Dư chấn 30/4 rung động địa cầu
Đó là nhận xét của hãng tin Pháp AFP đưa ra ngày 1/5/1975 nói về chiến thắng 30/4 của quân đội cách mạng Việt Nam. Năm 2010, kỷ niệm 35 năm sự kiện nói trên, AFP và nhiều hãng tin khác đã tham gia cuộc triển lãm ảnh mang tên "Vietnam, 35 years later" (Việt Nam, 35 năm sau) tổ chức tại Boston (Mỹ). Triển lãm trưng bày những bức ảnh độc đáo về cuộc chiến này.
Theo AFP, không còn nghi ngờ gì nữa, sự kiện 30/4 có ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực và thế giới. Đây là những khoảnh khắc trung thực của chiến tranh, cảnh tỉnh nhân loại hãy làm hết sức mình để không bao giờ xảy ra một cuộc chiến tương tự.
Alain Rusco, nhà sử học người Pháp, chuyên gia nghiên cứu Đông Dương cho rằng, sự kiện 30/4 đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù. Nó có ý nghĩa trọng đại không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn cả với cộng đồng thế giới.
Để có được chiến thắng này, hàng triệu người dân Việt Nam đã phải ngã xuống trong nhiều thập kỷ cam go, quyết liệt. Gần như gia đình Việt Nam nào cũng có đóng góp và mất mát cho cuộc chiến vệ quốc vĩ đại và hào hùng này...
Với tựa đề "The Fall of Saigon" (Sài Gòn sụp đổ), tờ NewYork Times (Mỹ) ngày 1/5/1975 chạy tít lớn trên trang nhất kèm theo hàng loạt tin, ảnh nói về sụp đổ của chính quyền Sài Gòn và chiến thắng của các lực lượng cách mạng.
Bằng chứng về sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam
Tờ Pasason - tiếng nói của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có bài viết tựa đề "Truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam”, ca ngợi sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và tôn vinh tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Theo bài viết, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên những câu chuyện thần kỳ tưởng chừng không thể giữa thế kỷ XX, tạo ra ba mốc son chói lọi: Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến thần thánh, một chống thực dân cũ, một thực dân mới, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" tháng 5/1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975 vĩ đại.
Người dân đổ ra đường ăn mừng Sài Gòn được giải phóng, đất nước thống nhất ngày 30/4/1975.
Lực lượng giải phóng tiến vào Sài Gòn mang theo cờ và ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 30/4/1975.
Tờ Nước Mỹ ngày nay (USA Today) có bài viết nói về Việt Nam đã nhấn mạnh cuộc sống của người dân Sài Gòn, nay là thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tờ báo, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, người Việt Nam không còn coi Mỹ là kẻ thù, kinh tế đang từng bước tăng trưởng, TP Hồ Chí Minh thực sự là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
"Thành phố Hồ Chí Minh chú trọng nhiều hơn đến kinh tế, người dân cảm thấy tự hào về đất nước, về những gì đã đạt được, mọi người thấu hiểu cái giá của tự do độc lập" - bài báo nhấn mạnh.
Đà Nẵng từ vùng chiến sự ác liệt trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Đó là bài viết đăng trên tạp chí du lịch Cntraveler.com của Mỹ và tờ Guardian (Anh) nói về tiềm năng du lịch của các tỉnh miền Nam Việt Nam, nơi chiến tranh diễn ra ác liệt cách đây hơn 4 thập kỷ. Bài viết kèm theo những bức ảnh sinh động đề cập tiềm năng du lịch tuyệt vời của thành phố miền trung - Đà Nẵng.
Parker, cựu binh Hải quân Mỹ từng là người có tư tưởng "cực đoan" với Việt Nam đã trút bỏ được những dồn ứ trong lòng chỉ sau một lần đi du lịch Đông Nam Á và đến Đà Nẵng. Khi ngồi trên đèo Hải Vân, nơi Parker từng bị thương nhưng đột nhiên ông thấy lòng thanh thản, kỷ niệm đau buồn về chiến tranh tự dưng tan biến.
Bài báo viết, ngày nay, hầu như những nơi chiến sự ác liệt ở miền Nam Việt Nam không còn lại vết tích của các khu căn cứ quân sự của Mỹ, thay vào đó là sân bay quốc tế, khu công nghiệp. Sân bay Đà Nẵng hằng ngày tấp nập du khách.
Từ đây du khách có thể toả đi thăm nhiều nơi ở miền Trung và các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận tại cố đô Huế". Theo tác giả Kate Liesener, bằng công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng đã phát triển mạnh mẽ.
B.T