Việt Nam và EU ký hiệp định FPA

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2019 | 9:15:37 AM

Hiệp định này mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ký Hiệp định FPA
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ký Hiệp định FPA

Nhân dịp dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam thăm Liên minh châu Âu (EU), ngày 17/10, tại Brussels (Bỉ), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (FPA).

Sau khoảng thời gian đàm phán tích cực và hoàn thiện các thủ tục nội bộ của cả hai bên, việc Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cùng bà Federica Mogherini (Phê-đê-ri-ca Mô-ghê-ri-ni), Phó Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, ký Hiệp định FPA đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và EU, góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA).

Hiệp định FPA này là hiệp định khung nhằm thiết lập quan hệ hợp tác, thể hiện cam kết chính trị, tạo cơ sở để ký các thỏa thuận triển khai hợp tác cụ thể ở những nội dung hai bên thống nhất. Hiệp định này mở đường để Việt Nam có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; trong đó nguyên tắc quan trọng nhất là toàn quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình. 

Trên cơ sở nguyên tắc đó, các nội dung được Bộ Quốc phòng Việt Nam lựa chọn để hợp tác với EU là: thiết lập đối thoại chính sách quốc phòng với Cơ quan Hành động đối ngoại EU, đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và khắc phục hậu quả chiến tranh.

Đối với EU, việc ký FPA, qua đó thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho Liên minh này trong việc tăng cường hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến thời điểm hiện tại EU đã ký FPA với nhiều quốc gia, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngoài Việt Nam là Hàn Quốc và Australia.

Ngay sau lễ ký FPA, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã hội kiến với bà Federica Mogherini. Hai bên bày tỏ vui mừng khi FPA được ký kết, khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác phòng song phương. Đại tướng Ngô Xuân Lịch và bà Federica Mogherini nhất trí sớm triển khai các lĩnh vực hợp tác mà Việt Nam lựa chọn tham gia trong khuôn khổ FPA.

Hai bên cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau, ủng hộ cấu trúc an ninh khu vực do ASEAN đóng vai trò trung tâm. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Bộ Quốc phòng Việt Nam ủng hộ mong muốn của EU về việc tham gia vào các cấu trúc quốc phòng an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Bà Federica Mogherini cho biết, EU tin tưởng, Việt Nam tiếp tục có những đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020.

Hai bên tăng cường hợp tác trong việc đối phó với các thách thức an ninh chung trong đó có an ninh phi truyền thống như tìm kiếm cứu nạn, chống cướp biển và cướp có vũ trang nhằm vào tàu thuyền, tội phạm có tổ chức và buôn lậu, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bà Federica Mogherini bày tỏ, EU và các quốc gia thành viên quan ngại về tình hình phức tạp ở Biển Đông gần đây, EU kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. EU ủng hộ việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) một cách minh bạch, đáp ứng lợi ích của các nước trong khu vực và các nước đối tác. 

* Trước đó, tối 16/10, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã có cuộc gặp với Chủ tịch Uỷ ban Quân sự EU, Đại tướng Claudio Graziano (Clô-đi-ô Gra-di-a-nô). 

Tại cuộc gặp, hai bên ghi nhận nỗ lực song phương trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và EU, cụ thể trong các lĩnh vực trao đổi đoàn quân sự cấp cao, đào tạo, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc… 

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực như trao đổi đoàn, thúc đẩy các cơ chế hợp tác, đào tạo. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị EU tiếp tục hỗ trợ Bộ Quốc phòng Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, nhất là đào tạo tiếng Anh và tiếng Pháp cho quân nhân Việt Nam. Về phía Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng đón các sỹ quan của EU và các quốc gia thành viên tham dự một số khoá học tiếng Việt và nghiên cứu chiến lược tại các học viện nhà trường quân đội. 

Cũng tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng đón các tàu mang sứ mệnh của EU và tàu của các quốc gia thành viên EU thăm thiện chí các cảng của Việt Nam trên cơ sở quy định của pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đề nghị Đại tướng Claudio Graziano trên  cương vị của mình tạo điều kiện để Việt Nam tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với các quốc gia thành viên EU nói riêng và EU nói chung. Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cũng hoan nghênh Chủ tịch Uỷ ban Quân sự EU sang thăm Việt Nam vào thời điểm thích hợp. 

Nhất trí với những ý kiến của Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Chủ tịch Uỷ ban Quân sự EU bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ là cầu nối để thúc đẩy quan hệ hợp tác, trong đó có hợp tác quốc phòng, giữa EU với ASEAN nói chung cũng như các thành viên ASEAN nói riêng.

(Theo dangcongsan.vn)

Các tin khác

Sáng 18/10, trước giờ diễn ra Đại hội chính thức, đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ III, năm 2019 đã đặt vòng hoa, dâng hương, kính viếng hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và dâng hương, báo công với Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chức năng bám sát kết luận về từng nội dung tại phiên họp để khẩn trương hoàn chỉnh các báo cáo, bảo đảm chất lượng.

Bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ cho hai mô hình phụ nữ khởi nghiệp làm du lịch cộng đồng của Hội Phụ nữ xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Năm 2019 là năm thứ hai Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện Quyết định 939 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 192 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh (KSKD).

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chương trình.

Tính đến ngày 17/10 đã có 877 tỷ đồng ủng hộ chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo 2019".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục