Đồng chí Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Hùng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân chủ trì Lễ tưởng niệm. Tham dự có các đồng chí: Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đăng Tiến, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Vùng 3 Hải quân; Trần Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình; đại diện các cơ quan Quân chủng Hải quân; lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Quảng Bình và các địa phương; đại diện lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Vùng 3 Hải quân cùng hơn 100 cán bộ, chiấn sĩ và đoàn viên thanh niên.
Cách đây tròn 60 năm, ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng trong hòa bình, lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã dũng cảm, kiên cường đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của đế quốc Mỹ. Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta trong ngày 02 tháng 8 năm 1964 thì đêm mồng 04 tháng 8 năm 1964, bọn đầu sỏ trong chính quyền Mỹ đã dựng lên cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ” lấy cớ để mở chiến dịch "trả đũa” mang tên "Mũi tên xuyên” (Operation Pierce Arrow).
Ngày 05 tháng 8, chúng sử dụng hàng chục máy bay tiêm kích và cường kích hiện đại, chia làm 3 đợt bất ngờ tấn công gần như cùng một lúc vào các mục tiêu kinh tế và hầu hết các căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân ta suốt dọc ven biển từ Cảng Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng hải quân của ta, mở đầu kế hoạch chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta mà chúng đã vạch sẵn từ trước.
Lúc 12 giờ 30 phút, địch dùng 08 chiếc F8U bay từ phía biển vào đèo Ngang chia làm 2 tốp, một tốp lao xuống oanh tạc các căn cứ hải quân của ta ở cửa Sông Gianh, Mũi Ròn, bắn tàu đo đạc 527 của Hải quân đang làm nhiệm vụ ở Cửa Ròn, một tốp khác vòng theo dãy Trường Sơn lên thượng nguồn sông Gianh rồi lao xuống bắn phá cảng Gianh. Tàu đo đạc 527 và các tàu T181, T183 (Phân đội 7); T173, T175, T177 (Phân đội 6) thuộc Khu tuần phòng 2 đã kịp thời chặt xích neo, nhanh chóng cơ động chiến đấu, phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt công kích của máy bay địch. Sau 25 phút chiến đấu, bộ đội ta đã bắn cháy 01 máy bay rơi xuống biển phía Đông Nam Cửa Gianh và bắn bị thương 01 chiếc khác.
Các đại biểu dâng hương bên Bia di tích chiến thắng trận đầu tại Sông Gianh.
Lúc 16 giờ 18 phút, địch cho 11 chiếc máy bay F8U lao vào bắn phá cảng Gianh lần thứ hai. 06 chiếc lao xuống công kích tàu T175 ở Hòn La; 05 chiếc khác lao vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu đã kịp thời nổ súng, ngay loạt đạn đầu đã bắn cháy 01 chiếc máy bay địch. Ở Hòn La, cán bộ, chiến sĩ tàu T175 chiến đấu đánh trả 06 máy bay địch rất dũng cảm. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nước tràn vào khoang, một số đồng chí hy sinh, Thuyền trưởng bị thương nặng, nhưng tất cả vẫn kiên cường bám vị trí vừa chiến đấu vừa cứu chữa tàu, điều khiển cơ động tàu vào được bờ kịp thời.
Kết thúc trận chiến, Hải quân nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân các địa phương, bắn rơi 08 máy bay của Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống tên giặc lái đầu tiên của Mỹ trên vùng trời, vùng biển miền Bắc nước ta. Riêng tại bến cảng sông Gianh ngày 5-8-1964, trong trận đầu giáp chiến với các loại máy bay tối tân của Mỹ lúc bấy giờ, các chiến sĩ Hải quân Việt Nam phối hợp với quân dân Quảng Bình và bộ đội phòng không đã chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, đánh trả máy bay Mỹ khiến 3 chiếc bị bắn rơi và 1 chiếc bị thương.
Cùng với thành tích đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 02 tháng 8, chiến thắng ngày 05 tháng 8 năm 1964 đã trở thành chiến công đầu tiêu biểu, mở đầu trang sử hào hùng trong lịch sử xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Với chiến công vẻ vang ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, Quân chủng Hải quân được Chủ tịch nước tặng thưởng 01 Huân chương Quân công Hạng Nhì; Tiểu đoàn 135 được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng 05 Huân chương Quân công hạng Ba, 142 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam tặng tuổi trẻ Hải quân 20 lá cờ "Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang”.
Ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 trở thành một mốc son có ý nghĩa quan trọng, tự hào trong lịch sử của quân và dân miền Bắc và lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Đây là "chiến thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam đồng thời cũng là chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tại Bia di tích Sông Gianh, Quảng Bình, các đồng chí trong Đoàn đại biểu đã đặt vòng hoa, dâng hương bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Anh hùng Liệt sĩ là những cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau Lễ tưởng niệm, Đoàn đại biểu đã đến thắp hương tại Khu di tích lịch sử Bến Phà Sông Gianh II, "Tượng đài Tổ quốc ghi công” các Anh hùng, liệt sĩ bến phà Gianh; thả hoa và hơn 1000 con hạc giấy trên dòng sông Gianh.
(Nuồn: Cục Chính trị Hải quân)