Chống “chạy” để cán bộ không “ngã”
- Cập nhật: Thứ ba, 15/5/2018 | 3:08:50 PM
Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII với 3 trọng tâm lớn, trong đó có đề án "Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật của Đảng ta, bằng "vũ khí của sự phê phán” mạnh mẽ, tấn công thẳng vào nạn chạy chức, chạy quyền, kẻ đồng hành với nguy cơ "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa”.
Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
|
Chấn chỉnh mạnh mẽ khâu "then chốt của then chốt”
Đề án trình Hội nghị Trung ương 7 đã thẳng thắn chỉ rõ: "Công tác cán bộ chậm đổi mới, chưa tương xứng với đổi mới kinh tế, chưa gắn chặt với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành của hệ thống chính trị. Công tác cán bộ còn bị động, chắp vá, lúng túng, tư duy nhiệm kỳ, chưa đồng bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành giữa các khâu trong công tác cán bộ; tình trạng "đúng quy trình" nhưng không đúng người, đúng việc. Số lượng cán bộ đông nhưng cơ cấu chưa hợp lý, chất lượng không đồng đều, chưa ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm nhanh, "thần tốc"... diễn ra ở nhiều nơi".
Có thể nói, đó là một đánh giá hết sức thẳng thắn, nghiêm túc của Đảng ta. Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, có lẽ đây là dịp Đảng ta có nhìn nhận, đánh giá và đề ra những giải pháp tổng thể nhất về công tác cán bộ, vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn đó là "cái gốc của công việc”. Trong một số phát biểu gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá: Công tác cán bộ "là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, then chốt của then chốt”.
Đúng như V.I.Lê-nin từng cảnh báo: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta”. Nhiều đảng cộng sản trên thế giới đã từng đánh mất vị trí cầm quyền vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nạn chạy chức, chạy quyền làm tha hóa quyền lực, suy thoái, hư hỏng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, khi phát hiện và thấy tính chất nghiêm trọng của tình hình song quyết tâm chính trị không cao hoặc bệnh đã quá nặng, nước xa không cứu được lửa gần.
Đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc đặt ra đối với chúng ta và lần này, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, đúng như Bác Hồ từng căn dặn: "Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”.
Chạy có thể dẫn đến "ngã’’ và "đổ”
Từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, Đảng ta đã "điểm mặt chỉ tên” những biểu hiện yếu kém liên quan đến công tác cán bộ. Trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị hiện nay thì có hai biểu hiện liên quan đến công tác cán bộ; trong 9 biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống, thì có một biểu hiện hết sức nguy hiểm, đó là tình trạng: "Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Hội nghị Trung ương 7 không phải là lần đầu tiên Đảng ta cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Ngay từ năm 1999, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại "chạy”. Đó là chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Nhà báo Hữu Thọ sau đó từng viết hẳn một cuốn sách dài nhiều tập, xuất bản trong nhiều năm mang tiêu đề "Chạy” để phân tích các loại "chạy” và theo ông đúc kết, "chạy” sẽ tạo ra "người giả”- nơi hội tụ của tất cả bằng giả, kiến thức giả, khen thưởng giả, thành tích giả, đạo đức giả...
Trở lại với vụ án Trịnh Xuân Thanh mà chúng tôi nhiều lần nhắc đến. Từ sự ham hố quyền lực, chạy chức, chạy quyền để có vị trí cao và sa vào tham ô, trục lợi, Trịnh Xuân Thanh ngày càng lún sâu vào vũng bùn sa ngã. Từ một tội phạm kinh tế, Trịnh Xuân Thanh dần dần phản bội cả lý tưởng và đất nước khi bỏ trốn ra nước ngoài, để các thông tin và tài liệu biện minh cho tội lỗi bị các thế lực thù địch ở hải ngoại lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Chạy chức, chạy quyền, tha hóa quyền lực không chỉ làm cán bộ "ngã mà không biết” như lời cảnh báo của Bác Hồ từ năm 1954 mà còn có thể ảnh hưởng đến sự sống còn của chế độ. Bởi những cán bộ không đủ đức-tài được ngồi vào vị trí quyền lực nhiều khi không khác gì con cọp được trang bị thêm lưỡi gươm, họ càng trở nên tự cao tự đại, ăn trên ngồi trốc, trở thành những ông quan cách mạng. Đáng buồn thay khi nhiều năm qua, có lúc người dân hay dùng từ "quan chức”, "quan khách” để gọi và giới thiệu cán bộ trong hội nghị. Từ "cán bộ” lại hay được dùng cho những giám thị trong… trại giam.
Kiểm soát quyền lực-đòi hỏi sự hy sinh
Tại Hội nghị Trung ương 7, Đảng ta nhận diện rõ hơn nạn chạy chức, chạy quyền, thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đề ra nhiều giải pháp chặt chẽ hơn để kiểm soát quyền lực. Đề án trình Trung ương đã đề ra năm điểm đột phá, gồm: Một là, đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng: xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương.
Hai là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền.
Ba là, thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Bốn là, cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm. Năm là, hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Cho nên, trong công tác nhân sự tới đây, với tinh thần cán bộ là công bộc của dân, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thực sự thấm tinh thần vì nhân dân phục vụ, không ham hố, kèn cựa địa vị. Tinh thần đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ những gì tổ chức cần phải được tái khẳng định trong giai đoạn mới. Chúng ta nên nhớ đến một sự kiện lịch sử sau năm 1945, đã có nhiều lãnh đạo Đảng, lãnh đạo Mặt trận Việt Minh lúc đó tự rút lui khỏi danh sách Chính phủ lâm thời để nhường chỗ cho những nhà trí thức, nhân sĩ tham gia vì nhiệm vụ Đảng giao như các đồng chí: Trường Chinh (Tổng Bí thư), Nguyễn Lương Bằng (lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh), Nguyễn Chí Thanh...
Nếu coi công tác cán bộ là gốc của công việc thì để chống chạy chức, chạy quyền cũng rất cần phải chỉnh đốn, phát huy vai trò trước tiên của những cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ, vì đó là "gốc của gốc”, trực tiếp tham mưu cho Đảng.
Các tin khác
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, việc chấp hành kỷ luật thu chưa được tốt; kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản, tình trạng chi sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị…
YBĐT - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố Yên Bái khóa 16, nhiệm kỳ 2014 – 2019 vừa tổ chức kỳ họp thứ 10 đánh giá kết quả công tác 4 tháng đầu năm, triển khai chương trình phối hợp thống nhất hành động 8 tháng cuối năm 2018; hiệp thương chọn cử chức danh Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố thực hiện chương trình thí điểm chức danh Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ.
Ngay sau khi Hội nghị Trung ương (HNTƯ) 7, khóa XII bế mạc tại Hà Nội, đông đảo cán bộ, đảng viên, lão thành cách mạng, cựu chiến binh và người dân bày tỏ phấn khởi và niềm tin tưởng trước thành công của hội nghị.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…