Ngày ấy, chúng tôi vào trận đánh
- Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2015 | 9:53:06 AM
YBĐT - Hội Đồng đội 30/4 thị xã Nghĩa Lộ được thành lập năm 2007 theo nguyện vọng của các cựu chiến binh (CCB) từng vinh dự được trực tiếp tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện đang cư trú tại địa bàn. Là một tổ chức xã hội tự nguyện nhưng Ban liên lạc đã xây dựng quy chế hoạt động với tôn chỉ, mục đích rõ ràng.
Trước hết, đây là tổ chức của những CCB đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng toàn quân làm nên chiến thắng 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hoạt động chính của Hội là vận động hội viên tiếp tục phát huy truyền thống của quân đội và CCB Việt Nam, tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Những ngày này, các CCB của Hội luôn dành thời gian thăm hỏi, chia sẻ tình cảm trong cuộc sống. Cuộc trò chuyện nào cũng sôi nổi những câu chuyện chiến đấu sinh tử với kẻ thù để quyết giành độc lập cho dân tộc... Thiếu tá Bùi Xuân Đông - Trưởng ban Liên lạc Hội Đồng đội nhớ từng chi tiết của trận đánh mở màn vào cứ điểm Buôn Mê Thuột. Lúc đó, ông là chính trị viên Đại đội Công binh phối hợp với Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 tập trung đánh vào trung đoàn thiết giáp của địch.
Xác định cuộc chiến đấu sẽ kéo dài và liên tục nên trên đường hành quân, mỗi chiến sĩ phải đem theo cơ số đạn và lương thực bình quân khoảng 40kg. Vì vậy, dự tính hành quân trong vòng 2 tiếng nhưng mất gần 4 tiếng đồng hồ đội hình mới đến địa điểm tập kết. Hơn 2 giờ sáng, Đại đội nhận nhiệm vụ mở cửa cho đại quân tấn công áp sát vì sương mù dày đặc nên các chiến sĩ không thể xác định rõ mục tiêu, chỉ ước lượng theo tính toán của trinh sát. Để bảo đảm hiệp đồng, từng loạt mìn DH20 - loại mìn quét có sức công phá mạnh vẫn được chuẩn bị khai hỏa.
Đang băn khoăn về cự ly mục tiêu, bỗng đâu một cơn gió mạnh ào qua, thổi tan lớp sương mù làm hiện rõ một lô cốt gắn họng pháo 14,5 ly đen ngòm của địch chỉ cách đội hình ta gần 200m. Lúc đó, chúng mới phát hiện bị bao vây. Tiếng hô: "Việt Cộng! Việt Cộng!..." vang lên náo động. Không chần chừ, 2 quả mìn đầu tiên của ta phát nổ, pháo địch giật mình, trút đạn như mưa xuống đúng hướng cửa mở, một số chiến sĩ bị thương ở ngay tầm đạn địch, chính trị viên hô lớn: "Hãy tiến lên! Lùi là chết!...".
Do tình thế cấp bách, chỉ huy ra lệnh cho mỗi chiến sĩ điểm hỏa nổ trực tiếp 1 quả mìn, khi hô: "Giật!..." phải chạy sang ngang, không chạy lùi. Chiến thuật đó đã giúp giảm thương vong khá lớn cho đồng đội. Cuộc chiến giằng co tới 10 giờ sáng. Lúc này, phía địch cho máy bay trực thăng gọi loa kêu: "Việt Cộng ra hàng”. Chúng càng lên tiếng, bộ đội ta càng bắn uy hiếp liên tục. Khoảng 3 giờ chiều, từ phía ngoài, các cánh quân tăng thiết giáp, pháo bộ binh của ta ào ào tới chi viện, lô cốt địch nổ tung, quân ta thừa thắng xông lên, địch chạy tán loạn. Bộ đội nhanh chóng làm chủ cứ điểm, bẻ gẫy một lực lượng chủ yếu của địch ở Tây Nguyên... Những kỷ niệm như thế cứ theo từng lời kể của đồng đội sống dậy trên mỗi chiến trường từ Buôn Mê Thuột vào Đồng Dù, Biên Hòa, Củ Chi đến Sài Gòn. Mọi người đều không ngờ phút giây toàn thắng lại đến nhanh như vậy, đẹp như mơ…
Các đồng chí tự hào nói: "Ngày ấy, chúng tôi lên đường vui như mở hội. Ai cũng cố ăn khỏe, ngủ ngon để có sức chiến đấu. Mỗi khi bước vào một trận đánh nào đó, chúng tôi đều háo hức bởi vì sự lựa chọn lúc đó là chỉ có tiến, không có lùi. Một là chiến thắng trở về, hai là anh dũng hy sinh!". Bởi vậy, ước nguyện của các đồng chí là được một lần trở lại thăm chiến trường xưa, thăm lại những địa danh họ và đồng đội đã từng chia lửa, từng đổ máu hy sinh. Lần này, chưa đủ điều kiện tổ chức chuyến đi, hy vọng, thời gian không xa nữa, mong muốn của các đồng chí sẽ được quan tâm, khi tuổi tác, sức khỏe còn cho phép bước chân họ lên đường.
Nguyễn Thị Thanh
Các tin khác
YBĐT - Căn cứ vào các nghị định kèm theo, tỉnh lỵ được đặt tại đạo lỵ của đạo quan binh thứ ba cũ tại làng Yên Bái thuộc tổng Bách Lẫm của huyện Trấn Yên. Tỉnh Yên Bái khi mới thành lập bao gồm:
YBĐT - Ngày 11 tháng 4 năm 1900 ghi dấu ấn chính thức Yên Bái là tỉnh có địa giới hành chính gồm phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, Văn Bàn, Than Uyên và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái...
Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhiều dân tộc, nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Ngày 11 tháng 4 năm 1900 được ghi dấu ấn chính thức, Yên Bái là một tỉnh có địa giới hành chính gồm có phủ Trấn Yên, châu Văn Chấn, Văn Bàn và thị xã tỉnh lỵ đặt tại làng Yên Bái.
Số lượng thứ trưởng, phó tổng cục trưởng, phó cục trưởng, phó vụ trưởng như thế nào sẽ được quy định khá cụ thể ngay trong Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).