Tận tâm với nghề

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/7/2015 | 4:53:05 PM

YênBái - YBĐT - Câu chuyện về ước mơ trở thành giáo viên của các em nhỏ vùng cao từ thời niên thiếu mà cô giáo Phạm Thị Thành - giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) chia sẻ, khiến chúng tôi rất cảm phục ở sự nỗ lực biến mơ ước thành hiện thực bằng tất cả nhiệt huyết trái tim tuổi trẻ của chị.

Cô giáo Phạm Thị Thành đang hướng dẫn học sinh tập viết.
Cô giáo Phạm Thị Thành đang hướng dẫn học sinh tập viết.

Sinh ra, lớn lên tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), trong những lần theo cô ruột đi dạy học cho các bạn cùng trang lứa là người Mông tại các bản làng xa xôi, Phạm Thị Thành được trải nghiệm bao điều mới lạ về cuộc sống gian khổ trong các bản làng vùng cao. Điều đó, đã khiến cô bé Thành khao khát trở thành giáo viên.

Sau khi tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, năm 1996, cô giáo Phạm Thị Thành đến công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, xã Hát Lừu cùng huyện Trạm Tấu. Dù đã sống ở vùng cao, nhưng những điều mới mẻ ở đây khiến cho cô giáo Thành không thể tưởng tượng được những nỗi gian truân. “Ngôi trường nhỏ, phòng học tạm bợ, các em học sinh hiền lành, dễ mến nhưng thật khó để nói cho các em hiểu về bài giảng của mình, bởi bất đồng ngôn ngữ. Các em buổi đến lớp, buổi nghỉ, thậm chí bỏ học nên cô giáo không biết bao lần phải lặn lội tới tận nhà để tìm các em trở lại lớp học. “Khó khăn là vậy, nhưng tôi vẫn quyết tâm không bỏ cuộc” – cô giáo Thành chia sẻ.

Mất một thời gian khá dài, với sự giúp đỡ, động viên của đồng nghiệp, cô giáo Thành dần học được tiếng của đồng bào Mông, Thái và tích cực xuống cơ sở để nắm bắt hoàn cảnh gia đình học sinh. Dành nhiều thời gian nghiên cứu phương pháp truyền thụ kiến thức để bài giảng đến với các em một cách dễ hiểu nhất.

Gần 15 năm công tác, cô giáo Thành gắn bó cuộc sống của mình với Bản Hát, xã Hát Lừu. Tình yêu nghề nghiệp là động lực lớn nhất để cô giúp đỡ nhiều thế hệ học trò trưởng thành. Bà con các dân tộc ở xã Hát Lừu rất quý mến cô vì đã không ngại khó, ngại khổ hết lòng giúp đỡ con em của họ học hành tiến bộ. Giờ đây, khi được chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Trạm Tấu, điều kiện mọi mặt thuận lợi hơn thì cô giáo Thành tâm niệm, mình lại càng phải cố gắng nhiều hơn và phát huy kinh nghiệm trong quá trình dạy học ở xã để có thêm những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao.

“Làm công tác "trồng người" nơi vùng cao nên tôi biết, dạy học cho các em người Mông, người Thái vừa bước vào lớp 1 là việc rất khó, vì các em lần đầu tiếp cận với cách phát âm ngôn ngữ phổ thông. Để giải quyết việc này, tôi thường phải giành thêm thời gian ngoài giờ, giúp các em đọc, viết. Đặc biệt, là cách phát âm phải chuẩn từ khẩu hình, cách lấy hơi, nhả chữ. Nếu em nào còn chưa làm được, tôi thường cùng tập luyện với em đó đến khi em đọc được mới thôi.” - cô giáo Thành chia sẻ. Được biết, chính cách hướng dẫn học sinh phát âm chuẩn của cô Thành đã được công nhận là sáng kiến trong công tác giảng dạy, được nhà trường đánh giá cao và áp dụng vào giáo trình dạy học.

Đến nay, gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học ở vùng cao, Trạm Tấu đã trở thành quê hương thứ hai của cô giáo Phạm Thị Thành. Cô Trần Thị Thu Hà - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: “Cô Thành là giáo viên Tổ trưởng tổ chuyên môn của trường, nên cô là người luôn có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng giáo viên trong nhà trường và luôn làm tốt công tác cơ quan giao phó. Do đó, cô rất được phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp yêu quí. Hàng năm, cô Thành đều đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường. Năm học 2012 - 2013 cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, trong công việc và cuộc sống, cô Thành luôn là người nhiệt huyết, hết mình vì sự nghiệp giáo dục ở vùng cao, tạo nên động lực phấn đấu cho mọi người xung quanh”.

Gần hai chục năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao Trạm Tấu, bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim, cô giáo Phạm Thị Thành vẫn nóng bỏng niềm đam mê nghề nghiệp và luôn trăn trở tìm ra những phương pháp tốt nhất về chuyên môn để cống hiến nhiều hơn nữa cho tương lai dân trí ở chốn non cao này. Trong năm học 2013 - 2014, bốn em học sinh được cô giáo Thành giảng dạy đã đoạt giải tại cuộc thi giải Toán trên máy tính toàn quốc. Đó là, những phần thưởng quý giá nhất với cô, bởi không có mấy ai đạt được thành tích ấy khi dạy học ở vùng cao hầu hết là đồng bào Mông và Thái. Cô giáo Phạm Thị Thành thực sự là một đóa hoa đẹp trong vườn hoa giáo dục ở vùng cao.

Hoài Văn

Các tin khác
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 28/2/1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu." Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được.

Các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm khu di tích lịch sử Tân Trào.

Những ngày tháng 5 này khi được về mảnh đất Tân Trào, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc, nhiều người đã không khỏi xúc động.

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Có một con đường ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959), đó chính là đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường huyền thoại ấy, hàng vạn người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục