Người dân Yên Bái đến với cách mạng như một lẽ tự nhiên
- Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2015 | 9:44:53 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn lại phong trào yêu nước ở Yên Bái mới thấy nhân dân ta đã tự giác tham gia phong trào Việt Minh để giải phóng dân tộc, dù biết đó là con đường phải hy sinh, gian khổ.
Thành phố Yên Bái trong ngày Tết Độc lập. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công do có sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng phải nói, dân ta có lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc, vì thế nhìn lại phong trào yêu nước ở Yên Bái mới thấy nhân dân ta đã tự giác tham gia phong trào Việt Minh để giải phóng dân tộc, dù biết đó là con đường phải hy sinh, gian khổ.
Năm 1943, ông Nguyễn Minh Đăng ở phố Ga, thị xã Yên Bái về thăm quê ở Đình Bảng (Bắc Ninh) được một cán bộ cách mạng tên là Thân (bí danh Sị) giác ngộ và giao nhiệm vụ. Trở về thị xã Yên Bái; thông qua phong trào truyền bá quốc ngữ, ông Nguyễn Minh Đăng đã vận động một số giáo viên, trong đó có ông giáo Đáng và ông thừa Đốc tham gia, đã thu hút nhiều người vào thanh niên cứu quốc, viên chức cứu quốc. Đến giữa năm 1944 nhóm viên chức cứu quốc có các ông: Nguyễn Tích Long, Nguyễn Văn Doãn (tức Lê Văn Kim) và ông Đoàn Văn, thông qua truyền bá quốc ngữ để tuyên truyền vận động viên chức và thanh niên thị xã hưởng ứng và hoạt động theo chương trình Mặt trận Việt Minh.
Mùa hè năm 1944, ông Nguyễn Văn Thản là bạn học của ông Nguyễn Tích Long ở trường Bônal (Hải Phòng) là cán bộ Việt Minh hoạt động ở Trường trung học Hùng Vương (Phú Thọ) lên Yên Bái liên lạc, tuyên truyền chương trình của Việt Minh và kết nạp ông Nguyễn Tích Long vào tổ chức thanh niên - viên chức cứu quốc, giao nhiệm vụ phát triển tổ chức ở thị xã Yên Bái. Sau đó, ông Nguyễn Tích Long đã kết nạp các ông: Phan Thành Tâm (giáo viên), Lê Bá Khoa, An Văn Giai, Bồ Tùng Nguyên, Hiền Tràng (Lục lộ), Tô Lưu, Đỗ Quang Hân (giáo viên), Đỗ Trọng Khôi, Nguyễn Thân, An Văn Bùi, Lê Phước… là những thanh niên tiến bộ và cả binh sĩ yêu nước trong Bảo an binh như Cai Tiến (Tiến trắng), cai Tuân… vào tổ chức cứu quốc của Việt Minh.
Bia di tích lịch sử Chiến khu Vần.
Cùng với những trí thức yêu nước như cụ đốc tờ Phạm Gia Đệ ở Yên Bái còn có những trí thức yêu nước như ông Lê Văn Phương, đỗ cử nhân Luật nhưng không đi làm quan, về trông nom đồn điền đã hưởng ứng cuộc vận động cứu nước của Việt Minh, ủng hộ giải phóng quân cả thóc gạo, đàn bò của đồn điền, sau đó tham gia kháng chiến chống Pháp. Hoặc như hai anh em ông Nguyễn Văn Kỳ, Nguyễn Văn Cầm ở Bình Phượng (Hợp Minh) là nhà hữu sản đã lấy nhà mình làm nơi đóng quân của giải phóng quân. Từ cuối năm 1943 đến tháng 5-1944 đã gây dựng được các tổ Việt Minh ở nhiều làng, xã như: Linh Thông, Đồng Yếng, Vân Hội, Bảo Long, Hạ Bằng La (thuộc phủ Trấn Yên) kết nạp được 23 hội viên cứu quốc, trong đó có 4 người dân tộc Tày.
