Việc xét công nhận tốt nghiệp nhằm xác nhận trình độ của học sinh, học viên học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS. Việc xét công nhận tốt nghiệp căn cứ vào kết quả rèn luyện và kết quả học tập năm học lớp 9 của học sinh.
So với quy chế cũ, Thông tư số 31/2023/TT-BGDĐT có một số điểm mới đáng chú ý như: số lần xét tốt nghiệp trong một năm; không xếp loại tốt nghiệp…
Cụ thể, đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất hai lần. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ nhất được thực hiện ngay sau khi kết thúc năm học. Lần xét công nhận tốt nghiệp thứ hai (nếu có) được thực hiện trước khai giảng năm học mới.
Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, trong năm có học sinh học hết lớp 9, tổ chức xét công nhận tốt nghiệp ít nhất một lần ngay sau khi kết thúc năm học.
Học sinh được công nhận tốt nghiệp nếu có đủ các điều kiện sau: Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS; có đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Hồ sơ dự xét công nhận tốt nghiệp đối với học sinh học hết lớp 9 tại cơ sở giáo dục trong năm tổ chức xét công nhận tốt nghiệp là học bạ học sinh. Đối với các trường hợp khác, hồ sơ gồm: đơn đăng ký dự xét công nhận tốt nghiệp; bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc căn cước công dân, thẻ căn cước; bản chính học bạ học sinh hoặc bản in học bạ điện tử có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi học sinh đã học hết lớp 9. Trường hợp học sinh bị mất bản chính học bạ hoặc không có bản in học bạ điện tử, phải có bản xác nhận kết quả rèn luyện và kết quả học tập lớp 9 của cơ sở giáo dục nơi học sinh đã học hết lớp 9.
Học sinh được công nhận tốt nghiệp được cấp bằng tốt nghiệp THCS. Điểm mới của quy chế này là không xếp loại học sinh, còn với quy chế hiện hành, kết quả tốt nghiệp của người đang học tại các cơ sở giáo dục được xếp thành 3 loại: Giỏi, khá, Trung bình, căn cứ vào xếp loại hạnh kiểm và xếp loại học lực.
Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tổ chức cho học sinh học lại; rèn luyện trong kỳ nghỉ hè; kiểm tra, đánh giá lại các môn học, hoạt động giáo dục trong kỳ nghỉ hè theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xác nhận hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS (nếu đủ điều kiện) cho học sinh thuộc các đối tượng sau: Học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình trong năm học lớp 9 do kết quả học tập hoặc rèn luyện cả năm lớp 9 xếp loại "Chưa đạt” (hoặc học lực/hạnh kiểm cả năm xếp loại yếu, kém); học sinh chưa được công nhận hoàn thành Chương trình do nghỉ học quá 45 buổi trong năm học lớp 9 xin học lại; học sinh quá 21 tuổi đã học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS nhưng chưa được công nhận tốt nghiệp xin học lại lớp 9 theo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS.
Thông tư này được áp dụng đối với học sinh từ năm học 2024-2025. Việc xét công nhận tốt nghiệp THCS theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2006 được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.
(Theo Báo Tin tức)