Cùng đi với đoàn, về phía tỉnh Sơn La có đồng chí Nguyễn Hữu Đông - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và lãnh đạo huyện Mai Sơn.
Đoàn đã tới thăm các mô hình trồng bưởi tại bản Nà Cang, xã Hát Lót và gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại xã Hát Lót; trồng na tại Hợp tác xã (HTX) Mê Lếch, xã Cò Nòi; trồng thanh long của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó. Các mô hình này đều thực hiện theo chủ trương tạo bước đột phá trong phát triển cây ăn quả và tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa của huyện Mai Sơn.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái thăm mô hình trồng bưởi tại bản Nà Cang, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La.
Mô hình trồng bưởi da xanh tại bản Nà Cang, xã Hát Lót rộng gần 2ha cho thu nhập từ 400 – 500 triệu đồng/ha/năm. Xã Hát Lót phát triển trồng cây ăn quả mạnh nhất từ 6 năm trước, hiện đã có 1.200 ha bưởi, nhãn, xoài… Cây ăn quả đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái xem sản phẩm bưởi da xanh tại gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Tại HTX Mê Lếch, xã Cò Nòi, đoàn đã tới thăm mô hình của gia đình anh Nguyễn Hữu Tứ với 4000m2 trồng giống na địa phương, na Hoàng Hậu có tuổi đời từ 10 – 20 năm, đạt tiêu chuẩn VietGAP và cho thu nhập bình quân hàng năm trên 500 triệu đồng.
Hiện nay, HTX Mê Lếch có 10 hộ thành viên với 15 ha trồng na, sản lượng đạt 700 tấn/năm. Từ tháng 8/2018, huyện Mai Sơn đã công bố thương hiệu sản phẩm "Na Mai Sơn” và hiện đang xúc tiến đưa sản phẩm xuất sang các nước khu vực Trung Á.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy Mai Sơn trao đổi kinh nghiệm với đoàn công tác.
Mô hình trồng cây thanh long của HTX Ngọc Hoàng, xã Nà Bó có 52 thành viên, có 70 ha cây thanh long, trong đó 30 ha đang cho thu hoạch; 1 ha trồng thanh long cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Được biết, huyện Mai Sơn hiện có gần 4.000 ha cây ăn quả, sản lượng 18.000 tấn/năm. Huyện đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích phát triển các HTX. Toàn huyện có 90 HTX nông nghiệp, trong đó có 60 HTX trồng cây ăn quả. Các sản phẩm hầu hết đã được bảo hộ thương hiệu, được dán nhãn mác truy xuất nguồn gốc. Hiện đã có 4 sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài gồm: xoài, nhãn, thanh long, na.
Đoàn công tác tham quan mô hình trồng cây thanh long tại xã Nà Bó, huyện Mai Sơn.
Tham quan các mô hình trồng cây ăn quả tiêu biểu tại huyện Mai Sơn, đồng chí Đỗ Đức Duy – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đánh giá: huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã có bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trong lĩnh vực trồng cây ăn quả. Huyện đã tận dụng tốt thế mạnh về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và thời tiết để phát triển cây ăn quả thành các vùng chuyên canh rõ rệt; áp dụng nhiều chính sách, phương thức hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển cây ăn quả, tạo ra những sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn được trồng theo phương thức hữu cơ. Cùng với đó, huyện đã tích cực hỗ trợ các hộ sản xuất mở rộng diện tích cây trồng; hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao tặng bức tranh lưu niệm cho huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp tại huyện Mai Sơn nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung sẽ là những bài học quý để Yên Bái thêm phần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển và thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả nhằm phát triển nông nghiệp địa phương.
Hoài Văn