Năm học 2023-2024 vừa qua, trên địa bàn 10 xã khu vực III của huyện Văn Yên có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 đến 2023 và sẽ có 4 xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.
Văn Yên có 24 trường mầm non và phổ thông; trong đó, 10 trường mầm non, 6 trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, 8 trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng số 2.910 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND; 152 học sinh trường PTDT bán trú học 2 buổi/ngày hưởng chế độ theo Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND tỉnh.
Qua rà soát, thống kê năm học 2024-2025, toàn huyện có 519 học sinh bán trú sẽ không còn được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND tỉnh do các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2021 đến 2023; trong đó, Trường Tiểu học Lang Thíp có 232 học sinh, Trường THCS Lang Thíp 195 học sinh và Trường Tiểu học & THCS Đại Sơn có 92 học sinh.
Ngoài ra còn có 1.001 học sinh bị tác động, thôi hưởng các chế độ khác như chế độ hỗ trợ chi phí học tập (trong đó, bậc học mầm non 229 em, tiểu học 341 em và THCS 368 em); chuyển sang mức đóng học phí theo khu vực I (cao hơn mức nộp trước khi xã đạt chuẩn nông thôn mới) 476 em (trong đó, mầm non 100 em và THCS 376 em).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận nên lên những khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở giáo dục và học sinh khi thôi hưởng chế độ theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.Đồng thời đề xuất các phương án sắp xếp, sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác bán trú đối với các trường trên địa bàn đối với xã đạt chuẩn nông thôn mới; các giải pháp và phương án hỗ trợ học sinh thôi hưởng chế độ chính sách đối với các xã khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới.
Thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo huyện Văn Yên tập trung chỉ đạo các trường tăng cường tuyên truyền để phụ huynh và người dân nhận thức rõ mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó xác định rõ trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong việc học tập của con em mình khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngành cũng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là UBND các xã để tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách các đối tượng bị tác động báo cáo UBND huyện để có giải pháp phù hợp; thành lập Ban chỉ đạo, các tổ khảo sát do chủ tịch UBND xã làm trưởng ban chỉ đạo để rà soát đối tượng học sinh bị tác động.
Đồng thời động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự nguyện quản lý, chăm sóc học sinh bán trú; tham mưu kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hưởng ứng phong trào quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa, xe đạp,… hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát động phong trào tương thân, tương ái với phương châm "trường hỗ trợ trường”, "lớp hỗ trợ lớp”, "học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vùng dân tộc thiểu số” và phát động phong trào thi đua trong ngành giáo dục để ủng hộ học sinh bán trú có hoàn cảnh khó khăn...
Đức Toàn