Viết tiếp mơ dang dở của người cha liệt sĩ - đó là động lực lớn lao, khích lệ thiếu tá Lê Thị Minh Thủy gần 20 năm qua để chị vượt mọi khó khăn, cống hiến và dành trọn đam mê cho công việc.
Dáng người dong dỏng cao với nụ cười dễ mến ngay lần đầu gặp gỡ, thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Lê Thị Minh Thủy (Tổ thiết kế biên tập, Phân đội 10, Đội 4, Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân) là một trong số ít "bóng hồng" điển hình tiên tiến, vừa được vinh danh tại Đại hội Thi đua quyết thắng của Quân chủng Hải quân.
Lê Thị Minh Thủy sinh năm 1987, là con gái duy nhất của liệt sĩ Lê Đình Thơ, từng công tác ở Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển - Bộ Tham mưu Hải quân. Bố chị hy sinh trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, khi ấy chị mới tròn 1 tuổi. Sau đó vài tháng, mẹ chị, bà Xuân Thị Thái cũng theo chồng về thế giới bên kia. "Tuổi thơ của tôi gắn với hình bóng của bà nội, bà ngoại. Tôi chỉ tưởng tượng ra bố mẹ mình trong tấm di ảnh được chụp lại từ tấm ảnh cưới đen trắng với nụ cười tươi, hạnh phúc của bố mẹ. Và từ lời kể của bà, những câu chuyện của các bác là đồng đội của bố mẹ kể lại", chị Thủy chia sẻ.
Tháng 5/2023, thiếu tá Lê Thị Minh Thủy được ra Trường Sa thăm nơi bố nằm lại ở vùng biển Gạc Ma
Mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới hơn 1 tuổi, nhưng trong câu chuyện suốt 2 giờ đồng hồ của mình, gương mặt thiếu tá Minh Thủy không có nỗi buồn vương vất như nhiều trẻ mồ côi khác do thiếu tình thương yêu của cha mẹ. Có thể, đó là bản lĩnh kiên cường vốn có của người chiến sĩ Hải quân, cũng có thể chị được sống trong vòng tay yêu thương, bù đắp đủ đầy của cả hai gia đình nội, ngoại và những người đồng đội đã thay bố mẹ chăm lo, dạy dỗ, yêu thương cô con gái của liệt sĩ Gạc Ma mỗi ngày. Hiện nay, chị có mái ấm nhỏ với người chồng luôn dành trọn vẹn yêu thương, cùng 2 con ngoan, gieo vào lòng chị dư vị ngọt ngào, ấm áp của cuộc sống.
"Tháng 5/2023, sau nhiều năm mơ ước, lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa, được chạm tay xuống vùng biển Gạc Ma, nơi bố tôi nằm lại. Tôi chỉ thầm nói với bố, con là con gái của bố đây, con đã đến thăm bố được rồi" – Đôi mắt chứa chan nỗi nhớ thương và nụ cười rất nhẹ ánh lên niềm tự hào, khi thiếu tá Thủy nhắc về bố mình.
Chị Minh Thủy xúc động rơi nước mắt khi nhớ đến những chiến sĩ trẻ hiên ngang, anh dũng canh giữ biển trời Trường Sa
"Bình thường công việc của tôi chỉ làm ở phòng máy, nhưng chuyến đi Trường Sa ấy cho tôi được tận mắt thấy những bờ kè, bãi đá ở mỗi điểm đảo, nó giúp ích rất nhiều cho công việc biên tập hải đồ tôi đang làm. Tôi được thăm nơi ở, công tác của các đồng đội ở Trường Sa. Đó là những chiến sĩ còn rất trẻ, song họ dám đương đầu với sóng gió khắc nghiệt của Trường Sa, bằng sự hiên ngang, anh dũng để ngày đêm canh giữ biển đảo…" - Nữ chiến sĩ hải quân không rơi nước mắt khi nhắc đến người bố là liệt sĩ Gạc Ma, nhưng nước mắt chị lại rơi khi nhớ gương mặt rám nắng của những người lính đảo đang canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Quyết tâm viết tiếp ước mơ dang dở của bố
Học xong cấp 3, Minh Thủy nộp hồ sơ tuyển dụng vào làm công nhân viên tại Đoàn 6 (Đoàn đo đạc biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển, Bộ Tham mưu Hải quân – Quân chủng Hải quân), là đơn vị của bố mẹ chị từng công tác. Bố chị trước đây là Tổ trưởng tổ đo đạc, Đội 2, Đoàn 6, còn mẹ chị công tác ở Ban Tài chính, Đoàn 6. Lúc ấy, chị vừa làm, vừa ôn thi vào Đại học Mỏ - Địa chất và đỗ vào khoa Trắc địa - Bản đồ. Thiếu tá Thủy tâm sự: "Tôi thi vào khoa Trắc địa - Bản đồ trường Đại học Mỏ - Địa chất, là nhờ sự định hướng của các bác là đồng đội của bố mẹ tôi".
Tổ trưởng tổ Thiết kế biên tập hải đồ, thiếu tá Minh Thủy (ngồi giữa) luôn gương mẫu, truyền cảm hứng đam mê công việc cho đồng đội
Minh Thủy cho biết: "Công việc trắc địa, đo đạc bản đồ cần có năng khiếu biết vẽ. Song ở thời của bố mẹ tôi công tác, chỉ vẽ hải đồ bằng tay. Các bác là đồng đội của bố luôn nói rằng, bố tôi đã gắn bó và rất yêu thích công việc đo đạc bản đồ. Với vai trò làm tổ trưởng tổ đo đạc, bố tôi luôn gương mẫu, say mê nghề cho đến lúc hy sinh. Điều đó gieo vào lòng tôi quyết tâm, nỗ lực hết mình để học và theo tiếp nghề bố còn dang dở, để xứng đáng là con gái của bố".
