Kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức, chạy quyền” - Vấn đề cấp bách hiện nay

Bài 4: Để có “những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi”

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/5/2018 | 1:56:20 PM

YênBái - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 (sửa đổi) đã khẳng định: Nhà nước ta là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Do đó, nhân dân phải là người chủ kiểm soát quyền lực nhà nước.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn: "Dân biết nhiều việc mà Đảng và Nhà nước không biết, dân có nghìn tai, nghìn mắt, cái kim trong bọc dân cũng biết". Vì thế "phải làm sao "biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp…".

Từ tiếng chuông Đăng văn đến cơ chế kiểm soát trong Hiến pháp

Phát huy hàng triệu con mắt, lỗ tai của nhân dân để kiểm soát bộ máy chính quyền là điều đã được cha ông ta sử dụng từ ngàn xưa. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, từ thời vua Lý Thái Tông (1028-1054), khi xây dựng Bộ luật Hình thư (hình sự) đầu tiên của nước ta, nhà vua cho đặt Đăng văn chung (Chuông kêu oan) ở điện Long Trì để dân kêu oan. Sau này đến thời vua Lê Thái Tổ, vua cho đặt trống Đăng văn để nghe dân kêu oan. Đến thời vua Minh Mạng, trống Đăng văn tiếp tục được treo trong triều, vua cấm trong thành dùng trống để tránh nhầm lẫn nhưng cũng trị rất nặng những kẻ đánh trống "tào lao”, kêu oan không đúng. Quốc triều Hình luật của Nhà Lê có nhiều quy định thưởng xứng đáng cho người dân tố cáo việc gian lận lúa thuế ruộng hay tuyển chọn quân lính. Vua Lê Thánh Tông cho đặt hòm thư tại sân đình để người dân có thể viết thư phản ảnh; người dân được phép yết bảng nêu việc làm tốt, xấu của quan lại địa phương.

Đặc biệt, dưới triều đại nhà Tây Sơn, vua từng ban "Chiếu cầu lời nói thẳng" của toàn dân để "nhìn thẳng vào sự thật” sau khi xảy ra vụ việc một thái sư chuyên quyền lộng hành, gây quá nhiều tổn thất về thanh danh, uy tín của triều đình.

Ngày nay, Điều 2, Hiến pháp sửa đổi khẳng định bản chất của nhà nước ta là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, xác nhận nhân dân là chủ thể của kiểm soát quyền lực. So với bản Hiến pháp trước đây, Quốc hội không còn là thiết chế duy nhất có quyền lập hiến mà nhân dân là chủ thể của quyền lập hiến. Quy định đó đã đặt nền móng hiến định cho sự ra đời một cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước từ bên ngoài, tức là từ phía nhân dân trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước.

Nhân dân kiểm soát quyền lực: Sức mạnh từ pháp luật và niềm tin

Theo Hiến pháp, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ đại diện (thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của Nhà nước) và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp như bầu cử và bãi nhiệm; có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân. Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với các cơ quan nhà nước… Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức… Bản Hiến pháp hiện hành đã hình thành một cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước từ phía nhân dân với các quy định rõ ràng, cụ thể, thông qua dân chủ trực tiếp.

Thế nhưng, để đưa những tinh thần hiến định ấy thực sự đi vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Theo nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, dựa vào dân để kiểm soát quyền lực không chỉ là câu chuyện của các cơ quan hành pháp, bộ máy Nhà nước mà còn là đòi hỏi tất yếu đối với Đảng: "Tôi nói ví dụ các ủy viên Trung ương trước khi đi họp Trung ương phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của các đảng viên khác và của nhân dân. Tuy không hoàn toàn như đại biểu Quốc hội trước và sau mỗi kỳ họp đều có tiếp xúc cử tri, nhưng cần có cơ chế, có cách thức tổ chức để các ủy viên Trung ương tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của các đảng viên, các lão thành cách mạng và người dân trước mỗi kỳ họp Trung ương. Phải biết lắng nghe dân để xây dựng Đảng”.

Tại một số hội nghị chuẩn bị xây dựng các đề án trình Hội nghị Trung ương 7, khóa XII tới đây, giải pháp thể chế hóa cơ chế kiểm soát quyền lực bằng các quy định của pháp luật cụ thể như xác định thẩm quyền của HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong giám sát và phản biện xã hội đã được đề cập. Mặt khác, phải công khai cho nhân dân biết và giám sát việc thực hiện các quy chế về cán bộ, kê khai tài sản, chính sách cán bộ …

Đối với bộ máy Nhà nước, cần sớm hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến các quyền mang tính kiểm soát, làm sao thiết thực, dễ thực hiện, cụ thể là các Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Biểu tình, Luật về Hội, Luật Tiếp cận thông tin… Đặc biệt, phải tổ chức tốt việc tiếp dân, giải quyết các kiến nghị, vướng mắc, khiếu nại của nhân dân.

Để người dân có niềm tin tham gia kiểm soát quyền lực thì họ phải thấy quyền đó được tôn trọng và được thực thi. Câu chuyện đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu nêu trên diễn đàn Quốc hội thật đáng suy nghĩ: Có cử tri phản ảnh có nơi 6 tháng liền chủ tịch UBND huyện không tiếp dân. Mới đây, trước diễn biến phức tạp của tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại ở phía Nam, Tổng Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu xác định rõ địa chỉ và cá nhân chủ tịch UBND các địa phương không thực hiện đúng pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nếu không chuyển biến, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Ban Bí thư để xử lý nghiêm sai phạm. Hiện nay, Luật Tiếp công dân quy định rất rõ trách nhiệm người đứng đầu từ cấp xã trở lên hằng tháng tiếp dân định kỳ bao nhiêu ngày nhưng còn rất nhiều địa phương chưa thực hiện đúng, thậm chí có bí thư, chủ tịch địa phương số lần trực tiếp tiếp dân chỉ trên đầu ngón tay mỗi năm.

Cùng với tiếp dân là việc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Có cán bộ công quyền được cấp tiền điện thoại từ thuế dân đóng góp nhưng lại có quan niệm "điện thoại số lạ không bao giờ nghe” nên người dân khó có thể phản ảnh, đề đạt tâm tư. Đây cũng là một biểu hiện quan cách mạng, khi mà khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, phát triển, nhiều chính khách, cán bộ cấp cao còn sử dụng mạng xã hội, email để kết nối với nhân dân thì lại có những cán bộ quan liêu, xa dân như vậy…

Dựa vào dân để phát hiện, xử lý "người giả”

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam-Bộ Nội vụ cho rằng: "Công tác tổ chức cán bộ lâu nay hình như là một lãnh địa khép kín, thiếu vắng sự tham gia giám sát của quần chúng, của xã hội”. Song theo chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, vấn đề này sẽ được khắc phục,  tạo ra cơ chế thuận lợi để nhân dân giám sát.

Nhân dân giám sát công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền, xét cho cùng chính là nhờ tai mắt nhân dân phát hiện vấn nạn "người giả”-thứ hội tụ đủ loại bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả, đạo đức giả...; thứ nguy hại nhất trong các của "giả” như nhà báo Hữu Thọ từng cảnh báo trong cuốn sách "Chạy” xuất bản cách nay gần 15 năm.

Hướng dẫn khung để phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá” trong nội bộ được ban hành kèm theo Quyết định số 99/QĐ-TW của Bộ Chính trị vào tháng 5-2017 là một cách làm mới. Hướng dẫn quy định rất rõ các nội dung, hình thức công khai của cán bộ, đảng viên và tổ chức Đảng; nội dung, hình thức góp ý, giám sát của nhân dân. Đáng chú ý, trong đó có việc phải công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai theo quy định. Việc này sẽ khắc phục thực tế, vấn đề kê khai tài sản, thu nhập được chính thức thực hiện từ năm 2013 nhưng suốt nhiều năm phát hiện chỉ một vài trường hợp vi phạm. Năm 2017, Thanh tra Chính phủ báo cáo đã có trên 1,1 triệu người kê khai tài sản nhưng qua xác minh chỉ có  5 trường hợp vi phạm. Năm 2016 không phát hiện trường hợp nào. Với diện kê khai quá rộng lên tới hàng triệu người, cơ chế giám sát thiếu chặt chẽ, không công khai và chưa phát huy vai trò của nhân dân nên kết quả không như mong muốn.

Một điểm tích cực nữa trong Quyết định 99 là đã có quy định Đảng đoàn Quốc hội hoàn thiện quy định và thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất khi thấy cần thiết đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Xây dựng cơ chế xem xét giải quyết những trường hợp có phản ảnh của cử tri, nhân dân và dư luận liên quan đến những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hoá”. Như vậy, tới đây, trong cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, sẽ có thể có thêm việc lấy phiếu tín nhiệm đột xuất đối với những trường hợp cử tri, nhân dân, dư luận phát hiện "có vấn đề”.

Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nếu chỉ kêu gọi chung chung nhưng không cung cấp thông tin thì người dân không có cơ sở để giám sát. Tất nhiên người dân có quyền được thông tin nhưng phải đúng luật, không để lợi dụng, lộ thông tin không có lợi.

Tuy nhiên, để người dân tham gia giám sát quyền lực thì các quy định của pháp luật cũng phải hết sức rõ ràng, cụ thể. Như chuyện xây dựng Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay, hiện nhiều quan điểm cho rằng phải chống chạy chức chạy quyền bằng quy định rõ, quy tắc ứng xử đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị để không tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Khái niệm "người thân” được mở rộng không chỉ là bố, mẹ, anh, em, vợ, chồng mà còn thêm nhiều đối tượng khác. Quy định càng cụ thể thì nhân dân giám sát càng tốt…

Xây dựng cơ chế để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội hiện nay cũng là vấn đề lớn còn nhiều việc phải làm. Từ Đại hội X, Đảng ta đã khẳng định: "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội…". Hiện nay, chỉ riêng trong năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam ba cấp (tỉnh, huyện, xã) chủ trì gần 6 vạn cuộc giám sát tập trung vào những vấn đề thiết thân đến đời sống, việc làm của người dân nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Chỉ nhìn vào thực trạng bức xúc từ không ít dự án, công trình đầu tư dàn trải, lãng phí, trong đó có hàng loạt đại dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng đã cho chúng ta thấy những bài học đắt giá: Nếu như có một cơ chế giám sát phản biện hiệu quả, phát huy được tiếng nói của người dân, của các nhà khoa học thì nhiều công trình, dự án ấy đã bị ngăn chặn, không thể trở thành những "lò thiêu ngân sách”.

Báo chí - kênh thông tin và thanh bảo kiếm

Đúng như Bác Hồ từng nói: "Ngòi bút là vũ khí, bài báo là tờ hịch cách mạng”, thời gian vừa qua, báo chí thật sự là người lính xung kích đi đầu chiến đấu với nạn chạy chức, chạy quyền, con ông cháu cha, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cuối năm 2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra kết luận và đề nghị cảnh cáo cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về công tác nhân sự. Đọc bản kết luận cho thấy, hàng loạt những bê bối về công tác tổ chức cán bộ liên quan đến vị cựu bộ trưởng này được báo chí phản ánh trong một thời gian dài là hoàn toàn chính xác: Từ việc chạy chức, chạy quyền và tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh tới việc ông Hoàng bổ nhiệm con trai mình sai quy định và hàng loạt cán bộ khác từng là thân hữu, trong đó có cả người vi phạm bị kỷ luật vẫn điều động và bổ nhiệm…

Từ năm 2017 đến nay, đã có hàng loạt những nhà báo lao vào "điểm nóng” để tìm ra hàng loạt vụ việc bê bối công tác nhân sự khác, như: Vụ bổ nhiệm thần tốc con các lãnh đạo tỉnh ở Quảng Nam, Hậu Giang, Quảng Bình, Gia Lai; các vụ bổ nhiệm tai tiếng ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Cần Thơ… Thông tin báo chí phản ánh không chỉ cung cấp thêm "củi” cho cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà còn là dữ liệu cần thiết để Đảng ta sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách công tác cán bộ. Với lỗ hổng bổ nhiệm trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, đã có nhiều gợi mở để Đảng ta siết chặt hơn nữa trong quản lý cán bộ Trung ương luân chuyển, triển khai quy trình "5 bước” trong công tác cán bộ thay cho quy trình "3 bước” trước kia. Khi xây dựng dự thảo đề án trình Hội nghị Trung ương 7, báo chí truyền thông được đặt ở vị trí hết sức quan trọng để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Trong đó, giải báo chí thường niên toàn quốc về xây dựng Đảng mang tên "Búa liềm vàng” và giải toàn quốc "Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí" có vai trò quan trọng góp phần phát hiện và đấu tranh với vấn nạn này.

Tuy nhiên, những nhà báo đấu tranh với tham nhũng, chạy chức, chạy quyền vẫn phải đối diện với không ít gian nan, thách thức. Báo chí cần được hỗ trợ cung cấp thông tin, có cơ chế tác nghiệp thuận lợi và được bảo vệ, có chỗ dựa vững chắc trong cuộc chiến này. Đây cũng là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: Tính công khai chính là "thanh bảo kiếm" để chữa lành những vết thương. 

Công tác thông tin tuyên truyền có vai trò rất quan trọng, đóng góp rất lớn vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; cần tăng cường cung cấp thông tin cho báo chí, phát huy vai trò giám sát của báo chí. Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi: Khi báo chí lên tiếng, những đơn vị, như: Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương quan tâm xử lý sẽ có kết quả tốt hơn… Việc Tổng Bí thư chỉ đạo kịp thời vụ việc Trịnh Xuân Thanh ngay từ khi báo chí mới phản ánh dấu hiệu tiêu cực từ chiếc xe Lexus sai tiêu chuẩn là một minh chứng cụ thể.

Nối dài "tai mắt” bằng công nghệ hiện đại

Cách đây 4 năm, tỉnh Quảng Trị triển khai Dự án "người dân chấm điểm cán bộ” ở 9 văn phòng một cửa cấp huyện. Sau 3 năm tổng kết cách làm này, có hàng vạn lượt người dân và doanh nghiệp tham gia chấm điểm bộ máy công quyền. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc dân chấm điểm cán bộ mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp Đảng có thêm kênh rất tốt để nắm bắt đánh giá của nhân dân đối với cán bộ, công chức và qua đó cũng thấy vẫn còn không ít cán bộ vô cảm tồn tại trong bộ máy.

Không riêng Quảng Trị, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai… là các địa phương cũng áp dụng cách làm này. Tại TP Biên Hòa, công chức nào bị nhiều người dân bấm nút không hài lòng sẽ phải giải trình với tổ chức, thậm chí bị luân chuyển. Tại Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cũng đã áp dụng công nghệ "chấm điểm”. Qua cổng thông tin tiếp nhận phản ảnh của người dân đến Chính phủ, người dân có quyền chấm điểm cán bộ để thể hiện sự hài lòng của mình. Cán bộ hành xử thiếu chuẩn mực, dân có thể chấm điểm 0, công khai trên mạng và nếu có nhiều đánh giá xấu sẽ bị xem xét, xử lý.

Có thể nói đó là những cách làm hay và sáng tạo để tăng cường sự giám sát, kiểm soát của nhân dân đối với bộ máy công quyền. Nhưng cũng cần phải cảnh giác một thực tế về hội chứng chạy theo phong trào, dẫn đến nhiều nơi thi nhau lập đường dây nóng nhưng được một thời gian rồi để đóng băng, mở trang web cổng thông tin điện tử nhưng dân phản hồi thì không tiếp nhận, xử lý. Điều quan trọng nhất vẫn là nhân tố con người, là ý thức tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân…
 
(Theo QĐND)

Các tin khác

YBĐT - Chuẩn bị kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, sáng 7/5, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại biểu Nguyễn Thị Vân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Yên đã tiếp xúc cử tri các xã Đại Minh, Vĩnh Kiên và thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình.

Phiên khai mạc diễn ra sáng nay (7/5)

Sáng 7/5, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Cán bộ và công tác cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành, bại của cách mạng.

Muốn kiểm soát được quyền lực của cán bộ, tránh việc lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền hạn để làm điều sai trái thì phải có cơ chế kiểm soát và công cụ kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục