Đưa chữ “lên ngàn”

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/2/2025 | 8:23:48 AM

YênBái - Cuộc sống của giáo viên mầm non dẫu có vô vàn khó khăn nhưng con đường đến trường của trẻ em vùng cao huyện Trạm Tấu suốt hàng chục năm qua chưa bao giờ đứt đoạn. Bởi vì ở đó luôn có những giáo viên “cắm bản” tràn đầy nhiệt huyết, nỗ lực đưa chữ “lên ngàn”, chấp nhận thiệt thòi, dù gian nan vất vả.

Cô giáo tại điểm trường Kháo Chu, Trường Mầm non Sơn Ca, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu tổ chức cho học sinh vui chơi, trải nghiệm tết Nguyên đán.
Cô giáo tại điểm trường Kháo Chu, Trường Mầm non Sơn Ca, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu tổ chức cho học sinh vui chơi, trải nghiệm tết Nguyên đán.


Trạm Tấu những ngày cuối đông lạnh tê tái. Là cái lạnh đến run người, gió rít và sương mù trùng trùng đặc trưng của vùng cao, cả lúc sáng sớm, chiều buông và càng "cắt da” khi đêm xuống. Dù thế, bước chân của các giáo viên mầm non "cắm bản” vẫn chưa bao giờ dừng.

"Chỉ cầu con không ốm, trời không mưa!” - cô giáo Hoàng Thị Tiên ở điểm trường Kháo Chu, Trường Mầm non Sơn Ca (xã Bản Công) chỉ mong có thế vào mỗi sớm thức dậy. Đường sá xa xôi, nhiều đoạn đường đất nên nếu trời mưa, cô sẽ phải đi bộ nhiều đoạn khiến thời gian di chuyển từ nhà đến nơi làm việc sẽ tăng lên gấp đôi, từ 30 phút lên gần 1 tiếng. 

Hôm ấy là buổi học cuối cùng của năm cũ Giáp Thìn, trời nắng thật đẹp! 6 giờ 30 phút, cô Tiên rời nhà khi đứa con gái nhỏ còn say giấc, mang theo hành lý là thịt lợn, đỗ xanh, bánh kẹo và hoa tươi... đến trường. Lũ trẻ hào hứng lắm, đến lớp từ sáng sớm trong bộ quần áo mới. Đứa nào đứa nấy xinh tươi, hồn nhiên như đóa hoa mận đang nở rộ nơi góc sân trường. Cô Tiên cũng nhanh chóng bắt đầu tiết học với câu chuyện kể về sự tích tết Nguyên đán và tranh thủ ôn lại cho lũ trẻ những bài hát, điệu múa về tết đã học gần tháng nay. Ngoài sân, phụ huynh cũng tấp nập không kém. Người vo gạo, người vo đỗ xanh, người rửa lá, đồ xôi. Tất cả được chuẩn bị để lũ trẻ có buổi trải nghiệm tết Nguyên đán đầm ấm, vui vẻ nơi vùng cao nhiều thiếu thốn này.

Cô Tiên bộc bạch: "Mấy năm nay, phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và xây dựng "Trường học hạnh phúc” được các trường học trên địa bàn huyện tích cực triển khai. Điểm trường Kháo Chu chúng tôi cũng vậy. Bản thân giáo viên chúng tôi đã luôn nỗ lực học tập, trau dồi để trẻ em vùng cao cũng được tiếp cận với phương pháp học mới, tăng cường các hoạt động trải nghiệm để "học mà chơi, chơi mà học”, giúp trẻ phát triển toàn diện về mọi mặt, vừa lĩnh hội kiến thức xung quanh, vừa tạo hứng thú học tập cho trẻ. Như dịp Tết Nguyên đán này, chúng tôi đồng loạt tổ chức hoạt động trải nghiệm tết. Tại đây, trẻ được tham gia các hoạt động văn nghệ; được tìm hiểu về các hoạt động truyền thống về tết. Bạn nào cũng thích thú, hào hứng, phấn khởi lắm!”.

