 - 5 tuổi, do cô giáo Phạm Thị Dinh và Hà Thị Kiều Trinh đảm nhận. Từng có nhiều năm dạy tại điểm trường, phải trải qua quãng thời gian nuôi dạy trẻ trong những phòng học tạm, giờ cả cô và trò đều phấn khởi vì có trường mới. 

Cô Trinh chia sẻ: "Có điểm trường mới tôi rất vui, vui thay cho các con vì có trường mới đẹp, điều kiện học tập của các con tốt hơn. Khi có được lớp học mới, các cô trang trí nhiều hình vẽ bên ngoài, trang trí thêm hoa. Các góc lớp học được các cô tự tay trang trí theo đúng yêu cầu. Tất cả giáo viên trong trường đều tham gia vào công việc trang trí lớp học ở điểm trường Liên Sưu”. 

Đưa con tới trường, thấy cô còn đang bận chuẩn bị bài học, chị Bàn Thị Ghến tiện cầm luôn chiếc chổi quét sân sạch sẽ, chị chia sẻ: "Con được học ở trường mới vui lắm! Thỉnh thoảng thấy cô bận thì phụ cô quét sân”. 

Làm trường mới, phụ huynh ở thôn Liên Sưu rất nhiệt tình, cứ cô giáo nhắn đi lao động san mặt bằng, làm tường rào là phụ huynh có mặt đông đủ, đúng giờ. Kể về những ngày cùng cô giáo xây trường mới, ông Bàn Kim Vượng chia sẻ: "Nhà tôi 3 người lớn gồm tôi và bố mẹ cháu bé cứ thay phiên nhau lên đây cùng các phụ huynh khác san gạt mặt bằng, chở vật liệu. Giờ trường mới đẹp thế này, bà con chúng tôi cũng vui lây. Các con, cháu đến trường với cô chuyên cần hơn”. 

Được biết, người dân ở Liên Sưu đã huy động 500 công lao động góp sức xây trường và ủng hộ 50 triệu đồng để làm trường mới. Nắm bắt được cơ hội đầu tư từ các nhà tài trợ, huy động sự đóng góp, ủng hộ của người dân cùng làm, đó là 2 nguồn xã hội hóa quan trọng để làm nên những điểm trường mới ở Văn Chấn. 

Chính những nguồn lực từ bên ngoài đã khơi gợi được sự đóng góp từ nội lực của người dân. Đó còn là sự thể hiện tình cảm của những người dân địa phương đối với công tác giáo dục, tình cảm của người dân với giáo viên, yêu cô, yêu trường, mang phần trách nhiệm đặt vào công tác giáo dục. 

Để phụ huynh, người dân đồng lòng ủng hộ thầy cô xây dựng trường mới là nhờ trong quá trình dạy và chăm sóc trẻ, phụ huynh thấy được sự tận tâm của các cô thêm yêu quý, tin tưởng rồi đồng lòng chung tay cùng sự nghiệp giáo dục. 

Điểm trường Làng Hua, Trường Mầm non Suối Bu, Văn Chấn cũng được xây dựng từ 2 nguồn xã hội hóa, đó là của nhà tài trợ và sự chung sức của người dân trong thôn. Trước năm học 2023 - 2024 có 2 lớp nhà tạm, nhà gỗ với phần mái xuống cấp nghiêm trọng. 

Đây lại là điểm xa nhất, khó khăn nhất, 100% học sinh là người dân tộc Mông. Được sự kết nối qua lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với Câu lạc bộ Từ thiện Ánh Sao đã hỗ trợ nhà trường trên 500 triệu đồng xây dựng 3 phòng học khép kín. 

Cô giáo Đào Thị Hoa - Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi chia sẻ: "Khi có được những phòng học mới, chúng tôi bắt tay vào làm các công trình phụ trợ khác như xin các đơn vị hỗ trợ nguyên vật liệu, vận động phụ huynh đóng góp ngày công san gạt mặt bằng, mở rãnh thoát nước, làm sân, đổ đường vào trường… Các cô giáo cũng tích cực nghiên cứu, sưu tầm tạo ra những đồ dùng, đồ chơi trang trí cho phòng học thêm đẹp”. 

Cô Hoa cũng khẳng định rằng, để có được sự ủng hộ của phụ huynh là nhờ sự xây đắp niềm tin từ chính các cô giáo. Các cô nhiệt tình tâm huyết, qua hoạt động, qua mỗi tiết dạy, cách chăm sóc trẻ... Phụ huynh rất phấn khởi vì con đi học về biết thêm nhiều điều, mạnh dạn hơn… Qua đó, phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của công tác giáo dục, tạo được sự đồng thuận. 

Anh Mùa A Ký có 2 con học ở điểm trường cũng là một trong rất nhiều phụ huynh tích cực giúp nhà trường cải tạo khuôn viên, xây dựng tường rào, đổ bê tông lối vào trường… Anh phấn khởi chia sẻ: "Góp một chút sức với các cô xây dựng trường cho con mình học. Các cô thương con mình lắm! Trường bây giờ đẹp, kiên cố, con được học ở đây mình vui lắm!”. 


Điểm trường Làng Hua, Trường Mầm non Suối Bu, Văn Chấn. 

Quan điểm của lãnh đạo Phòng Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Chấn về công tác huy động các đơn vị tài trợ xây dựng trường mới không chỉ là phải tận tâm, nhiệt tình trách nhiệm mà khi được tài trợ phòng học thì địa phương, thầy cô giáo cùng phụ huynh cùng đóng góp xây dựng cảnh quan, tường rào, trang trí lớp học để khi bàn giao phải là một công trình lớp học đầy đủ và sạch đẹp. Đó được hiểu như phần đối ứng mang đầy trách nhiệm của địa phương, của nhà trường và của phụ huynh với đơn vị tài trợ. 

Ông Phan Thanh Hải - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn chia sẻ: "Các đoàn đầu tư rất hài lòng vì khi bàn giao là công trình đầy đủ; họ thấy sự tích cực từ phía huyện, các thầy cô. Vì khi nhận nguồn đầu tư thì có hỗ trợ thêm của nhân dân và các đơn vị để công trình đẹp hơn như một phần đối ứng của địa phương. Sự đối ứng ấy bằng trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, của phụ huynh và nhân dân”. 

Từ đầu năm đến nay, ngành GD&ĐT huyện Văn Chấn huy động xã hội hóa từ các đơn vị, các nhà hảo tâm tài trợ xây dựng được 14 phòng học, 4 phòng bộ môn, 3 phòng hành chính quản trị, 3 phòng công vụ, 4 nhà bếp, 1 công trình phụ trợ. 

Thiết bị, đồ chơi gồm 3 bộ ngoài trời ở khối mầm non, 79 ti vi, 3 máy chiếu, 3 điều hòa, 133 bộ bàn ghế học sinh, 87 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, 4 thiết bị nhà bếp, 34 thiết bị khác… 

Tổng trị giá là 11 tỷ 704 triệu đồng. Có được kết quả đó là nhờ Phòng GD&ĐT huyện đã làm tốt công tác truyền thông, đưa thông tin trên các trang mạng, đặc biệt các trường khi có khó khăn thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục thì rất tích cực đưa thông tin lên các trang mạng của nhà trường; từ đó, thu hút sự quan tâm của các nhà hảo tâm. 

Phòng GD&ĐT cũng rất tích cực kết nối thông tin, qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, các ngành… Ngoài ủng hộ về cơ sở vật chất, thiết bị của các nhà đầu tư, trong thời gian qua, mặc dù còn khó khăn, song với cách làm sáng tạo, minh bạch huyện đã huy động được sự chung tay vào cuộc của nhân dân, nhất là trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với cách làm hiệu quả, huyện Văn Chấn đã xây dựng thêm nhiều điểm trường mới, sự thay đổi về cơ sở vật chất sẽ mang lại những thay đổi tích cực về chất lượng giáo dục. Không chỉ tạo ra một môi trường học tập tốt hơn, mà còn khích lệ đam mê giảng dạy của giáo viên và tạo động lực cho học sinh phát triển. 

Thanh Ba

Tags điểm trường mới niềm vui Văn Chấn Nậm Mười Suối Bu

Các tin khác
Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh” Trường THPT Lê Quý Đôn có 71 sản phẩm tham gia.

Hướng tới kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2023), Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên vừa tổ chức Hội thi “Thiết kế và trình diễn thời trang xanh”.

Sau thời gian đánh giá ngoài, Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục đã thẩm định báo cáo đánh giá ngoài và quyết định công nhận kiểm định chất lượng giáo dục của Trường Đại học Y Hà Nội.

Đoàn đánh giá ngoài của Trung tâm Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định cho điểm 6 đầu tiên cho Trường Đại học (ĐH) Y Hà Nội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) Raymond Gordon trao giải cho tác giả đạt giải Đặc biệt.

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lễ trao giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đặc biệt, cần sớm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thực hiện đúng tinh thần "ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên" nhưng phải hợp lý và hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục