Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, mùa thu năm 1945, nhân dân cả nước đã vùng lên Tổng khởi nghĩa đánh đổ chính quyền phát xít, phong kiến tay sai. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ngày 6/1/1946, chỉ sau 5 tháng giành được độc lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của Cách mạng Tháng Tám, tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên trên khắp mọi miền của Tổ quốc, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã nô nức tham gia cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Cuộc tổng tuyển cử đã hoàn toàn thắng lợi, bất chấp sự phá hoại của bọn phản động ở phía Bắc và cuộc xâm lăng tàn bạo của thực dân Pháp ở phía Nam, có hơn 89% cử tri đi bỏ phiếu và bầu được 333 đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời.
Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước tự do, độc lập, tự quyết định vận mệnh của mình, tự lựa chọn và dựng xây chế độ cộng hòa dân chủ; nước ta không những đã trở thành một quốc gia độc lập mà còn có cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những công việc hệ trọng của đất nước.
Quốc hội khóa I, ngay sau khi ra đời, tại Kỳ họp thứ nhất (tháng 3/1946) đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Liên hiệp kháng chiến hợp hiến, hợp pháp do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu để điều hành đất nước và tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại. Tại Kỳ họp thứ hai, ngày 9/11/1946, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp năm 1946 - bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, một văn kiện chính trị - pháp lý mang tính nhân văn, dân chủ, tiến bộ, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khóa XVIII, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri huyện Mù Cang Chải tháng 9 năm 2019. Ảnh Mạnh Cường
Tiếp đó, cho đến năm 1960, Quốc hội đã cùng nhân dân cả nước thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc, từng bước cải cách dân chủ, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, miền Bắc được giải phóng đi lên chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đấu tranh giải phóng miền Nam.
Nối tiếp truyền thống Quốc hội khóa I, Quốc hội từ khóa II đến khóa V (giai đoạn 1960 - 1975), hoạt động trong thời kỳ nước ta thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam.
Quốc hội đã thể chế hóa đường lối của Đảng, quyết định những chính sách quan trọng góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đánh thắng đế quốc mạnh nhất thời đại, đỉnh cao là đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1976, với việc bầu cử Quốc hội khóa VI, nước ta có Quốc hội thống nhất thật sự. Quốc hội đã đẩy mạnh thực hiện các chức năng lập pháp, lập hiến, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, Quốc hội đã quy định Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất là Quốc hội khóa VI; quyết định đổi tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; quy định Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất là Hà Nội.
Đặc biệt, từ năm 1986, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, Quốc hội đã có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động; nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; chú trọng, chủ động hơn trong hoạt động giám sát, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh, mở rộng hoạt động đối ngoại.
Giai đoạn này, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và hàng trăm đạo luật, pháp lệnh, nghị quyết tạo lập nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng cho sự phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.
Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Hoạt động giám sát được tăng cường, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia... ngày càng được cải tiến, thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được đẩy mạnh, mở rộng trên cả bình diện song phương và đa phương, đưa ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu, góp phần làm cho nhân dân thế giới và bạn bè quốc tế hiểu biết rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Đặc biệt, nhiệm kỳ này đánh dấu một bước tiến vượt bậc của Quốc hội trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, lần đầu tiên phần mềm hỗ trợ hoạt động của ĐBQH trên các thiết bị thông minh đã được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng nổi trội. Bên cạnh đó, Quốc hội tiếp tục có những đổi mới trong cách thức tổ chức các kỳ họp.
Đồng chí Dương Văn Thống - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu khóa XIV giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai tại thị xã Nghĩa Lộ tháng 1/2019. Ảnh Đức Toàn
75 năm qua, Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã quán triệt vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, lãnh đạo nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị góp phần vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc bảo vệ vững chắc Tổ quốc làm nên những sự kiện to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.
Trong quá trình lãnh đạo mấy chục năm qua, Đảng bộ tỉnh, trực tiếp là Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, tổ chức thành công tất cả các cuộc bầu cử ĐBQH trên địa bàn. Nhân dân các dân tộc Yên Bái đã hăng hái hưởng ứng cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946.
Các kỳ bầu cử Quốc hội, cử tri Yên Bái đã lựa chọn bầu ra 80 lượt đại biểu ưu tú vào 14 khóa Quốc hội. Đáp ứng sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái không ngừng đổi mới, phát huy vai trò, tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội, góp phần tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống; đóng góp có trách nhiệm vào những vấn đề trọng đại của đất nước, tích cực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái luôn coi trọng hoạt động giám sát; nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri, tăng cường mối liên hệ giữa ĐBQH với cử tri và chú trọng công tác tiếp công dân và tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trải qua 75 năm hoạt động, đổi mới và phát triển, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái các khóa luôn quán triệt thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Tỉnh ủy, phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan hữu quan trong hoạt động của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của Quốc hội Việt Nam. Các ĐBQH trong Đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng phân công, nhân dân tín nhiệm giao, được Quốc hội đánh giá cao.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV chỉ còn hơn 6 tháng, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh Yên Bái khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của các khóa trước, tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình, hoạt động của Quốc hội, trước mắt là tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tham dự Kỳ họp thứ XI, tiến hành tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, chuyển kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết; phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026; tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam là dịp các thế hệ ĐBQH bày tỏ cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy các thời kỳ; cũng như sự tín nhiệm của các thế hệ cử tri và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là sự phối hợp của Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các thời kỳ đã phối hợp, giúp đỡ, tạo điều kiện để Đoàn ĐBQH các khóa và các ĐBQH hoàn thành nhiệm vụ theo Luật định.
Ôn lại truyền thống 75 năm vẻ vang của Quốc hội Việt Nam, chúng ta càng tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Bác Hồ kính yêu, về nhân dân đã làm nên những thắng lợi vĩ đại, những thành tựu to lớn của đất nước trong mấy chục năm qua. Nhờ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo đất nước mới có nền độc lập, tự do phát triển, nhân dân ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, chúng ta mới xây dựng được Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong đó có Quốc hội Việt Nam.
Đồng chí Dương Văn Thống - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XIV