Những người gieo chữ ở Trường Sa

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/2/2020 | 1:50:05 PM

YênBái - Mùa xuân nơi đảo xa đang đến thật gần với đầy ắp tình yêu thương, tin tưởng và cảm phục về những người thầy ươm mầm xanh trên đảo. Tinh thần, nghị lực và đức hi sinh của họ sẽ là nền móng vững chắc để xây dựng Trường Sa thêm vững vàng, kiêu hãnh...

Giờ ra chơi trong buổi học cuối năm của các em học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.
Giờ ra chơi trong buổi học cuối năm của các em học sinh Trường Tiểu học xã Song Tử Tây.

Giữa Trường Sa bao la đầy nắng gió, nơi đại ngàn sóng nước, chỗ chỉ có các thầy giáo mới đủ sức khỏe để thay các cô giáo tình nguyện ra công tác, làm "người mẹ” thứ hai của các em học sinh; nơi đây, các thầy giáo vẫn ngày đêm cần mẫn dạy chữ cho các em, đảm trách luôn vai trò của phụ nữ, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ đến những lúc vui chơi... Tình yêu học trò cùng khát vọng được học tập của các em khiến cho ngôi trường nhỏ lúc nào cũng vang vọng tiếng cười, hân hoan niềm vui con trẻ… 

Buổi học cuối năm

Sáng cuối năm, thời tiết trên xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chợt chuyển dịu nhẹ lạ thường; những cánh hải âu chao nghiêng, nô đùa cùng sóng nước; những cánh hoa bàng vuông còn vương lại giọt sương buổi sớm, đợi chút nắng ấm áp để chuyển mình. 

Nằm ven đảo, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây mới 7 giờ đã rộn ràng tiếng học trò nô đùa. Các em trai mặc áo tân thời, đầu đội khăn xếp; em gái xúng xính trong áo dài truyền thống rất đỗi tự hào bởi hôm nay là buổi học cuối năm, cũng là ngày chuẩn bị đón năm mới cùng bố mẹ và các chú bộ đội trên đảo. 

Chỉ tay về phía mấy học trò nhỏ đang nô đùa dưới tán bàng vuông, thầy Nguyễn Hữu Phú - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Song Tử Tây vui vẻ giới thiệu: "Cuối năm, các học trò ở đây không phải mặc đồng phục mà thay vào đó là áo truyền thống mang sắc xuân của dân tộc. Được mặc đồ truyền thống, tụi nhỏ thích lắm. Năm nào đến gần tết, các em cũng đòi thầy cho mặc áo dài. Nhiều đứa, hết giờ học vẫn không chịu thay vì thích quá”.

Đúng 7 giờ 30, tiếng chuông báo hiệu giờ học bắt đầu. Buổi học cuối năm nên không khí cũng vui nhộn khác thường. Mọi bài học đều được các thầy giáo lồng ghép hình ảnh, thông tin liên quan đến tết cổ truyền của dân tộc. 

Trong căn phòng đơn sơ trên đảo tiền tiêu của Tổ quốc, các em học sinh chăm chú lắng nghe các thầy giáo kể chuyện về ngày tết. Những tục lệ lì xì đầu năm, chúc tết ông bà, cha mẹ… cũng được các thầy giải thích một cách tỉ mỉ. 

Qua bài giảng của các thầy, nhiều đứa trẻ dù mới chỉ vài lần được đón tết nơi đất liền cũng mường tượng ra được một cái tết truyền thống đủ đầy. Để các học trò dễ hiểu, trước tết một tuần, các thầy giáo đã phải hì hục tự làm các mô hình bánh chưng, mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai bằng xốp hoặc bằng nhựa... 

Tranh thủ lúc học trò ra chơi, thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc (sinh năm 1993) hiện đang phụ trách khối mầm non Trường Tiểu học xã đảo Song Tử Tây kể: "Đêm cuối năm đầu tiên ra đảo, trên mảnh đất của Tổ quốc phía đường biên, tôi không sao chợp mắt được. Một phần vì nhớ đất liền, nhưng trên hết là cảm giác xúc động, thiêng liêng. Tôi mường tượng ra cảnh các học trò nhỏ của mình trong đất liền giờ này đang cùng cha mẹ đi dạo phố đầy đèn hoa, các em được xúng xính trong quần áo mới… 

"Càng nghĩ càng thấy thương các học trò ở đảo. Vì vậy, những buổi học cuối năm, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra không khí xuân cho các em. Dù không trọn vẹn, đủ đầy nhưng vẫn cố gắng truyền thụ cho các em ý nghĩa và những hình ảnh thiêng liêng nhất về ngày tết cổ truyền của dân tộc. Những hình ảnh đó sẽ như những lớp cắt văn hóa, làm nền tảng cho các em không quên cội nguồn cha ông” - thầy Ngọc chia sẻ.

Như thành thông lệ, sau buổi học cuối năm, các thầy cô ở Trường Sa thường đưa các em học sinh đi chùa thắp nhang, đến các tượng đài và đi vòng quanh bãi biển. Việc làm này vừa giúp các em hiểu rõ được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc phải bảo vệ, vừa làm vơi đi nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng. 

"Lại một cái tết xa nhà, xa người thân nhưng với chúng tôi, Trường Sa thực sự gắn bó, không thể xa rời. Dù vẫn nhớ đất liền nhưng Trường Sa giờ này chẳng khác nào gia đình của tôi rồi. Thầy trò nơi đảo xa mong những người thân ở đất liền đón năm mới hạnh phúc và có thật nhiều niềm vui” - thầy Nguyễn Hữu Phú tâm sự. 

Những lớp học đặc biệt

Quả thật, việc dạy và học ở trên đảo có nhiều khó khăn đặc thù. Điều đặc biệt nhất, khác với trong đất liền là ngoài đảo chỉ có thầy giáo chứ không có cô giáo. Mỗi lớp học trên xã đảo Song Tử Tây, đảo Trường Sa lớn, đảo Sinh Tồn đều rất đặc biệt. Mỗi xã đảo có khoảng 10 học sinh, mỗi em lại ở một trình độ lớp khác nhau, có em mầm non 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi; các em cấp tiểu học thì đủ từ lớp 1 cho đến lớp 5. Mỗi thầy giáo phụ trách một cấp học và dạy tất cả các môn nên thành ra lớp học phải bố trí theo hình thức lớp ghép, học ghép. 

Việc tổ chức ghép lớp, ghép môn được các thầy giáo bố trí sắp xếp phù hợp, bảo đảm mỗi em đều lĩnh hội đầy đủ chương trình học của bản thân, lại không bị ảnh hưởng của chương trình khác. Thường thì những môn như: Tập đọc, Nhạc, Họa được ghép học chung. Những môn phân loại trình độ như: Toán, Văn, Khoa học được ngồi chung nhưng học theo từng giáo án riêng. 

Việc học ghép vì thế cũng đòi hỏi thầy giáo phải soạn giáo án đặc thù, thực hành chương trình bài giảng khác nhau. Việc học ghép tuy khó khăn nhưng cũng mang lại nhiều thuận lợi cho học sinh. Các em nhỏ học theo anh chị lớn nên chăm ngoan, tiếp thu bài nhanh. Các bạn lớp lớn cũng có thể cùng thầy giáo hướng dẫn các em nhỏ. Do ít học sinh nên các thầy giáo cũng có điều kiện chăm lo cho các em nhiều hơn. 



Lớp học "đặc biệt” với 2 thầy giáo và học sinh các lứa tuổi ở Trường Sa.

Thầy Nguyễn Bá Ngọc hào hứng cho biết: "Nhờ mô hình học ghép cũng như ý thức học tập chăm chỉ, tất cả các em nhỏ ở lớp mầm non đều có khả năng nắm bắt sự vật, hiện tượng rất tốt. Có em bộc lộ sớm khả năng đọc viết, mới 4 tuổi đã thuộc lòng nhiều bài thơ, nhiều em 5 tuổi đã đủ điều kiện đặc cách học lên lớp 1”.

Ở Trường Sa, thầy giáo là người "dạy chữ”, là người "chăm trẻ” và cũng là những người hàng xóm tốt bụng, hiền hòa của học sinh. Ngồi vui đùa bên những con sóng sau giờ lên lớp, thầy Tình chia sẻ: "Với đặc thù ở đảo, hiện tại lớp học có cả học sinh tiểu học và mẫu giáo. Vì thế, để truyền đạt được kiến thức cho các em là cả một quá trình tự nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn. Trong một buổi học, chúng tôi sẽ ưu tiên truyền đạt kỹ năng sống, kiến thức cho các em mẫu giáo trước. Sau đó, mới chuyển sang các bài học cho học sinh tiểu học”.

Ươm mầm xanh tương lai

Ở nơi đầu sóng, ngọn gió - nơi thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ấy, những lớp học không đơn giản chỉ là nơi các thầy giáo truyền dạy kiến thức mà còn là nơi bồi đắp cho các em tinh thần yêu nước, quyết tâm bám đảo, giữ biển cùng ý chí sắt thép của những người lính hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. 

Ở đảo Song Tử Tây, cháu Sâm Thị Trúc Ly, lớp tiểu học, khi được hỏi về những ước mơ của mình, đã không ngại ngần trả lời: "Con sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này lớn lên sẽ được làm cô giáo, được dạy học cho các em nhỏ trên đảo”.

Với học sinh ở Trường Sa, có lẽ ý chí kiên cường, khắc phục khó khăn và tình yêu Tổ quốc đã được chất chứa sẵn trong tim các em, đầy kiêu hãnh và tự hào như chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc. 

Từ niềm tin, sự nỗ lực, nhiều học sinh ở Trường Sa đã đặt ra quyết tâm học thật giỏi để làm thầy giáo, bác sĩ, phi công… để sau này được quay lại cống hiến, xây dựng biển đảo quê hương. Hàng ngày, các em vẫn được thầy Phú, thầy Ngọc… kể cho nghe những câu chuyện về lòng quả cảm của người lính hải quân, tinh thần bất khuất kiên cường của ông cha như một môn học ngoại khóa không thể thiếu.

Nói về những người thầy ở Trường Sa hôm nay, ông Đậu Đình Dân - Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây cho biết: "Học sinh ở Trường Sa luôn được các thầy giáo tận tụy quan tâm, dạy dỗ, các thầy không chỉ bồi dưỡng kiến thức mà còn dạy cho các trò kỹ năng sống, sự trưởng thành, lớn khôn ngay từ trong suy nghĩ… Mong rằng, sau này các em sẽ trở thành những "chiến sĩ” nhỏ có học vấn, có niềm tin và quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, góp phần xây dựng hải đảo thêm khang trang, tươi đẹp”.

Chia tay Trường Sa khi sắc xuân đã ngập tràn. Song, hình ảnh của các thầy giáo trẻ vẫn ngày đêm âm thầm bên trang giáo án để tiếp tục sự nghiệp gieo chữ trên đảo cho những mầm xanh tương lai khiến chúng tôi thêm tin yêu và trân trọng. Mùa xuân nơi đảo xa đang đến thật gần với đầy ắp tình yêu thương, tin tưởng và cảm phục về những người thầy ươm mầm xanh trên đảo. Tinh thần, nghị lực và đức hi sinh của họ sẽ là nền móng vững chắc để xây dựng Trường Sa thêm vững vàng, kiêu hãnh và hiên ngang giữa phong ba bão táp, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trường Sa, Xuân 2020
Thiên Cầm

Tags Biển đảo quê hương Trường Sa Khánh Hòa Song Tử Tây Trường Sa lớn đảo Sinh Tồn

Các tin khác

Giữa ngàn khơi muôn trùng sóng gió, những cán bộ, chiến sỹ nơi đảo xa vẫn ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương. Với họ, niềm vui xuân mới chỉ trọn vẹn khi độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, để nhân dân cả nước được đón Tết trong đầm ấm, an vui.

Chiến sĩ trẻ trên đảo chăm sóc cây bàng vuông.

Gần như mỗi đảo ở Trường Sa đều gắn liền với một loài cây đặc trưng, như: đảo Nam Yết gắn với những rặng dừa sai trĩu quả; đảo Song Tử Tây gắn liền với những cây bàng vuông hoa bung nở quanh năm; đảo Sơn Ca thì bạt ngàn cây phong ba và cây bão táp…

Những con tàu mùa xuân đã cập bến nơi đảo xa. Những người lính cùng nhân dân trên các đảo của Trường Sa thân yêu đón Tết giữa mênh mông sóng nước nhưng ấm áp bên họ là cả trái tim muôn triệu người Việt Nam cùng hướng về với niềm tin sắt son "Tất cả vì Trường Sa thân yêu, vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc". Ghi nhận của phóng viên Báo Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục