Thời gian qua, nhiều tỉnh thành công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT, trong đó sẽ tuyển thẳng, miễn thi môn tiếng Anh hoặc cộng điểm cho các thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên mới đây, Bộ GD-ĐT đã ra thông báo đề nghị các tỉnh dừng việc ưu tiên với các thí sinh có loại chứng chỉ này.
Trước thông báo của Bộ GD-ĐT, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên ủng hộ đề nghị này. Theo bà, tiếng Anh vốn chỉ là một công cụ giao tiếp, do đó không thể sử dụng để đánh giá năng lực học sinh. "Năng lực của con người cần phải được đánh giá dựa trên khả năng tư duy. Khi lấy mục tiêu giáo dục là phát triển năng lực, chỉ nên cộng điểm đối với những gì liên quan đến năng lực. Việc căn cứ vào một loại chứng chỉ tiếng Anh để tuyển thẳng vào lớp 10 sẽ là quyết định sai lầm”, bà Quyên nói.
Theo bà Quyên, tại Mỹ hay một số quốc gia khác, các trường thường yêu cầu thêm chứng chỉ IELTS, nhưng là bởi học sinh, sinh viên cần có tiếng Anh mới có thể theo đuổi việc học ở những quốc gia này. Còn tại Việt Nam, học sinh sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt, vì thế, chứng chỉ IELTS trở nên thừa thãi.
"Quyết định của Bộ GD-ĐT sẽ tránh được sự lãng phí khi người dân quá "sùng bái” IELTS, thậm chí đổ xô đi học loại chứng chỉ này, từ đó đánh mất thời gian, cơ hội phát triển những kỹ năng khác quan trọng hơn”.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tới 2025, 50% nhân lực phải đào tạo lại các kỹ năng để thích ứng với sự thay đổi của thế giới. Theo nữ chuyên gia, đào tạo người học có năng lực tư duy và năng lực làm việc tốt mới là mục tiêu thực sự của giáo dục. Trong đó, tiếng Anh chỉ là một công cụ, không thể biến thành một kỹ năng ưu tiên, nhất là khi trí tuệ nhân tạo ra đời trở thành phương tiện hỗ trợ. Không cần giỏi ngôn ngữ, bất cứ ai cũng có thể giao tiếp toàn cầu.
"Tôi cho rằng, khi học sinh bước vào bậc THPT, những thứ cần được ưu tiên nên là các dự án, hoạt động mang tính cống hiến cho xã hội”, bà Quyên đề xuất.
Ông Đặng Minh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng cho rằng IELTS chỉ nên là một công cụ dùng để đánh giá việc sử dụng các kỹ năng ngoại ngữ, bao gồm: Nghe, Nói, Đọc, Viết trong thời gian ngắn hạn. Vì thế, IELTS không liên quan đến việc đánh giá khả năng chuyên môn hay năng lực của người học.
"Việc ưu tiên cộng điểm, tuyển thẳng có thể dẫn tới sự méo mó, lệch lạc. Không ít phụ huynh đã đầu tư tiền bạc, thời gian cho loại chứng chỉ này mà bỏ qua việc trau dồi, phát triển các nền tảng khác”, ông Tuấn nói.
Đồng quan điểm, ThS Trần Thanh Vũ, nghiên cứu sinh tại khoa Giáo dục, Đại học Durham (Anh), cho rằng IELTS vốn là một kỳ thi đánh giá kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong môi trường học thuật. Do đó, việc dùng IELTS để tuyển sinh gây sai lệch mục đích mà kỳ thi này được thiết kế và phát triển.
"Bản thân các tổ chức sở hữu kỳ thi IELTS đều khuyến nghị những người dưới 16 tuổi không nên thi IELTS. Quy định này có nhiều nguyên do, nhưng chủ yếu là vì những nội dung trong IELTS chỉ phù hợp với người lớn, chẳng hạn khoa học, pháp luật, các mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp, giáo dục đại học”, ThS Vũ nói.
Vì thế, anh cho rằng người học cần phải có một nền tảng kiến thức tự nhiên, xã hội đầy đủ để hiểu và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong bài thi này. Ở độ tuổi dưới cấp THPT, học sinh hầu như rất khó có thể hiểu thấu đáo những nội dung được kiểm tra trong IELTS.
Việc sử dụng IELTS để tuyển sinh, theo ThS Vũ, sẽ để lại nhiều hệ lụy xấu như hiểu sai mục đích của bài thi IELTS, vốn dùng để đánh giá năng lực ngôn ngữ; khuyến khích việc học và thi IELTS từ độ tuổi còn nhỏ, vốn không cần thiết và phản khoa học. Ngoài ra, điều này cũng khiến cho phong trào học và luyện thi IELTS vốn rối rắm trở nên mất kiểm soát ở Việt Nam.
"Tạo nên tâm lý xem trọng bài thi IELTS, coi đó là một chuẩn mực phải có với học sinh có thể gây ra sự mất công bằng giữa học sinh giàu - nghèo, thành thị - nông thôn. Do đó, việc cấm tuyển thẳng học sinh vào THPT, thậm chí cả ở bậc đại học là điều nên làm hiện tại”, ThS Vũ nói.
(Theo Vietnamnet)