Bộ trưởng Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: "Chủ trương không cấm dạy thêm"

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/11/2024 | 2:23:08 PM

Nói rằng “mình là người hạnh phúc nhất”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn khẳng định, khi xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo đã nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi, hay ưu ái bất thường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Sáng 20/11, giải trình một số vấn đề được đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc của các nhà giáo khi Quốc hội thảo luận Luật Nhà giáo vào đúng ngày 20 tháng 11.

"Có nhiều người hạnh phúc nhưng hôm nay có lẽ tôi là người hạnh phúc nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Đi vào các vấn đề được đại biểu quan tâm, nhất là vấn đề lương của giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, khi xây dựng dự thảo luật, bộ cũng nhìn sang các ngành khác, chứ không phải chỉ mong muốn ngành giáo dục nhận được đặc quyền, đặc lợi hay được ưu ái bất thường.

Trên thực tế, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, vẫn còn phần lớn trong số 1,6 triệu giáo viên chưa đủ sống nên không thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. "Với một đất nước khi vừa thoát nghèo, chưa giàu, khi cần ưu tiên, không thể dàn hàng ngang ưu tiên. Khi đã xét 'giáo dục là đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu', dứt khoát phải có một vài sự ưu tiên”, ông Sơn nói.

Việc xác định cụ thể về chế độ tiền lương để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhà giáo, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, dự thảo Luật Nhà giáo chỉ quy định nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ quy định cụ thể.

Tránh tình trạng "không quản được thì cấm”

Liên quan đến việc dạy thêm của nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang chủ trương không cấm việc dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo cũng như vi phạm những nguyên tắc về chuyên môn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nêu quá trình thảo luận một số đại biểu cho rằng vì nhà giáo khó khăn nên phải làm luật này. Tuy nhiên, ông giải thích khó khăn của nhà giáo chỉ là một phần của lý do, còn lý do chính yếu để làm luật này nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo.

Trước đó, thảo luận về vấn đề này, đại biểu Chamaléa Thị Thủy (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, dạy thêm là nhu cầu có thực của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thực của học sinh nhất là ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển.

"Việc nói tăng lương và các chế độ chính sách cho giáo viên giải quyết được vấn đề dạy thêm, theo tôi, vẫn còn chủ quan và chưa thực sự phù hợp với thực tế cuộc sống", đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho biết, đang có hai quan điểm về vấn đề dạy thêm. Cụ thể, có ý kiến cho rằng nên xác định dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng ý kiến khác đề nghị nên cấm dạy thêm, học thêm.

Đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT sau khi Luật Nhà giáo được thông qua, cần phối hợp với các bộ, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành thông tư hướng dẫn xem xét thấu đáo việc này.

"Thực ra việc dạy thêm, học thêm cũng có những mặt tích cực. Không phải giáo viên nào cũng xấu, ép học sinh học thêm. Có những phụ huynh học sinh vì lý do công việc không thể đón con về buổi trưa để chăm sóc, hay làm tăng ca không thể đón con sớm nên họ nhờ thầy, cô giáo đón con về chăm sóc dạy dỗ để cha mẹ an tâm làm việc", ông Khánh nói và đề nghị nên tránh tình trạng "không quản được thì cấm”.

(Theo TPO)

Các tin khác
Bằng sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, học sinh Trường TH&THCS Y Can số 1 đã có những bữa cơm chất lượng.

Đi qua những ruộng rau, bãi ngô tươi tốt, dấu tích bởi trận mưa lũ lịch sử do bão Yagi gây ra đã mờ dần, chúng tôi đến Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Y Can số 1, huyện Trấn Yên giữa lúc giáo viên và học sinh nhà trường đang sôi nổi thi đua “Dạy tốt - học tốt” và rộn ràng luyện tập các tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Các cô giáo đón trẻ vào buổi sáng.

Trên những vùng núi ở khắp đất nước, đặc biệt là tỉnh Yên Bái, hình ảnh những cô giáo cắm bản không còn xa lạ. Họ là những người tình nguyện đến các điểm trường ở những bản làng hẻo lánh, nơi có địa hình đồi núi hiểm trở, thậm chí không điện, không sóng điện thoại và không internet. Họ không chỉ là giáo viên mà còn là những người truyền cảm hứng, là ánh sáng dẫn đường cho những đứa trẻ nơi đây.

Thừa uỷ quyền, lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố trao Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 cho Trường Mầm non Hồng Ngọc

Chiều 19/11, Trường Mầm non Hồng Ngọc, thành phố Yên Bái tổ chức đón nhận Bằng chuẩn quốc gia mức độ 1 và kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024).

Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11

Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước nhân ngày 20 tháng 11.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục