Những chuyến tàu chở yêu thương ra đảo
Hiện nay, quần đảo Trường Sa đã có nhiều đổi thay tích cực. Màu xanh của những vườn rau, những xã đảo sạch đẹp, khang trang và nụ cười của người dân trên đảo đã thật sự trở thành động lực quý giá để tiếp thêm sức mạnh cho những người lính đảo.
Quần đảo Trường Sa có 2 xã, 1 thị trấn (xã đảo Sinh Tồn, Song Tử Tây, thị trấn Trường Sa); 4 trường học tiểu học (Trường tiểu học Trường Sa, Tiểu học Sinh Tồn, Tiểu học Song Tử Tây, Tiểu học Đá Tây); có 4 âu tàu (Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây, Trường Sa); có 3 làng chài (Trường Sa, Song Tử Tây, Núi Le); và có 9 ngôi chùa (Trường Sa, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Nam Yết, Sơn Ca, Đá Tây, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông).
Chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
5 năm qua, giai đoạn 2019-2024, Hải quân Việt Nam đã tổ chức được 75 chuyến tàu, 8 chuyến máy bay, đón gần 16.500 đại biểu trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài đến thăm, động viên quân và dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Thông qua các chuyến đi các đại biểu được chứng kiến cuộc sống vất vả, sự cống hiến hy sinh của quân, dân trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK-I. Điều đó đã tác động sâu sắc đến tình cảm của đại biểu; khơi dậy và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân cả nước và kiều bào ta về biển, đảo Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh biển, đảo; tăng cường nguồn lực nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu; cải thiện môi trường, điều kiện sinh hoạt, đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Bảo quản, bảo dưỡng trang bị kỹ thuật trên tàu chiến Hải quân.
Sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vật chất, kinh phí để xây dựng nhà ở, nhà làm việc và các cơ sở hạ tầng dân sinh, công trình văn hóa, trang thiết bị, đồ dùng cho bộ đội và nhân dân, qua đó giúp cho Trường Sa, nhà giàn DK-I được đổi mới mạnh mẽ, nâng cao kháng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu, mở rộng không gian kinh tế trên biển, diện mạo và thế trận Trường Sa ngày càng đổi mới, vững chãi hơn, làm cho Trường Sa, nhà giàn DK-I gần với đất liền hơn, xứng đáng là điểm tựa tiền tiêu Tổ quốc.
Các chiến sĩ tăng gia sản xuất, tự trồng rau, nuôi heo để cải thiện đời sống trên quần đảo Trường Sa.
Các chiến sĩ Hải quân hoạt động văn nghệ dưới gốc cây bàng vuông.
Về mặt tinh thần, các cơ quan, đơn vị Hải quân đã phối hợp các sở văn hóa, thể thao và du lịch, bảo tàng các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức hơn 300 cuộc triển lãm, 500 hội thi, giao lưu, như: Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, những bằng chứng lịch sử và pháp lý”, "Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK-I”, "Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”, thi tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982...
Đối ngoại quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội
Trong hoạt động đối ngoại, Quân chủng Hải quân đã tổ chức đón trên 1.000 đoàn khách, đối tác nước ngoài đến thăm, làm việc; tham gia có hiệu quả các hoạt động tuần tra chung, tuần tra liên hợp, thực hiện cơ chế tham vấn hải quân song phương và các hoạt động đối ngoại quân sự khác. Thông qua đó để thông tin, góp phần tăng cường hiểu biết, tin cậy, quan hệ hữu nghị với hải quân các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam nói chung và Hải quân Việt Nam nói riêng, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên biển, tạo điều kiện phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Quân chủng Hải quân đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức cho bộ đội tham gia xây dựng và tu bổ nhiều công trình hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là những địa bàn trọng điểm, vùng sâu, hải đảo như: 3 bia di tích chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền bắc (tại Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình); Bia di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển ở Hải Phòng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau; các đài tưởng niệm, nhà tưởng niệm, phòng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ...
Huấn luyện phát hiện mục tiêu trên biển.
Thể hiện tình quân dân sâu đậm, Hải quân Việt Nam đã huy động gần 36.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 600 lượt phương tiện với gần 90.000 ngày công giúp đỡ nhân dân địa phương. Thường xuyên quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng tại các địa phương như thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ sửa chữa, xây dựng 339 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết với tổng trị giá gần 140 tỷ đồng; thăm khám và cấp thuốc miễn phí trên 7.000 lượt người, tặng gần 100 sổ tiết kiệm với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng; phụng dưỡng 82 mẹ Việt Nam anh hùng, 81 thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Thực hiện chương trình "Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và hoạt động "Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, Quân chủng Hải quân đã huy động gần 20.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, trên 1.000 lượt phương tiện, thiết bị kỹ thuật tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở những vùng biển xa, kịp thời cấp cứu, cứu nạn được 1.855 người, 145 phương tiện tàu thuyền bị nạn; hỗ trợ nhiều hàng hóa, vật tư thiết yếu cho ngư dân như áo phao, cờ Tổ quốc, dụng cụ đi biển với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng; sửa chữa, cứu kéo và lai dắt hàng ngàn phương tiện bị hỏng hóc, gặp sự cố trên biển về bờ an toàn.
Huấn luyện sát với phương án tác chiến biển, đảo.
Quân chủng Hải quân giúp nhân dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long 5.000 khối nước ngọt để khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, ủng hộ trang thiết bị và tặng nhiều phần quà với tổng giá trị hơn 5 tỷ đồng; ủng hộ các địa phương phòng, chống dịch Covid-19 hơn 122 tỷ đồng; nhận đỡ đầu 159 con ngư dân. Phối hợp vận động được hơn 10.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; các tàu cá ngư dân hoạt động trên biển đã cung cấp được hơn 4.000 thông tin về tàu quân sự, tàu chấp pháp của nước ngoài vi phạm vùng biển của ta và nhiều thông tin đáng tin cậy khác.
Thông qua những hoạt động trên góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương trên vùng biển, đảo vững mạnh, làm sáng đẹp phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới. Tiêu biểu như 28 tỉnh, thành phố ven biển, các Vùng Hải quân, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Hải đoàn 128, Hải đoàn 129.
Chúng tôi, những nhà báo may mắn có mặt trong Đoàn công tác số 7, trên tàu KN-390 đã luôn kể lại với nhau những ngày được ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK-I. Trò chuyện với các sĩ quan Hải quân - những đồng chí có lẽ không nhớ hết đã cùng bao nhiêu chuyến tàu và đoàn công tác ra thăm, kiểm tra, làm việc trên các điểm đảo, họ vẫn rất xúc động mỗi khi kể chuyện về quần đảo Trường Sa, chúng tôi hiểu vì sao những người lính luôn có thể vượt qua mọi gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, dâng hiến trọn cuộc đời mình để giữ bình yên nơi biên cương Tổ quốc.
Huấn luyện võ tay không của bộ đội Hải quân.
(Theo NDO)