Điểm trường Kháo Chu có một lớp ghép gồm 24 trẻ từ 3 đến 5 tuổi. Cô Tiên một mình đứng lớp. Mặc dù vẫn chưa có điện nhưng không khí hôm ấy tưng bừng lắm! Cô Tiên đã sạc bộ loa kéo để trẻ có tiếng nhạc vui ca; có không gian đỏ rực rỡ đón tết; được ăn bánh kẹo, bánh dày và cả bánh chưng đem về. Càng vui hơn khi mùa đông năm nay, con em Kháo Chu được học tập trong căn nhà mới, kiên cố, khang trang và ấm áp thay thế cho lớp học ván ghép, mưa dột, gió lùa của quá khứ. Lớp học có đầy đủ đồ dùng học tập, thảm trải sàn, chăn ấm và cả một không gian xanh cùng điểm vui chơi với các trò chơi đơn giản xích đu, cầu trượt…

Ở Trạm Tấu hôm nay, những lớp học kiên cố, khang trang, phương pháp giáo dục mới và những giáo viên "cắm bản” nhiệt huyết như Kháo Chu đang ngày càng phổ biến. Điểm trường Háng Thồ, Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Xà Hồ) cũng thế. Cách điểm chính gần 7km nhưng cung đường độc đạo này chủ yếu là đường mòn đi men theo các triền núi dốc, lởm chởm đá. Trời nắng thì có thể đi lại thuận lợi hơn nhưng phải là người cứng tay lái và quen đường còn trời mưa thì hầu như chỉ có thể đi bộ. 

Điểm trường này cũng vừa được hoàn thành xây dựng mới vào tháng 7 năm ngoái với 1 lớp ghép từ 3 đến 5 tuổi do thầy giáo Giàng A Ly đứng lớp. Mặc dù là nam giới nhưng với hơn 30 năm gắn bó với giáo dục vùng cao, 8 năm là giáo viên mầm non, thầy Ly khéo léo lắm! Không những lớp học sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng mà còn được thầy tự tay tỉ mỉ trang trí những "Góc học tập”, "Góc bản sắc”, "Góc trải nghiệm” để thu hút trẻ, khiến trẻ thích thú, muốn tìm tòi, khám phá khi đến lớp. Không chỉ dịu dàng dạy trẻ múa, hát, đọc thơ, thầy còn chăm sóc, dỗ dành trẻ chẳng kém gì cô giáo. 

Thầy giáo Ly cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động nhóm cho trẻ có cơ hội được thể hiện những khả năng riêng; tổ chức các trò chơi giúp trẻ tự tin, hòa đồng, đoàn kết và phát huy được khả năng của mình; kết nối với các tổ chức xã hội để xin thêm quần áo, giày dép, tất, mũ ấm cho trẻ mỗi mùa đông đến.

Thầy giáo Giàng A Ly trải lòng: "Mình là người Mông nên có lợi thế về ngôn ngữ, dễ dàng phối hợp với phụ huynh nhưng lại là nam giới nên ban đầu còn vụng về lắm. Nhưng mình cố gắng học từ đồng nghiệp, học từ vợ và cả học trên mạng Internet để giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong túi mình lúc nào cũng có một gói kẹo nhỏ để thưởng cho những em ngoan, nghe lời và cũng để dễ dỗ dành những lúc trẻ khóc. Sau 2 năm là mình đã quen công việc này. Và giờ thì thêm yêu nghề, yêu trẻ như con cháu mình”.

Ở điểm trường Háng Thồ, tỷ lệ chuyên cần luôn duy trì ở mức 95 - 100%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Các cháu được chăm sóc tốt hơn ở nhà, tạo được niềm tin đối với phụ huynh học sinh, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Anh Tráng A Thênh ở thôn Háng Thồ cho biết: "Đến lớp, các con được học nhiều điều hay, lẽ phải, được chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm gửi con đến lớp để con được học tập, chăm sóc còn mình thì có điều kiện tập trung phát triển kinh tế gia đình”.


Các cô giáo Phạm Thị Thịnh - điểm trường Giàng La Pán, Trường Mầm non Họa Mi, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho trẻ lựa chọn cách thể hiện cảm xúc trước mỗi buổi học.  

Đến nay, huyện Trạm Tấu có 12 trường mầm non, trong đó có 39 điểm lẻ, 12 điểm chính, tỷ lệ lớp học kiên cố và bán kiên cố đạt tới 100%, 24 điểm trường có cơ sở vật chất bảo đảm để tổ chức nấu ăn tập trung. Toàn huyện cũng có 210 giáo viên mầm non, đều là những người đã có nhiều năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, chấp nhận xa nhà, xa gia đình, để dành trọn tình yêu thương, chăm sóc, giáo dục con em đồng bào. Nhờ đó, riêng năm học 2024 - 2025, tổng số học sinh ở bậc học mầm non là 3.350 trẻ, tỷ lệ huy động trẻ đạt 63,4%, trong đó, nhà trẻ đạt 23%, mẫu giáo đạt 96,5% và trẻ 5 tuổi đạt 99,3%. So với đầu năm học, đến nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 5,4%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 8,0%. 

Cô giáo Phạm Thị Thịnh ở điểm trường Giàng La Pán, Trường Mầm non Họa Mi (xã Bản Mù) chia sẻ: "14 năm là cô giáo mầm non thì đã 11 năm tôi gắn bó với điểm trường xa xôi, đầy khó khăn này. Một tuần mới về bên gia đình một lần, dù đôi lúc có chạnh lòng, có nhớ nhà, có buồn nhưng tôi luôn tự hào về nghề, về ước mơ đưa con chữ đến trẻ em vùng cao từ thời sinh viên để sẵn sàng cống hiến. Tôi tin rằng với nỗ lực của tất cả chúng tôi, trẻ em vùng cao sẽ biết chữ, yêu con chữ và có một tương lai tốt đẹp!”.

Tất cả vì học sinh! Có lẽ đó là khẩu hiệu của bất kỳ thầy cô giáo nào trước khi "khăn gói” vào bản công tác. Bù đắp lại những thiệt thòi, khó khăn là tình cảm ấm áp của học trò nhỏ, là sự gửi gắm, tin tưởng của phụ huynh dành cho họ. Những tình cảm này là động lực để các giáo viên mầm non cắm bản nơi non cao Trạm Tấu tiếp tục cống hiến, dạy dỗ những đứa trẻ vùng cao vốn đã thiệt thòi được đến trường, vì khát vọng mang đến ánh sáng cho những bản làng xa xôi, vì một ngày mai tươi sáng.
Hoài Anh

Tags Trạm Tấu giáo viên mầm non học sinh nhà trường Trường Mầm non Sơn Ca Trường Mầm non Họa Mi gia đình đồng bào

Các tin khác
Giờ học của cô và học sinh Trường trung học cơ sở Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Ngày 11/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH gửi UBND cấp tỉnh về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông.

Trường THCS Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội)

Bà Lê Thị Hồng Phượng - Hiệu trưởng Trường THCS Mỗ Lao (quận Hà Đông, Hà Nội), khẳng định không có việc nhà trường ép phụ huynh ký đơn cho con tình nguyện học thêm.

Thông tư số 29/2024/TT-BGD&ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14-2-2025.

Quy định mới về dạy thêm nhằm bảo đảm quyền lợi học sinh, tránh việc giáo viên “kéo” học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Bài toán thứ 3 trong kỳ IMO 2014. AlphaGeometry giải bằng cách dựng điểm phụ.

AlphaGeometry2, công cụ giải toán bằng trí tuệ nhân tạo (AI), làm được 42/50 bài hình học IMO trong 25 năm qua, trong khi mức trung bình của những thí sinh giành huy chương vàng là 40,9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục