Người dân thị xã Nghĩa Lộ có câu "Có ruộng vì có Bác Hồ", nhờ có Bác mà nhân dân mới có cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc. Đồng bào các dân tộc nơi đây cũng như nhân dân cả nước luôn kính yêu, nhớ ơn và có tâm nguyện, ước nguyện được bày tỏ lòng biết ơn, lòng thành kính với vị Cha già của dân tộc.
Bởi vậy, sau nhiều năm nỗ lực, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị xã Nghĩa Lộ đã được hoàn thành trong niềm vui, niềm xúc động, niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thị xã miền Tây, trở thành Chi nhánh thứ 13 của Bảo tàng Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng và giúp cho mọi người có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vào năm 1979, nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động Phong trào xây dựng các công trình tưởng niệm Bác trên phạm vi cả nước bắt đầu bằng Phong trào xây dựng Ao cá Bác Hồ. Niềm vui đã đến với Nghĩa Lộ khi địa phương vinh dự được tỉnh chọn làm nơi xây dựng công trình.
Ngày 2/7/1982, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã vui mừng, phấn khởi làm lễ khởi công xây dựng vườn cây, ao cá Bác Hồ. Ngày 3/9/1983, công trình được khánh thành và mở cửa đón các đoàn đại biểu, cán bộ và nhân dân vào dâng hương, tưởng niệm, báo công với Bác.
Nhân dân từ các huyện bạn, tỉnh bạn đã tụ hội tại Vườn quả Bác Hồ để được thắp hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn thành kính đến Người. Những năm đầu, công trình mang tên Vườn quả Bác Hồ, sau đổi thành Nhà tưởng niệm Bác Hồ và đến năm 1999 được đổi tên thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như hiện nay.
Tọa lạc ở trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 2,1 héc-ta gồm 3 hạng mục chính là: nhà sàn, vườn cây ăn quả và ao cá Bác Hồ, các công trình còn lại là công trình phụ trợ. Nhà sàn Bác Hồ được xây dựng mô phỏng căn nhà sàn nơi Bác sống và làm việc ở Thủ đô Hà Nội, bao gồm 2 gian đặt bàn thờ tượng Bác để nhân dân đến dâng hương, tưởng niệm, báo công với Bác.
Ao cá Bác Hồ có vị trí trước nhà sàn, có diện tích 2.200 m2 chủ yếu nuôi đàn cá chép đỏ do Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội tặng nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh nhật Bác. Vườn cây ăn quả Bác Hồ có diện tích bao quanh Khu tưởng niệm tạo không gian xanh mát, làm đẹp cảnh quan.
Hiện nay, Khu tưởng niệm đang lưu giữ và bảo quản gần 200 cuốn sách, hiện vật và trên 1.000 tranh ảnh, bút tích, các thước phim tư liệu về thân thế, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng năm, Khu tưởng niệm đón tiếp, phục vụ hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên, nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ Bác.
Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động ý nghĩa như lễ kết nạp Đảng, Đoàn, Đội; là nơi sinh hoạt thường kỳ của nhiều câu lạc bộ quần chúng và nhiều hoạt động của chính quyền thị xã. Song song với hoạt động đón tiếp, phục vụ nhân dân và du khách, Khu tưởng niệm còn làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: triển lãm tại chỗ và lưu động, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng...
Đặc biệt, Khu tưởng niệm góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua công tác phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ, các nhà trường trên địa bàn thị xã tổ chức các hoạt động ngoại khóa bổ ích, hấp dẫn cho học sinh.
Trong gần 40 năm qua, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thị xã Nghĩa Lộ đã trở thành biểu tượng và niềm tin, là tình yêu với sức sống mãnh liệt về tinh thần bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lý tưởng cao đẹp mà Bác Hồ cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc Việt Nam đã, đang, sẽ tiếp tục hun đúc trường tồn. Nơi đây là một "địa chỉ đỏ”, một điểm đến đáng nhớ của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trên địa bàn cũng như đại biểu, du khách trong và ngoài nước khi có dịp đến thăm thị xã Nghĩa Lộ.
Thanh Tân