Có mặt trên địa bàn xã Yên Hợp (Văn Yên) vào một ngày đầu thu, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là sự thay đổi rõ nét của xã nông thôn mới với hệ thống đường giao thông nối các thôn, làng, ngõ, xóm đều được bê tông hóa sạch sẽ, giúp người dân đi lại thuận tiện; trường học, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, sạch đẹp, phục vụ thiết thực cho việc học tập, sinh hoạt của các em học sinh và nhân dân trên địa bàn. Hiện tại, số hộ nghèo của xã Yên Hợp chỉ còn 10,9%; thu nhập bình quân đầu người dự ước năm 2019 đạt 30 triệu đồng. Xã đã hình thành được vùng chuyên canh phát triển cây lúa và cây ngắn ngày; vùng phát triển cây chè, cây lâm nghiệp…
Để có được những kết quả này, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của các hộ dân còn có sự đóng góp không nhỏ của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) xã Đặng Văn Cường. Sinh năm 1984, đảm nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã từ năm 2015, với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong công việc, anh Cường thường xuyên xuống cơ sở để nắm bắt tình hình nhân dân; vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thâm canh, tăng vụ, tham gia các tổ hợp tác: trồng dâu, nuôi tằm, nuôi thỏ, nuôi cá, thực hiện các mô hình điểm khu dân cư, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy, mô hình "cổng, nhà, sân, vườn, đường làng, ngõ xóm "sáng - xanh - sạch - đẹp”, duy trì 6 tổ hòa giải, 45 tổ an ninh nhân dân...
Giai đoạn 2017 - 2019, hưởng ứng phong trào "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, anh Cường và các cán bộ Mặt trận cơ sở đã phối hợp với các tổ chức thành viên vận động nhân dân đóng góp ngày công, tiền mặt, xây dựng trên 11 km đường giao thông nông thôn; hiến trên 1.000 m2 đất và tài sản trên đất, trị giá trên 3 tỷ đồng; xây dựng 2 nhà văn hóa thôn trị giá trên 250 triệu đồng… Đến nay, 100% khu dân cư trên địa bàn xã Yên Hợp đều đạt khu dân cư văn hóa, 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Gắn bó với công tác Mặt trận đã nhiều năm, hiện đang là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải), cũng như anh Cường, ông Hờ A Thái hiểu rõ hơn ai hết vai trò của MTTQ trong việc tập hợp, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vào cuộc sống…
Nhiều năm qua, cùng với chủ động nắm tình hình nhân dân, ông Thái còn chỉ đạo triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào, cuộc vận động tới người dân. Ông Thái tâm sự: "Tôi sinh ra, lớn lên và làm việc trên chính mảnh đất quê hương nên cuộc sống, tập quán sinh hoạt của đồng bào thế nào tôi hiểu rất rõ. Cuộc sống người Mông ở vùng cao nói chung còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều nên muốn triển khai việc gì cũng cần phải thật sự khéo léo, phải thấu tình đạt lý thì bà con mới nghe theo”.
Không ngại khó, ngại khổ, lại hiểu rõ phong tục, tập quán, sinh hoạt của đồng bào Mông, bằng phương pháp vận động "mưa dầm thấm lâu”, cùng với các cán bộ Mặt trận cơ sở, ông Thái gần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Bà con trong xã đã tích cực, chủ động hơn trong việc dọn dẹp, vệ sinh nhà ở; không nuôi nhốt gia súc, gia cầm gần nhà; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh....
Cuộc sống mặc dù còn nhiều khó khăn song đồng bào Mông xã Hồ Bốn vẫn sẵn sàng đóng góp tiền, ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn. Đến nay, toàn xã Hồ Bốn đã bê tông hóa được 5,5 km đường giao thông nông thôn, trong đó: Bản Trống Là bê tông hóa được 1,6 km, Bản Háng Á bê tông hóa 2,5 km, Bản Trống Trở bê tông hóa được 700 m, bản Háng Đề Chu làm được 1 km....
Đến nay, 4/5 bản của xã đã có điện lưới vào tận các hộ gia đình phục vụ sinh hoạt; tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 95%; an ninh, trật tự tại các bản được giữ vững; các thôn, bản đều có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Từ những kết quả trên, có thể khẳng định đây chính là kết tinh của tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Hồ Bốn, trong đó Ủy ban MTTQ xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết các lực lượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
Cùng với anh Cường, ông Thái, bà Hà Thị Sâm trước đây là Bí thư Chi bộ khu dân cư Trung Tâm, phường Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), nay là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận tổ dân phố 4 cũng đã luôn bám sát cơ sở, thực hiện tốt công tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng phường Đồng Tâm đạt chuẩn đô thị văn minh, phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết của MTTQ, bà Sâm đã phối hợp với cán bộ các tổ chức đoàn thể thành lập được 2 tổ tự quản về an ninh trật tự và an toàn giao thông; đồng thời, vận động nhân nhân thường xuyên quyên góp ủng hộ để thăm hỏi, giúp đỡ các gia đình chính sách, tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi và tu sửa sân nhà văn hóa… với số tiền lên tới vài chục triệu đồng. Hiện tại, tổ dân phố 4 đang là điểm sáng trong thực hiện tốt vệ sinh môi trường và các quy định về trật tự đô thị, bảo đảm đường thông, hè thoáng, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 Trung ương 6 (khóa XII), sau khi sáp nhập tổ dân phố từ 7 xuống còn 2, nhiều vị trí cán bộ như chi hội trưởng các Hội: Cựu chiến binh, Chữ thập đỏ, Người cao tuổi… bị khuyết; đồng thời, khá khó khăn trong việc tìm người thay thế bổ nhiệm bởi nhiều nguyên nhân như: người có đủ sức khỏe, trình độ, hiểu biết thì chưa đủ nhiệt tình; người muốn làm lại không được gia đình ủng hộ hoặc bận nhiều công việc không thể tham gia; người có đủ mọi điều kiện lại chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân…
Đứng trước khó khăn trên, bà Hà Thị Sâm cũng đã trực tiếp tới gặp từng người đảm bảo đủ các tiêu chí để tuyên truyền, thuyết phục, vận động. Nhờ có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, bảo đảm hiệu quả, hợp lý, hài hòa nên đến nay, các chức danh, vị trí đều đã được kiện toàn.
Có thể khẳng định, trong vườn hoa "người tốt, việc tốt” - 180 chủ tịch ủy ban MTTQ các xã, phường, thị trấn và trên 1.360 trưởng ban công tác Mặt trận ở cơ sở trong tỉnh chính là những hiện thân sinh động của tinh thần sẵn sàng vì nhân dân phục vụ, vì cuộc sống tốt đẹp, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Họ xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hồng Oanh