Tháng 4/1945 tổ chức Việt Minh được thành lập ở Cảm Nhân, Mỹ Gia, Yên Phú (phủ Yên Bình) ở Châu Lục Yên, Việt Minh đã thu hút đông đảo nhân dân vào các hội cứu quốc ở Cổ Văn, Từ Hiếu và vùng lân cận từ đầu năm 1945. Tại phố Lục Yên, các tầng lớp thân hào, tiểu thương, tiểu chủ cũng tuyên truyền khẩu hiệu của Việt Minh, uy tín của Việt Minh lên cao. Thống lý người Mông ở Cao Phạ (châu Văn Chấn) nói: Việt Minh là người mình, họ đều là những người nghèo khổ, sống gần dân giúp người Mông chống Pháp, ta phải một lòng đi theo Việt Minh. Tại châu Văn Chấn thành lập được 5 nhóm thanh niên trung kiên ở Đại Lịch, Chấn Thịnh, Thượng Bằng La, Nghĩa Lộ, Sơn A, Bảo Hẻo, rải truyền đơn, dán khẩu hiệu của Việt Minh.
Ngày 11/3/1945 chi bộ nhà tù đấu tranh buộc Chánh sứ Pháp ở Sơn La René Robert phải trả tự do cho hơn 200 chiến sĩ cách mạng. Anh em theo kế hoạch về xuôi để nhận nhiệm vụ theo chỉ thị của Đảng. Khi qua Nậm Khắt, Púng Luông (Mù Cang Chải) thống lý Lý Nủ Chu cùng bà con người Mông địa phương đã mang gạo, thịt lợn, gà, muối giúp đỡ đoàn tù chính trị vượt ngục, tiếp sức cho đoàn, đồng bào còn cử người đưa đường cho đoàn về xuôi an toàn…
Ngày 17/3/1945, các chiến sĩ ở Căng Nghĩa Lộ đấu tranh đòi trả tự do, bị địch đàn áp khiến 9 người hy sinh, một số ít chạy thoát, trong đó có ông Trần Đức Sắc được bà con Khe Thắm che chở sau 2 ngày đã về được chiến khu Vần. Khi quân ta giải phóng Nghĩa Lộ, các hội viên cứu quốc của Việt Minh ở thị trấn Nghĩa Lộ như ông Nguyễn Đăng Kỳ (tức cả Nho) Nguyễn Đăng Long, Bùi Đức Ngạc… đã thuyết phục tri phủ Đặng Phúc Lộc và Quản Nhượng cùng binh lính treo cờ trắng tại Ngòi Thia đón giải phóng quân. Ngày 8/7/1945, ủy ban nhân dân cách mạng châu Văn Chấn được thành lập. Văn Chấn là địa phương đầu tiên giành được chính quyền trong cách mạng tháng Tám ở Yên Bái.
Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã thành lập được các tổ chức cứu quốc ở nhiều làng xã của phủ Trấn Yên và châu Văn Chấn như Đồng Phú, Vần, Dọc, Vân Hội, Đồng Yếng, Giới Phiên, Nga Quán; Thiến, Kháo (thuộc Hưng Khánh) Âu Lâu, Y Can, Hào Gia, Báo Đáp, Thượng Bằng La, Đại Lịch với số hội viên lên tới gần 800 người. Nhiều người thuộc tầng lớp trên, những người hữu sản, hào lý cũng ngả theo cách mạng, điển hình có ông Trần Đình Khánh là chánh tổng Lương Ca, ông Đặng Bá Lâu - Chánh hương hội Nang Sa, ông Chánh Lê - Chánh tổng Việt Long, ông Lý Huệ ở Minh Quân (Trấn Yên), ông Bút Tân ở Yên Bình, ông Chánh Khít (Lục Yên) v.v… đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ cách mạng.
Từ sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp đã thôi thúc người dân Yên Bái một lòng theo cách mạng.
Trong ảnh: Phu mỏ Yên Bái thời thuộc Pháp.
Tại châu Lục Yên, phong trào Việt Minh đã lôi cuốn nhiều chức dịch đi theo cách mạng như Đội Minh (tổng Lương Sơn) xin từ chức và tự nguyện bàn giao chính quyền cho Việt Minh. Tại tổng lâm trường hạ, cựu chánh tổng Hoàng Văn Quế ép con trai từ chức lý trưởng, đưa đường cho tổ công tác đến yêu cầu chánh tổng Hoàng Văn Viên đầu hàng Việt Minh. Ở thời điểm chúng ta giành được chính quyền ở thị xã Yên Bái và các châu, phủ lực lượng chủ yếu là quần chúng cách mạng, kết hợp đấu tranh chính trị với ngoại giao, đàm phán buộc địch đầu hàng trước áp lực của quần chúng. Lực lượng vũ trang ngoài đội du kích Âu Cơ, Cổ Văn còn có tiểu đoàn chủ lực do ông Trần Thế Môn chỉ huy nhưng chủ yếu để răn đe làm áp lực buộc địch đầu hàng.
Ngày 22/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái ra mắt đồng bào trong một cuộc mít tinh lớn có gần một vạn người tham gia. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái có các ông: ông Ngô Minh Loan là chủ tịch, ông Nguyễn Phúc - phó chủ tịch, ông Bình Phương- ủy viên quân sự, ông Nguyễn Văn Chí - ủy viên cảnh sát, ông Đỗ Quang Hân là ủy viên giáo dục, ông Đỗ Văn Bình (nguyên tuần phủ) là ủy viên tư pháp, ông Phạm Gia Đệ (đốc tờ phụ trách nhà thương Yên Bái) là ủy viên y tế, ông Trịnh Xuân Nhạc (phụ trách kiểm lâm chính quyền cũ) là ủy viên kinh tế.
Bộ máy hành pháp cấp tỉnh thu hút không những các nhân sĩ, thân hào mà còn tập hợp được cả những người làm việc cho chế độ cũ tham gia.
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngược dòng lịch sử, chúng ta càng tự hào về lòng yêu nước của người dân Yên Bái đã một lòng theo Đảng suốt những năm qua và tin tưởng rằng, khi Đảng có đường lối đúng, đảng viên tiên phong, gương mẫu hy sinh vì nước vì dân thì nhất định nhân dân sẽ theo Đảng đến cùng.
Ký ức Ngày Độc lập Ông Đào Xuân Thái (87 tuổi) - Tổ 34, phố Hồng Phong, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái:
Sáng 2/9 sau khi trực ở cơ quan tôi đi theo các anh chị ra sân vận động, vừa ra đường đã thấy rợp trời cờ, hoa. Phụ nữ thì mặc áo dài trắng, từng đoàn người đi diễu hành kéo thành hàng dài. Đoàn diễu hành từ khắp các xã đi ra tỉnh, người đi đầu cầm lá cờ Tổ quốc tung bay, đi sau là đoàn thiếu nhi và nhân dân. Tiếng trống hòa cùng tiếng hô khẩu hiệu vang rền: “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Ngày độc lập 2/9 muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm… Ông Nguyễn Vi Bản (83 tuổi) - Cán bộ tiền khởi nghĩa, chiến sĩ Giải phóng quân Chiến khu Vần:
Tôi vẫn nhớ rất rõ ngày 2/9 lịch sử năm 1945, lúc đó tôi 15 tuổi và đang là Đội trưởng Đội thiếu nhi xã Âu Lâu. Tại vườn hoa Nhà Kèn, thị xã Yên Bái hôm ấy tổ chức buổi lễ ra mắt giới thiệu lãnh đạo Mặt trận Việt Minh. Tôi tự hào khi được là người Đội trưởng dẫn đoàn thiếu nhi của xã Âu Lâu đến tham dự buổi lễ. Ngoài đường rực một màu đỏ của cờ Tổ quốc, mọi người cùng nhau hát vang, ai ai cũng vui mừng khôn siết. Không khí chưa bao giờ tưng bừng đến thế, sau này mỗi lần nhớ lại trong lòng tôi vẫn cảm thấy lâng lâng, cảm xúc dâng trào rất khó diễn tả. Mai Linh (thực hiện) |
Nguyễn Thanh Vân
Các tin khác
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng 1/9, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.
Đoàn Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dẫn đầu tham dự Hội nghị Thế giới các Chủ tịch Quốc hội lần thứ tư.
YBĐT - Đại Lịch là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng. Nhân dân Đại Lịch có truyền thống yêu nước, cách mạng và hiếu học. Chúng tôi thấy cần thiết phải truyền lại tinh thần ấy cho các thế hệ tương lai, nên đã xây dựng những tấm bia trên.
Để học chữ, người dân mang theo đèn dầu hoặc đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hay người phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú.