Nỗ lực đổi mới để phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 9/9/2013 | 8:59:51 AM
YBĐT - Nếu tính từ năm 1991, số thu mới đạt 24,2 tỷ đồng thì năm 2012 đã tăng gấp 44 lần với 1.067 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên ngành thuế thu vượt ngưỡng nghìn tỷ đồng, đáp ứng lòng mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp dân cư trong tỉnh.
Đồng chí Tạ văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế năm 2012. (Ảnh: Linh Nhung)
|
Kỷ niệm ngày khai sinh ra ngành thuế, ngày 6/8/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1370/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 9 hàng năm là Ngày Truyền thống của ngành thuế Việt Nam.
Chỉ một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 10/9/1945, Chính phủ đã ký sắc lệnh thành lập Sở Thuế quan và Thuế gián thu (trực thuộc Bộ Tài chính), tổ chức đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sở Thuế quan và Thuế gián thu (sau đổi thành Nha Thuế quan và Thuế gián thu) có nhiệm vụ xây dựng chính sách và tổ chức chỉ đạo, quản lý việc thu các loại thuế xuất nhập cảng, các thứ thuế gián thu như: rượu, muối, thuốc lá điếu...
Trong chặng đường 68 năm phát triển và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, đóng vai trò to lớn trong công tác quản lý kinh tế, xã hội đất nước. Trong từng thời kỳ phát triển, công tác thuế luôn đổi mới cho phù hợp với tình hình chung. Thời kỳ đầu chưa có chính sách thuế chính thức dưới chính quyền cách mạng non trẻ và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, công tác thuế đã bám sát và phục vụ kịp thời nhiệm vụ của cách mạng, tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Mốc son quan trọng nhất của ngành thuế là ngày 7/8/1990, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 218-HĐBT về việc thành lập ngành thuế Nhà nước. Tổng cục Thuế Nhà nước ra đời trên cơ sở hợp nhất ba bộ phận thu thuế (thuế công thương nghiệp, thuế nông nghiệp, thu quốc doanh) thành một hệ thống thống nhất trong cả nước từ Trung ương đến quận, huyện. Đây là sự đổi mới cơ bản về hệ thống tổ chức, kiện toàn bộ máy, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm các mục tiêu cải cách hệ thống thuế mới với hiệu quả cao nhất.
Trải qua các bước cải cách thuế, đến nay, hệ thống chính sách thuế đã được ban hành ngày càng hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý để huy động nguồn lực tài chính cho ngân sách Nhà nước (NSNN).
Nhiều sắc thuế mới như: giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế bảo vệ môi trường và các sắc thuế được sửa đổi, bổ sung theo hướng giảm nghĩa vụ thuế, tạo điều kiện khoan sức dân, tăng thêm nhiều ưu đãi cho người nộp thuế (NNT) đã tác động không nhỏ trong đời sống xã hội, thực sự trở thành công cụ đắc lực điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất kinh doanh (SXKD), khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ…
Các quy trình quản lý thuế được cải tiến, sửa đổi theo hướng văn minh, tạo thêm nhiều thuận lợi cho NNT. Cơ quan thuế từ chỗ quản lý dùng mệnh lệnh hành chính, chuyên quản khép kín chuyển sang quản lý thuế theo chức năng và đề cao vai trò tự khai, tự tính và tự nộp thuế để NNT tự chủ trong SXKD.
Đồng thời tăng cường cải cách hành chính thông qua cơ chế giao dịch “một cửa” và “một cửa liên thông” ở cơ quan thuế các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ để NNT được trao đổi và giải đáp chính sách, giúp họ hiểu và tự giác chấp hành. Phương tiện làm việc, cơ sở vật chất của ngành thuế được trang bị ngày càng đồng bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.
Đồng chí Hoàng Văn Diểm (trái) - Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái kiểm tra tình hình sản xuất tại Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam ở Lục Yên. (Ảnh: Linh Nhung)
Song hành với sự phát triển của ngành thuế cả nước, trong chặng đường hơn 20 năm qua, kể từ năm 1991, sau khi tái lập tỉnh, ngành thuế Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền giúp cho mỗi cán bộ thuế đều biết trân trọng, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của ngành thuế Việt Nam và khích lệ lòng tự hào, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành công vụ và phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác thu NSNN trên địa bàn.
Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa ngành thuế, ngành thuế đã có bước chuyển đáng kể trong việc tham mưu với cấp ủy Đảng và chính quyền triển khai nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Từ đó động viên được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế, làm cho công tác thuế trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành thuế đã đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và đào tạo lại, không ngừng củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thuế ngày càng lớn mạnh về mọi mặt.
Từ chỗ chỉ có hơn 30% số công chức được đào tạo, đến nay, toàn ngành đã có 96% số công chức có trình độ từ trung cấp đến thạc sỹ; thường xuyên quan tâm bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, kinh tế, tài chính, lý luận chính trị cho công chức. Có được đội ngũ cán bộ vững vàng và tinh thông nghiệp vụ, ngành đã nỗ lực đổi mới các biện pháp quản lý phù hợp với yêu cầu thực tế.
Bên cạnh việc sử dụng công nghệ mã vạch 2 chiều để hỗ trợ nộp và tiếp nhận hồ sơ khai thuế đã thực hiện kết nối mạng thông tin giữa các chi cục thuế và Cục Thuế, đảm bảo triển khai thành công các ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế, quản lý nội bộ ngành; hiện đại hóa quy trình thu nộp ngân sách qua ngân hàng thương mại… đã tạo cơ hội tối đa cho NNT tuân thủ pháp luật thuế để đưa chính sách thuế đi vào cuộc sống. Qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.
Ghi nhận thành tích mà công chức Cục Thuế Yên Bái đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho ngành nhiều phần thưởng cao quí: 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 16 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 3 cờ thi đua xuất sắc và hơn 40 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp, các ngành trao tặng. |
Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế, chính sách của tỉnh, các thành phần kinh tế đã vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất. Ngành thuế cũng đã quản lý tốt từng nguồn thu, từng sắc thuế để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho ngân sách; tăng cường phân cấp quản lý doanh nghiệp lớn cho các đơn vị cơ sở cấp huyện đã huy động được các nguồn lực, đảm bảo mức tăng trưởng ngân sách hàng năm đạt từ 5% - 20%.
Nếu tính từ năm 1991, số thu mới đạt 24,2 tỷ đồng thì năm 2012 đã tăng gấp 44 lần với 1.067 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên ngành thuế thu vượt ngưỡng nghìn tỷ đồng, đáp ứng lòng mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp dân cư trong tỉnh, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, phát triển văn hóa, giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.
Đi đôi với công tác chuyên môn, hệ thống chính trị trong ngành luôn được củng cố và phát triển. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng trong toàn ngành. Đây là cơ sở để mỗi công chức thuế tận tâm với sự nghiệp thuế, phấn đấu, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực điều hành, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, gìn giữ và hướng tới các giá trị “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nỗ lực cùng ngành thuế cả nước phấn đấu đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng cho mức độ thuận lợi về thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có lúc có nơi, cán bộ thuế cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cá biệt, có cán bộ trình độ chuyên môn còn hạn chế hoặc vi phạm 10 Điều kỷ luật của ngành. Song với những nỗ lực vượt bậc, những kết quả rất đáng trân trọng mà ngành thuế Yên Bái đạt được, ngành sẽ tiếp tục phát huy nội lực, nỗ lực đổi mới để đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành thuế, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, vững bước đi lên cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân.
Hoàng Văn Diểm -Cục trưởng Cục Thuế Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng này của Bác, những năm qua, ngành thuế xác định việc tuyên truyền, vận động, triển khai các hình thức dân vận phù hợp để người dân hiểu và tự giác chấp hành pháp luật thuế là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ngành hoàn thành mục tiêu thu ngân sách mà Trung ương và tỉnh giao.
YBĐT - Trải qua 68 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự lớn mạnh của ngành thuế cả nước, ngành thuế tỉnh Yên Bái đã nỗ lực vượt qua khó khăn của một tỉnh miền núi nghèo, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, nguồn thu ít để triển khai các chính sách thuế một cách hiệu quả.
Thân ái gửi cán bộ, công chức, người lao động đã và đang công tác trong ngành thuế tỉnh Yên Bái!
Hôm nay 9-9, phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc tại Hà Nội. Phiên họp dự kiến kéo dài trong 2 tuần, thảo luận nhiều nội dung quan trọng.