Bộ Giáo dục khuyến khích đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/3/2024 | 2:26:04 PM

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khuyến khích các đại học dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển bởi tin cậy, bớt tốn kém, đảm bảo công bằng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo chiều 11/3.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tại Hội thảo chiều 11/3.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ như trên tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, chiều 11/3. Ông cho hay theo Luật Giáo dục đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện, kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ tốt để các trường lấy làm nguồn xét tuyển chính.

Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch, luyện thi ở nhiều thành phố lớn. Kỳ thi cũng giúp giảm chi phí cho xã hội, nhất là người dự thi. Nhiều chuyên gia cho rằng kết quả kỳ thi đáng tin cậy để các trường lấy làm căn cứ xét tuyển.

Theo thống kê của Bộ, tỷ lệ thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học trong 4 năm qua dao động 40-50%. Như năm 2022, có hơn 300.000 trong số hơn 620.000 thí sinh xét tuyển đại học dùng điểm thi tốt nghiệp, chiếm 48,59%; năm 2023 tỷ lệ này là 41,44%.

Đặc biệt, khối ngành sức khỏe và nhiều ngành khác với chuẩn đầu vào cao đều dùng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chẳng hạn, trường Đại học Y Hà Nội dành khoảng 80% xét hoàn toàn bằng điểm thi. Với 20% chỉ tiêu còn lại, trường vẫn xét bằng điểm ba môn thi tốt nghiệp, nhưng giảm 2 điểm chuẩn cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp quốc tế.

Việc dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển cũng giảm tốn kém cho các trường, khi không phải huy động nhiều nguồn lực để tổ chức các phương thức xét tuyển khác, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.

"Nếu học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện về các cơ sở giáo dục đại học để tham gia các kỳ thi riêng thì cơ hội sẽ ra sao, có công bằng hay không?", Thứ trưởng nói.

Ông cho rằng cần thống nhất tăng cường công tác quản lý nhà nước về các phương án tuyển sinh đại học, trong đó khuyến khích các trường lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Thống kê năm 2023 cho thấy hơn 200 trường đại học sử dụng khoảng 20 phương thức xét tuyển. Hai phương thức có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cao nhất vẫn là xét điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ.

Đại diện một số đại học cho biết sẽ tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi này nhưng mong đề có tính phân loại cao hơn.

Khi xem đề thi thử môn Sinh, GS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược TP HCM, đánh giá đề vẫn mang tính kiểm tra trí nhớ nhiều. Ông cho rằng các đại học, kể cả khối y dược có thể sử dụng nếu kết quả kỳ thi đảm bảo. Muốn vậy, đề thi cần có nhiều câu hỏi mang tính vận dụng kiến thức, hướng tới năng lực của học sinh hơn nữa.

GS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược, Đại học Huế, chung nhận định. Theo ông, đề thi phải tách được thí sinh theo từng nhóm điểm để các trường chọn ra được những em phù hợp.

Trả lời, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ, khẳng định tính phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ cao hơn. Đây cũng là yêu cầu đặt ra, nhưng điều này không có nghĩa việc ra đề phải khó hơn.

Ông ví dụ, với đề thi minh họa hiện tại, kết quả thử nghiệm trên 5.000 học sinh cho thấy tính phân hóa tốt.

Tại Nam Định, cô Trịnh Thị Thanh Xuân, giáo viên trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết đề thi minh họa môn Sinh học đã được thử nghiệm trên 10.000 học sinh trong tỉnh. Hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình, điểm phổ biến là 6,5. Số học sinh đạt 8 và 9 giảm dần. Chỉ một trong số 10.000 học sinh đạt điểm 10. Theo cô Xuân, điều này cho thấy đề có tính phân hóa tốt, phù hợp để các trường dùng xét tuyển.

Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi chỉ còn hai môn bắt buộc (Toán, Ngữ Văn) và hai môn tự chọn, giảm hai môn thi và một buổi thi so với hiện tại.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho giáo viên có thành tích cao trong năm học 2022 - 2023.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng 221 học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc năm học 2023 - 2024 vào trung tuần tháng 5/2024.

Năm 2024 sẽ có tất cả 20 phương thức xét tuyển đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể. Để hiểu rõ hơn mời độc giả tham khảo bài viết dưới đây.

Từ tháng 11-2024 sẽ có nhiều điểm mới trong thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Tối 3-5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Thông tư số 07/2024/T-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung và thay thế một số phụ lục của Thông tư số 13/2021/TTBGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam.

Giờ ôn tập môn Ngữ Văn của cô và trò Trường THPT Mai Sơn.

Cũng như nhiều trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường trung cấp trên địa bàn tỉnh, các trường THPT trên địa bàn huyện Lục Yên đang tập trung ôn luyện cho học sinh để Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đạt kết quả cao nhất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục