Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ tổ chức 71 cuộc kiểm tra trong năm 2024

  • Cập nhật: Thứ bảy, 20/1/2024 | 8:34:52 AM

Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ tổ chức 16 cuộc thanh tra, phối hợp thực hiện 71 cuộc kiểm tra các đơn vị trong năm 2024.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Thông tin trên được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 về công tác thanh tra, do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, năm 2023, đơn vị này đã hoàn thành 16 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với 38 cơ quan, đơn vị; 4 cuộc thanh tra đột xuất đối với 7 đơn vị.

Thanh tra Bộ GD&ĐT đã hoàn thành 14 cuộc kiểm tra theo kế hoạch và 3 cuộc kiểm tra đột xuất; cử công chức phối hợp tham gia 5 cuộc kiểm tra do đơn vị thuộc Bộ chủ trì thực hiện.

Qua rà soát, đơn vị này đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 732 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định.

Theo kế hoạch, năm 2024, thanh tra Bộ sẽ tổ chức 16 cuộc thanh tra, 12 cuộc kiểm tra, phối hợp, đôn đốc các đơn vị thực hiện 71 cuộc kiểm tra.

"Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tiếp tục tăng cường hiệu quả thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra của Sở GD&ĐT, thanh tra nội bộ các đơn vị sự nghiệp công lập", ông Cường cho biết.

Đặc biệt, năm 2023, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã tập trung lực lượng tổ chức thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Chúng tôi đã huy động và tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi cho gần 7.000 người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi; thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 tỉnh, thành phố, 63 đoàn kiểm tra chấm thi tại 63 tỉnh, thành phố", Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho hay.

Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, qua công tác thanh kiểm tra, đơn vị này đã kịp thời phát hiện các thiếu sót và kiến nghị hội đồng thi tổ chức kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế; góp phần tạo nên thành công của kỳ thi.

Năm 2023, Thanh tra Bộ cũng đã rà soát cơ sở giáo dục đại học có dấu hiệu vi phạm kết quả tuyển sinh trình độ đại học năm 2022, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá: "Chúng ta đã làm được số lượng công việc nhiều hơn, tốc độ khẩn trương hơn, chiều sâu và tác động điều chỉnh tốt hơn".

Theo Bộ trưởng, ngành giáo dục đang trong giai đoạn thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Trong trạng thái đang thay đổi, các vấn đề, công việc chắc chắn nhiều hơn. Theo đó, công việc của thanh tra sẽ nặng nề hơn, yêu cầu cao hơn, đòi hỏi đặc thù hơn…

"Thanh tra là công cụ quản lý nhà nước rất quan trọng, đây cũng là công cụ để tiếp tục mở đường cho đổi mới, là "bà đỡ" cho sự đổi mới, làm cho đổi mới đúng hướng hơn, tốt hơn".

Với nhìn nhận này, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ thanh tra, không chỉ cần tinh thông nghiệp vụ, kỷ cương, còn cần tinh thần thấu hiểu, tinh thần hành động.

"Có những việc đúng về tinh thần, hồn cốt, nhưng chưa chuẩn về mặt thể thức, hình thức. Cũng có trường hợp chuẩn về hình thức nhưng lại đang là lực cản của đổi mới. Thanh tra cần thấy rõ điều này.

Cán bộ thanh tra bởi vậy ngoài thông thạo nghiệp vụ phải thấu hiểu những gì đang đổi mới, đang diễn ra, kể cả ở giáo dục phổ thông và đại học; từ đó nhìn ra được vấn đề, thấy được những gì cần cổ vũ, điều gì cần cảnh báo…", Bộ trưởng nói.

(Theo Dân trí)

Các tin khác
Ông Vũ Minh Đức - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo - trình bày các quy định dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo.

Nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Đây là nội dung Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (ngoài cùng, bên phải ảnh) vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa là nhà khoa học, vừa là nhà giáo đã có nhiều cống hiến cho nền khoa học trong nước và thế giới. Đặc biệt, ông còn được biết đến với vai trò là người thầy mở đường và dẫn dắt các thế hệ học trò hội nhập vào nền khoa học thế giới.

Một giờ học của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hồ Bốn, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải.

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về công tác giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Tỉnh ủy Yên Bái vừa ban hành Công văn số 1782-CV/TU yêu cầu các đảng, đoàn, ban cán sự Đảng; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện.

Học sinh tìm mua sách giáo khoa biên soạn theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tại hiệu sách.

Bộ Giáo dục- Đào tạo thông báo việc tổ chức thẩm định sách giáo khoa cấp THCS và THPT biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục