Những bộ phim về chiến dịch “không vận trẻ em” năm 1975

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2015 | 2:03:09 PM

Chiến dịch “không vận trẻ em” ở Việt Nam diễn ra trong những ngày tháng 4/1975 đã được phản ánh như thế nào trong những bộ phim Mỹ?

Heidi bên mẹ đẻ người Việt
Heidi bên mẹ đẻ người Việt

Phim tài liệu “Daughter from Đà Nẵng” (Người con gái Đà Nẵng - 2002)

Heidi bên mẹ đẻ người Việt
Heidi bên mẹ đẻ người Việt

Bộ phim tài liệu kể về người phụ nữ có tên Heidi Bub (tên tiếng Việt: Mai Thị Hiệp) - một người phụ nữ Mỹ gốc Việt sinh ngày 10/12/1968 ở Đà Nẵng. Cô là một trong những đứa trẻ sang Mỹ trong chiến dịch “không vận trẻ em” tháng 4/1975.

Ở Việt Nam, mẹ của Heidi - bà Mai Thị Kim - còn có 3 người con nữa, riêng Heidi là đứa con lai duy nhất của bà Kim với một người lính Mỹ. Năm lên 6 tuổi, Heidi có mặt trên chuyến bay sang Mỹ cùng những đứa trẻ khác trong chiến dịch không vận.

Dù được nhận nuôi nhưng cuộc sống của Heidi trên đất Mỹ không hề dễ chịu bởi mối quan hệ giữa cô và mẹ nuôi không suôn sẻ. Họ từ mặt nhau chỉ vì những tranh cãi nhỏ nhặt trong đời sống. Heidi bị mẹ nuôi đuổi khỏi nhà sau một lần về trễ so với “giờ giới nghiêm”… 10 phút.

Rồi cô kết hôn, làm mẹ, nhưng những tổn thương của một đứa trẻ lớn lên không có một gia đình đúng nghĩa đã vĩnh viễn làm tổn thương tâm hồn Heidi. Cô muốn được chữa lành những vết thương trong tâm hồn, những lỗ hổng trong ký ức, và cô quyết định tìm lại người mẹ đẻ của mình. Sau những nỗ lực tìm kiếm, mối quan hệ giữa họ đã được nối lại.

Heidi quay trở về Việt Nam thăm gia đình, nhưng những trải nghiệm mới lạ khiến cô bị sốc văn hóa. Cô đã rời xa Việt Nam từ năm lên 6, vì vậy, cả Heidi và gia đình cô đều khó lòng hiểu được lối sống của nhau.

Hình ảnh trong phim
Hình ảnh trong phim

Để thể hiện tình cảm với con gái, mẹ của Heidi đã ở bên con từng giây từng phút, bà muốn ngủ chung giường với con… Tất cả những sự gần gũi này trái ngược với lối sống đề cao tự do cá nhân của người Mỹ. Heidi như bị ngạt thở vì không tìm đâu ra một không gian riêng tư.

Đó là chưa kể những mâu thuẫn, khác biệt trong quan niệm về chuyện tiền bạc, khiến Heidi càng suy sụp. Kết thúc chuyến thăm gia đình ở Việt Nam, Heidi càng cảm thấy đau khổ và trống trải. Cô thuộc về một thế hệ không biết đâu là quê hương đích thực của mình…

Bộ phim từng giành được nhiều giải thưởng tại những LHP ở Mỹ, đặc biệt, phim từng được đề cử ở hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất tại giải Oscar 2003.

Phim tài liệu “Precious Cargo” (tạm dịch: Cuộc không vận chở những mầm non quý giá - 2001)

Hình ảnh trong phim

Chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam diễn ra hồi tháng 4/1975 đã đưa hơn 3.000 trẻ em người Việt rời khỏi quê hương để sang Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác. “Precious Cargo” đã lồng ghép những đoạn phim tư liệu lịch sử ghi lại những cuộc không vận diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam.

Bộ phim đã đưa ra những góc nhìn nhiều chiều về chiến dịch không vận này. Tuy vậy, nội dung chính của “Precious Cargo” là theo chân một nhóm những “trẻ em không vận” (giờ đều đã là những người trưởng thành) trở về nguồn cội - đất nước Việt Nam.

Bộ phim sẽ theo bước từng nhân vật, để qua đó phản ánh những diễn biến tâm trạng của từng người - những con người mà số phận đã vĩnh viễn thay đổi vì những biến động thời cuộc. Trở về Việt Nam, những con người này thoạt tiên cảm thấy nơi đây vừa xa lạ vừa gần gũi, họ vừa thấy mất mát vừa thấy biết ơn, vừa gắn kết vừa xa cách…

Khi mới đặt chân về nguồn cội, tất cả họ đều rất bình tĩnh nhưng rồi dần dần những xúc cảm bất ngờ ập đến, trỗi dậy mạnh mẽ mỗi khi họ thăm lại những trại trẻ mồ côi, những góc phố nơi từng một thời sinh sống… Và họ biết rằng ở nơi đây vẫn còn người mẹ đẻ đã sinh ra mình, những người họ hàng từng một thời gắn bó…

Hình ảnh trong phim

Kết thúc chuyến đi, nhiều người cảm thấy thanh thản và yên bình, như thể họ đã trút bỏ một gánh nặng, đã dũng cảm đối diện với quá khứ những tưởng đã quên. Nhưng cũng có những người bị xao động mạnh, miên man nghĩ về chiến tranh, về lòng nhân đạo trong một bối cảnh hỗn loạn như những ngày tháng 4/1975, khi những đứa trẻ bước lên máy bay, và từ đây cuộc sống sẽ vĩnh viễn đổi khác.

“Precious Cargo” là cuộc hành trình mang cả vị ngọt và vị đắng, đề cập tới câu chuyện về chiến tranh, về lòng nhân đạo, và về một giai đoạn mà những giá trị truyền thống trong gia đình Mỹ bắt đầu thay đổi, khi những bậc phụ huynh Mỹ bắt đầu mở rộng vòng tay đón những đứa trẻ khác màu da với mình.

Hình ảnh trong phim

Chính từ chiến dịch không vận trẻ em Việt Nam mà những quan niệm truyền thống về gia đình của người Mỹ đã thay đổi theo hướng cởi mở, thực sự phản ánh tinh thần của một “hợp chủng quốc”, đó là sự đa sắc tộc tồn tại ngay trong chính một gia đình.

Phim tài liệu “Operation Babylift: The Lost Children of Vietnam” (Không vận trẻ em: Những đứa trẻ bị đánh mất - 2009)

Hình ảnh trong phim

Bộ phim tài liệu khai thác những thách thức trong cuộc sống của những đứa trẻ người Mỹ gốc Việt từng có mặt trên những chuyến không vận năm xưa. Điều không thể tránh khỏi trong quá trình trưởng thành của những em nhỏ này, đó chính là định kiến.

Bản thân cuộc chiến tranh Việt Nam đã là một đề tài gây tranh cãi đối với người Mỹ và từng gây ra một cuộc khủng hoảng trong đời sống văn hóa - xã hội Mỹ. Vì vậy, những đứa trẻ đến Mỹ từ những chuyến không vận năm xưa luôn cảm thấy bóng đen chiến tranh thấp thoáng trong quá trình trưởng thành của mình.

Bộ phim đã khai thác những góc nhìn chân thực về chiến dịch không vận trẻ em, đặc biệt, từ phía những bậc phụ huynh nhận con nuôi, và những “đứa trẻ không vận” giờ đã trưởng thành.

Hình ảnh trong phim

Có thể nói, những bậc phụ huynh người Mỹ từng nhận nuôi những em bé Việt Nam khi đó là những người đi tiên phong trong xu hướng “nhận con nuôi quốc tế”, họ đã đón vào gia đình mình những đứa trẻ khác màu da, sắc tộc, và câu chuyện từ những gia đình như thế đã được chia sẻ chân thực, xúc động.

Trong mối quan hệ này, các bậc cha mẹ cũng gặp khó khăn, đặc biệt, những đứa trẻ lại càng phải đương đầu với những rào cản. Trong bản thân mỗi “đứa trẻ không vận” đều từng diễn ra những cuộc xung đột nội tâm, làm sao để chung sống hòa bình với quá khứ “phong ba bão táp”, để chấp nhận chính mình rồi hòa nhập cộng đồng.

Hình ảnh trong phim

Điều mà bộ phim tài liệu muốn thể hiện, đó là khi cuộc chiến đã kết thúc, thì vẫn còn những con người thầm lặng đang phải kiên cường đối diện với những tàn tích vô hình của chiến tranh - những tàn tích nằm ẩn sâu trong tâm hồn những con người đã từng sống trong thời đại ấy.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Đảng bộ xã khóa XXII.

YBĐT - Ngày 9/4, Đảng bộ xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã tổ chức Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXII. Đây là Đảng bộ được Huyện ủy Lục Yên chọn đại hội điểm nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm công tác tổ chức cho các Đảng bộ xã, thị trấn trong toàn huyện.

YBĐT - Hội Đồng đội 30/4 thị xã Nghĩa Lộ được thành lập năm 2007 theo nguyện vọng của các cựu chiến binh (CCB) từng vinh dự được trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện đang cư trú tại địa bàn. Là một tổ chức xã hội tự nguyện nhưng Ban liên lạc đã xây dựng quy chế hoạt động với tôn chỉ, mục đích rõ ràng.

YBĐT - Căn cứ vào các nghị định kèm theo, tỉnh lỵ được đặt tại đạo lỵ của đạo quan binh thứ ba cũ tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm của huyện Trấn Yên. Tỉnh Yên Bái khi mới thành lập bao gồm:

Thành phố Yên Bái hôm nay.

YBĐT - Ngày 11 tháng 4 năm 1900 ghi dấu ấn chính thức Yên Bái là tỉnh có địa giới hành chính gồm phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái...

 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục