Cuối tuần qua, 420/420 học sinh ở 12 lớp của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải đã cùng tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm bổ ích như: kéo co, đẩy gậy, đánh cù, nắm pao, giã bánh dày...
Em Giàng A Cử, học sinh lớp 8B chia sẻ: "Em và các bạn thực sự vui và hạnh phúc khi được tham gia nhiều hoạt động do nhà trường tổ chức, nhất là được quây quần bên mâm cơm tất niên, giúp cho chúng em hiểu và tự hào hơn về phong tục, truyền thống ngày tết quê hương”.
Thầy Giàng A Của - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải cho biết: "Dịp này, nhà trường đã tổ chức chuỗi các hoạt động mừng Đảng, Mừng xuân năm 2024 với chủ đề "Sắc màu văn hóa quê hương” với nhiều các nội dung: hoạt động vui chơi với các trò chơi mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức bữa cơm tất niên cho các em và đêm văn nghệ ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, quê hương, đất nước đổi mới. Đây là các hoạt động rất bổ ích, thiết thực nhằm giúp cho học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn của dân tộc”.
Cũng như Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Mù Cang Chải, hoạt động trải nghiệm "Ngày Tết quê em” gói bánh chưng tết và chia sẻ yêu thương với các bạn có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế (Lục Yên) đã thu hút 100% học sinh tất cả các khối lớp, các thầy cô giáo và đại diện cha mẹ học sinh tham gia.
Lần đầu tiên cùng các bạn tham gia gói bánh chưng, em Kiều Trang Ngọc - lớp 5C, Trường Tiểu học Trần Phú rất phấn khởi: "Được các thầy cô hướng dẫn, chúng em đã lau khô lá dong, gấp thành nếp cho bằng nhau rồi dùng kéo cắt tùy vào kích thước, rồi đổ gạo nếp và nhân bánh vào khuôn... Chiếc bánh tuy chưa vuông cho lắm nhưng em thấy rất tuyệt vời bởi đó là trải nghiệm đáng nhớ, giúp cho chúng em hiểu biết thêm về Tết cổ truyền của dân tộc”.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết: "Người Việt có truyền thống gói bánh chưng dịp Tết được giữ gìn từ bao đời nay và bánh chưng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, do cuộc sống phát triển, nhiều gia đình không còn gói bánh chưng ngày Tết nữa. Nhằm giúp các con có những hiểu biết sâu hơn về ngày Tết cổ truyền, nhà trường đã tổ chức chương trình Ngày tết quê em mà chủ đề chính là gói bánh chưng. Thông qua hoạt động này để các con được tự tay gói chiếc bánh cho riêng mình và cảm nhận được hương vị đậm đà bản sắc dân tộc trong ngày Tết”.
Lớp 6H, Trường THCS Quang Trung tái hiện gian hàng phiên chợ tết của dân tộc Cao Lan
Còn tại Trường THCS Quang Trung, thành phố Yên Bái với nội dung "Giáo dục địa phương - sắc màu quê hương”, hàng ngàn học sinh, giáo viên và phụ huynh đã tái hiện lại không gian "Tết đến quê em” khi mỗi lớp tự trang trí một gian hàng với sản phẩm mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Em Nguyễn Bảo Ngọc - lớp 8G chia sẻ: "Hòa mình vào không gian ngày Tết cổ truyền, chúng em được nghe, xem Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ xã Nậm Mười cùng các tiết mục biểu diễn khèn và sáo Mông do các nghệ nhân đến từ xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Hoạt động trải nghiệm này đã giúp cho chúng em hiểu biết hơn phong tục, truyền thống về ngày tết quê hương cũng như các nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn”.
Cô Đặng Thu Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho biết: "Nhiều năm nay, cứ mỗi dịp tết đến xuân về nhà trường lại tổ chức các hoạt động trải nghiệm với mong muốn giáo dục các em học sinh giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc; đồng thời tạo sân chơi cho học sinh hiểu được bản sắc văn hóa dân tộc, bồi đắp những hiểu biết về văn hóa ngày Tết cổ truyền. Đặc biệt, nhà trường cũng đã phát động Chương trình "Tết vì bạn nghèo", qua đó trao tặng 29 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập của nhà trường và 10 suất quà cho học sinh Trường TH & THCS xã Tuy Lộc với mong muốn giúp các em ấm áp hơn khi tết đến xuân về”.
Mỗi trường học có cách thức tổ chức hoạt động trải nghiệm "Ngày tết quê em” khác nhau, nơi gói bánh chưng, nơi giã bánh dày, soạn cỗ ăn tất niên, nơi thì tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc... nhưng đều chung một mục đích là giúp cho học sinh hiểu biết sâu sắc hơn về cội nguồn của dân tộc, những giá trị tốt đẹp mà ngàn đời nay cha ông đã giữ gìn. Đó là truyền thống đạo đức gia đình, truyền thống Tết cổ truyền của các dân tộc; đồng thời khích lệ tinh thần yêu thích, ham học hỏi nghiên cứu khoa học, sáng tạo của học sinh trong nhà trường phát huy tinh thần làm việc nhóm, khả năng ứng dụng vào thực tiễn, tạo phong trào học tập, nghiên cứu sâu rộng cho học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, trí tuệ bổ ích giúp học sinh trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống để "Mỗi ngày đến trường của các em là một ngày vui".
Văn Tuấn