"Đường Hồ Chí Minh trên biển", hiện thân của tinh thần yêu nước
Sau năm 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, các thế lực cầm quyền của đế quốc Mỹ và tay sai đã ngang nhiên xóa bỏ Hiệp định Giơ-ne-vơ, đưa quân xâm lược, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tấn công miền Bắc. Trước tình hình đó, Đảng ta đã xác định, con đường giải phóng miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, chủ trương nhanh chóng tổ chức chi viện sức người, sức của, vũ khí từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa cho chiến trường miền Nam.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm động viên cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. (Ảnh: TL).
Thực hiện chủ trương của Đảng và Tổng Quân ủy, ngày 19/5/1959, "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” (đơn vị tiền thân của Đoàn 559) được thành lập. Ngày 01/6/1959, Tiểu đoàn 301 trực thuộc Đoàn 559 ra đời, có nhiệm vụ mở tuyến vận tải xuyên Trường Sơn để chi viện vũ khí, trang bị, lực lượng cho chiến trường miền Nam. Đến tháng 7/1959, Tiểu đoàn 603 được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu tìm phương thức vận chuyển bằng đường biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam. Để giữ bí mật, Tiểu đoàn lấy tên là "Tập đoàn đánh cá Sông Gianh”. Phương tiện vận tải ban đầu của đơn vị là 4 chiếc thuyền gỗ, mỗi chiếc trọng tải từ 15 đến 20 tấn; thuyền có 2 đáy, phía dưới để vũ khí, phía trên để lưới và dụng cụ đánh cá, cải trang thành thuyền buồm đánh cá miền Nam. Cuối năm 1959, công tác chuẩn bị cho vận chuyển đã cơ bản hoàn thành. Tiểu đoàn 603 tổ chức chuyến thuyền vượt biển đầu tiên, nhiệm vụ là chở 5 tấn vũ khí và thuốc chữa bệnh cho chiến trường Khu 5; địa điểm cập bến là chân đèo Hải Vân. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên đã không thành công. Nhận thấy việc dùng thuyền gỗ, chạy bằng buồm, chở vũ khí vào chiến trường bằng đường biển có rất nhiều khó khăn và không an toàn, Tổng Quân ủy quyết định cho Tiểu đoàn 603 ngừng hoạt động. Trong khi chờ đợi trên tìm phương án mới, Tiểu đoàn 603 giải thể và được chuyển về Tiểu đoàn 301 làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn.
Từ giữa năm 1961 đến giữa năm 1962, những người lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh và Bà Rịa đã cử 5 con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Những chuyến thuyền từ Nam Bộ vượt biển ra Bắc thành công là một trong những cơ sở quan trọng để xúc tiến việc thành lập đoàn vận tải thủy tiếp tế vũ khí cho miền Nam.
Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP do đồng chí Trung tướng Hoàng Văn Thái, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký thành lập Đoàn 759 vận tải thủy, đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Quyết định thành lập Đoàn 759 thể hiện tầm nhìn chiến lược và sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh. Sự ra đời của Đoàn 759 đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 8/1963, Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 trực thuộc Cục Hải quân. Ngày 29/01/1964, Bộ Quốc phòng quyết định đổi phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.
Ngày 23/10 hàng năm sau đó trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 759 trước đây, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay, đồng thời là Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, cán bộ, chiến sĩ trên tuyến vận tải biển đã vượt qua muôn vàn gian khổ, khắc phục khó khăn, mưu trí, dũng cảm, táo bạo; vượt qua sự phong tỏa ác liệt, vây ráp gắt gao của kẻ thù. Hàng trăm lượt tàu đã ra khơi, hàng ngàn tấn vũ khí, hàng hóa, thuốc chữa bệnh và hàng chục ngàn lượt người đã từ hậu phương lớn vào tiền tuyến lớn, trực tiếp góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Cùng với đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển là một nét độc đáo, đặc sắc, sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; trở thành biểu tượng tự hào của cả dân tộc Việt Nam, hiện thân của ý chí khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; là trí tuệ, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với thành tích vận chuyển vũ khí cho chiến trường, tháng 9/1963, Đoàn 759 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai; Tàu 41 được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất; các tàu 43, 54, 55 và 56 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất; các tàu 42, 67 và 68 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125, ngày 30/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất; ngày 01/01/1967, Quốc hội, Chính phủ tặng Danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn 125 lần thứ nhất và lần thứ hai vào ngày 03/6/1976.
Phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển trong tình hình mới
Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Trong giai đoạn mới hiện nay, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Để phát huy truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Quân chủng Hải quân cần thường xuyên tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo; phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Đồng thời, coi trọng động viên cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng, an ninh, đối ngoại vùng biển và ven biển vững mạnh. Phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, vùng trời của Tổ quốc. Kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng trong quản lý, bảo vệ vùng trời, vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Phát triển kinh tế gắn liền với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên các vùng biển, đảo. Có chính sách thu hút, khuyến khích nhân dân ra đảo định cư lâu dài và làm ăn dài ngày trên biển, bảo đảm vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.
Du kích đồng bằng sông Cửu Long tiếp nhận, cất giấu vũ khí từ tàu không số. (Ảnh: TL).
Tập trung xây dựng các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của của Tổ quốc vững mạnh toàn diện, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, trọng tâm là chi bộ và vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo. Nâng cao hiệu quả phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giúp dân phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chăm sóc sức khỏe, giúp đỡ nhân dân làm ăn trên các vùng biển và ổn định đời sống nhân dân trên các đảo.
Thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, nhất là hoạt động đối ngoại quốc phòng, tôn trọng chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các nước trên biển. Kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tham gia tốt các hoạt động giao lưu với hải quân các nước trong khu vực và trên thế giới; phối hợp hiệp đồng chặt chẽ trong tuần tra, diễn tập, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển... nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh và phát triển kinh tế biển. Nêu cao ý thức độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; chủ động, sáng tạo, cần kiệm lao động sản xuất, tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, thực hiện tốt Cuộc vận động "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”./.
(Theo ĐCSVN)