Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề
- Cập nhật: Thứ tư, 23/2/2011 | 2:51:56 PM
YBĐT - Hiện nay nhu cầu về nguồn lao động có năng lực và trình độ phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế - xã hội ngày càng tăng.
Các học viên tham gia lớp sửa chữa xe máy.
|
Trong năm qua, công tác dạy nghề đã được tỉnh đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của tỉnh đang trên đà phát triển như hiện nay.
Xác định được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho người lao động, những năm gần đây, các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh Yên Bái đã chú trọng công tác này, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho trên 10 nghìn người, trong đó: số lao động được đào tạo trình độ cao đẳng là 696 người, trình độ trung cấp 800 người, trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên trên 8 nghìn người, phần lớn là các đối tượng lao động nông thôn, học sinh dân tộc thiểu số, người nghèo và dạy nghề cho lao động xã hội như: lái xe, y tế thôn bản, dạy nghề theo chương trình khuyến công, Chương trình 135…
Không chỉ dừng lại với việc đào tạo trình độ cao đẳng, năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái và Trường Cao đẳng Nghề Âu Lạc đã liên kết với các trường đại học, cao đẳng mở nhiều chuyên ngành đào tạo đang được xã hội quan tâm như: kế toán, khai thác mỏ lộ thiên, kỹ thuật xây dựng, hệ thống điện, cơ khí chế tạo máy, điện tử, công nghệ thông tin, tự động hóa… cho hơn 1 nghìn người theo học. Qua những chương trình, dự án đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2010 đạt 35,5% và lao động qua đào tạo nghề là 19%.
Để đạt được những kết quả như vậy, việc phát triển, củng cố mạng lưới cơ sở dạy nghề, đội ngũ giáo viên cũng được đặc biệt quan tâm. Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy nghề, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho lao động, trong giai đoạn 2005 - 2009, ngành lao động - thương binh và xã hội đã tham mưu cho tỉnh thành lập 9 trung tâm dạy nghề công lập tại 9 huyện, thị xã, thành phố.
Đặc biệt trong năm 2010, đã thành lập Trung tâm Dạy nghề Tây Bắc với nhiều ngành nghề. Đến nay, cơ sở, mạng lưới dạy nghề của tỉnh phát triển khá rộng, toàn tỉnh có 24 cơ sở dạy nghề, gồm 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề, 10 trung tâm dạy nghề (8 trung tâm dạy nghề công lập, 2 trung tâm dạy nghề tư thục) và 11 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề.
Phát triển cùng với mạng lưới cơ sở dạy nghề, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy cho các trường, các trung tâm được quan tâm đầu tư, kịp thời đáp ứng nhu cầu cho dạy nghề hiện nay. Ở trung tâm dạy nghề các huyện như: Trạm Tấu, Văn Yên, Mù Cang Chải đã hoàn thành xây dựng xong nhà xưởng, lớp học, ký túc xá…; đã hoàn thành dự án và các thủ tục đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề đợt 1 theo nguồn của Chương trình Mục tiêu quốc gia cho các trung tâm dạy nghề: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Trấn Yên và Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ. Đến hết năm 2010, đã xây dựng xong dự án đầu tư mua sắm thiết bị dạy nghề đợt 2.
Với những kết quả đã đạt được, nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề, có trình độ đã cơ bản đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội của tỉnh đang trên đà phát triển như hiện nay, trong những năm tiếp theo, công tác dạy nghề cần tiếp tục có sự đổi mới hơn nữa nhằm đáp ứng đòi hỏi mà xã hội đang đặt ra.
Trần Minh
Các tin khác
Ngày 22-2, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) họp khẩn với các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Libya.
YBĐT - Trấn Yên hiện có gần 50 nghìn người trong độ tuổi lao động, lực lượng lao động trong huyện chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, trong đó lao động nông thôn chiếm trên 90%.
YBĐT - Chương trình thành công đã góp phân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm chuyển biến nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong sản xuất lúa nước.
YBĐT - Những năm qua, nguồn lợi thuỷ sản đặc biệt là các loài cá quý hiếm đang có nguy cơ cạn kiệt, suy giảm nghiêm trọng, trong đó có loài cá chiên chủ yếu sinh sống tại khu vực sông Hồng.