Kỷ niệm 89 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái được tổ chức với nhiều hoạt động nhằm tôn vinh chí khí và tinh thần yêu nước của Nguyễn Thái Học và những người đồng chí của ông thì con cháu dòng họ Nguyễn Khắc cũng thắp nén hương trầm tưởng nhớ ngày mất của cụ Nguyễn Khắc Nhu, người phó tướng quả cảm của cuộc khởi nghĩa "Không thành công cũng thành nhân” ấy.
Là người đã nhiều lần được dự đám giỗ cụ Xứ Nhu, qua câu chuyện con cháu cụ kể lại, tôi được biết, nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu có 6 người con gồm: Nguyễn Khắc Nhuận, Nguyễn Khắc Trạch, Nguyễn Khắc Đạm, Nguyễn Thị Thúc, Nguyễn Khắc Mạc và Nguyễn Thị Thược.
Cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị dìm trong biển máu. Hai người con đầu của cụ Xứ Nhu đã lớn bị Pháp truy lùng. Những người con còn lại lớn lên và theo cách mạng.
Đặc biệt, người con Nguyễn Khắc Đạm và Nguyễn Khắc Mạc được tuyển chọn đi học tại Trường Thiếu sinh quân Trung ương tại Thái Nguyên, sau đó trường này chuyển sang Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) trở thành những sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Nguyễn Khắc Đạm được giữ lại trường làm giảng viên).
Riêng người con Nguyễn Khắc Trạch (1910 - 1946) có tài cao, học rộng, thông thạo ba ngoại ngữ gồm: Pháp, Anh, Trung. Sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, Nguyễn Khắc Trạch từ Trung Quốc về nước, nhà cầm quyền thực dân nhiều lần mời ông tham gia bộ máy cai trị, hứa sẽ thăng quan, tiến chức và cho nhiều bổng lộc nhưng ông đều từ chối, tập trung viết sách, viết báo, sau này là chủ một tờ báo bằng tiếng Pháp ở Hải Phòng.
Do viết và cho đăng tải nhiều bài báo tố cáo chế độ thực dân, cổ vũ tinh thần yêu nước nên Nguyễn Khắc Trạch bị bắt nhiều lần và tờ báo do ông làm chủ bút bị đình bản. Năm 1938, vợ ông Nguyễn Khắc Trạch sinh hạ người con thứ 2 là Nguyễn Thị Lệ rồi đột ngột qua đời.
Nguyễn Khắc Trạch lấy người vợ thứ 2 là Nguyễn Thị Hợp, sinh thêm 2 người con, sống ở Ô Cầu Dền, Hà Nội. Được giác ngộ cách mạng, Nguyễn Khắc Trạch đưa vợ và 3 người con nhỏ lên làng Phú Mỹ, phủ Trấn Yên (nay là thôn Hồng Thái, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên) sinh sống, đưa người con trai đầu là Nguyễn Điền Hải tới nhà người em là Nguyễn Khắc Đạm nhờ nuôi dạy (sau này Nguyễn Điền Hải cũng được cử đi học tại Khu học xá Nam Ninh rồi về Bắc Giang liên lạc với Việt Minh).
Lo sợ một trí thức Tây học, một người mang truyền thống yêu nước bất khuất... tham gia cách mạng sẽ rất bất lợi, mật thám Pháp truy lùng Nguyễn Khắc Trạch rất gắt gao. Trong một lần từ Song Khê (nay thuộc thành phố Bắc Giang, quê hương của cụ Nguyễn Khắc Nhu) lên núi rừng Yên Thế, ông bị mật thám sát hại rồi ném xác xuống sông Thương.
Sau khi sát hại Nguyễn Khắc Trạch, thực dân Pháp còn thâm độc tung tin Việt Minh đã thủ tiêu mầm mống Việt Nam Quốc dân Đảng nhằm gây mâu thuẫn với giới trí thức đương thời và tầng lớp tư sản.
Mặc dù vậy, anh em, con cháu dòng học Nguyễn Khắc, người dân Song Khê cũng như những người Việt Nam Quốc dân Đảng chân chính không bao giờ tin bởi truyền thống yêu nước của Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Khắc Trạch đã đi vào máu. Cách mạng luôn tin tưởng và trân trọng những người có chí khí yêu nước, tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Lê Phiên