Lúc mới vào đại học, khoa Trắc địa của Thủy chủ yếu là nam giới. Sang năm thứ 2, chị được phân sang chuyên chuyên ngành bản đồ, lớp có đến 2/3 là sinh viên nữ. Công việc vẽ bản đồ thực sự khó, bởi khi ấy ở trường học vẽ bản đồ địa hình là phổ biến, còn về hải đồ vẫn là kiến thức khá mới mẻ. Học xong 5 năm ở trường đại học, thực tiễn khi ra công tác đúng nghề vẫn rất khác nhau. Song Thủy càng làm, càng đam mê với nghề của bố mình. "Nếu đã đam mê, tâm huyết thì không gì làm khó được mình. Chỉ cần bạn thành thạo ngoại ngữ để có thể khai thác, nghiên cứu tài liệu của các nước và trình độ tin học tốt để sử dụng được các phần mềm mới" – Thiếu tá Thủy bộc bạch.
Với vai trò là Tổ trưởng tổ Thiết kế biên tập hải đồ, phụ trách tổ với đa phần là nữ quân nhân, công việc đòi hỏi các chị em phải thận trọng, tỉ mỉ, trung thực và tập trung cao độ trong công việc, chị Thủy luôn tạo môi trường và điều kiện cho các thành viên cùng thể hiện được đam mê, sáng tạo với nghề.
Mái ấm nhỏ với người chồng và 2 con ngoan cũng là động lực để thiếu tá Minh Thủy yên tâm cống hiến, viết tiếp ước mơ dang dở của bố
Bất ngờ hoàn thiện dự án trước thời hạn quy định gần 3 tháng
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của nghề với thiếu tá Minh Thủy, đó là cuối năm 2021, đơn vị được Thủ trưởng giao nhiệm vụ tham gia thực hiện Dự án "Thiết kế hệ thống sản xuất cơ sở dữ liệu nền địa lý và thành lập bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1: 100.000".
Chị Thủy cho biết: "Trước đây các đơn vị bên ngoài đã sử dụng phần mềm Arc Gis rất phổ biến, nhưng chủ yếu làm bản đồ địa hình, còn thiết kế bản đồ biển trên phần mềm (Arc Gis) là lần đầu tiên chúng tôi được tiếp cận. Chúng tôi phải học khai thác các ứng dụng của phần mềm từng chút một trên máy. Ban ngày được chuyên gia hướng dẫn, tối về nhà cơm nước xong, tôi lại vào đơn vị để nghiên cứu, mày mò phần mềm này. Chỗ nào chưa hiểu, không nhớ, lại hỏi chuyên gia. Với vai trò là Tổ trưởng, đôi lúc tôi thấy khá áp lực, song càng không thể lơ là".
Thời điểm ấy, tối nào chị cũng vào đơn vị nghiên cứu và thực hành ứng dụng phần mềm mới đến khuya với về nhà. Chị kể: "Lúc vào cuộc, càng mày mò hiểu được, tôi càng bị cuốn theo công việc. Có hôm chồng tôi cũng đi trực ở đơn vị, tôi thì vào nghiên cứu dự án, nên con nhỏ cũng phải theo vào chỗ bố, rồi đợi mẹ làm xong mới về". Cứ thế, nhiệm vụ làm dự án của tổ kéo dài 6 tháng trong sự tập trung cao độ. Song điều bất ngờ nhất đã đến, tổ của chị đã hoàn thành dự án này trước thời hạn quy định gần 3 tháng.
Thiếu tá Lê Thị Minh Thủy (bên phải): Chọn nghề nào cũng vậy, đã đam mê và tâm huyết thì không gì làm khó được mình
Sau khi hoàn thành dự án vượt xa trước thời hạn, khi đã có kinh nghiệm, tổ của chị tiếp tục được giao thực hiện nhiều dự án bản đồ về biển, như: Dự án không gian biển, Dự án Tây vịnh Bắc Bộ…. Cả tổ lại có cơ hội vận dụng phần mềm mới này thành thạo hơn, giúp công việc biên tập hải đồ của đơn vị tiết kiệm được rất nhiều thời gian, chất lượng cao hơn.
Ngoài công việc chuyên môn, chị vừa là hội viên tích cực của Hội Phụ nữ đơn vị, vừa là Ban chấp hành Đoàn cơ sở. Với nhiệm vụ nào, chị cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và các phong trào gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Những cống hiến của chị nhiều năm qua đã được các Thủ trưởng nhiều cấp trong đơn vị, Quân chủng ghi nhận, biểu dương, khen thưởng.
Thiếu tá Minh Thủy chia sẻ: "Bước theo nghề của bố mẹ, thực hiện từng chặng đam mê của nghề, tôi cũng muốn truyền cảm hứng và kinh nghiệm mà tôi có được đến các bạn trẻ ở đơn vị, để các bạn ấy vượt qua khó khăn ban đầu, nỗ lực vươn lên, dành trọn tâm huyết của mình cho nghề đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển đầy thú vị mà chúng tôi nguyện dành cả đời theo đuổi, cống hiến".
(Theo phunuvietnam)