Tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, huyện Trấn Yên đã hoàn thành 37/39 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt cao hơn kế hoạch giao như: thu ngân sách, giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp…
Để có được kết quả trên, huyện Trấn Yên đã tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được quán triệt, triển khai, học tập đầy đủ, sâu rộng tới toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm như xây dựng nông thôn mới (NTM).
Công tác quản lý, điều hành của chính quyền được phát huy tốt, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nhờ đó, các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của huyện đều đạt và vượt kế hoạch.
Sản xuất nông nghiệp dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời nên tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 27.241 tấn; diện tích trồng cây lương thực đạt trên 5.567 ha; tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt trên 1.417 tỷ đồng.
Huyện đã tập trung phát triển, mở rộng diện tích cây trồng có thế mạnh của huyện thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM đến năm 2020 đạt kết quả tích cực; thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; trồng dâu, nuôi tằm hỗ trợ chứng nhận sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn; thực hiện Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2021, định hướng đến năm 2030”, đến nay, huyện xây dựng được 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên.
Bên cạnh đó, phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, huyện Trấn Yên tập trung duy trì 20/20 xã đạt chuẩn NTM, chỉ đạo các xã xác định rõ lộ trình thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; huy động và lồng ghép các nguồn vốn, phát huy nội lực của người dân và điều kiện của địa phương để đầu tư cơ sơ hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận cao của nhân dân trong xây dựng NTM.
Nhờ đó, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt kết quả vượt bậc, hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM; trong năm, có 38/25 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, bằng 140% kế hoạch; hoàn thành 4/5 tiêu chí xã NTM nâng cao đối với các xã Đào Thịnh, Báo Đáp, Việt Thành, Nga Quán, Bảo Hưng; 2/4 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu đối với xã Đào Thịnh.
Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của huyện Trấn Yên cũng đạt được những kết quả khả quan dù gặp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Với việc triển khai các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển công nghiệp theo quy hoạch; kịp thời tháo gỡ khó khăn trợ giúp doanh nghiệp hoạt động, phát triển hiệu quả; hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển ổn định, tăng khá so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 (giá so sánh 2010) đạt 912 tỷ đồng, bằng 100,2% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ.
Để có nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, huyện Trấn Yên đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn kết hợp vốn đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế cộng đồng dân cư và người dân tham gia xây dựng NTM trên tinh thần tự nguyện, bàn bạc dân chủ.
Năm 2020, huyện đã huy động được 2.120 tỷ đồng tổng vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông, các công trình giáo dục, y tế, xây dựng NTM. Đặc biệt, kết thúc năm 2020, công trình cầu Cổ Phúc sau 1 năm triển khai xây dựng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần kết nối các xã phía hữu ngạn sông Hồng với trung tâm huyện, mở ra cơ hội lớn, tạo đà bứt phá đi lên đối với các xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bên phía hữu ngạn sông Hồng của huyện Trấn Yên như Minh Tiến, Quy Mông, Kiên Thành, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương mang tính kết nối liên vùng.
Trên tinh thần xác định, phát triển kinh tế phải đi liền với nâng cao chất lượng các mặt văn hóa, xã hội, năm qua, đời sống văn hóa - xã hội của nhân dân được đặc biệt quan tâm và không ngừng nâng cao.
Hiện nay, toàn huyện có 48/48 đơn vị trường học đạt chuẩn quốc gia. Năm qua, huyện đào tạo nghề cho 2.217 lao động, tạo việc làm mới cho 2.370 lao động, thực hiện chuyển dịch được 2.100 lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; khám bệnh cho 176.161 lượt người...
Đặc biệt, năm 2020, toàn huyện 682 hộ thoát nghèo, bằng 103% kế hoạch giao, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 2,03%.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2021, Đảng bộ huyện Trấn Yên phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung nâng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 1.400 tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 25.210 tấn; duy trì 100% số xã đạt chuẩn NTM, công nhận 4 xã đạt tiêu chí NTM nâng cao, 1 xã đạt tiêu chí NTM kiểu mẫu, 25 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 199,1 tỷ đồng…
Một mùa xuân nữa đã về mang theo bao niềm vui và ước nguyện trên quê hương Trấn Yên. Tin tưởng rằng, với khí thế và niềm hân hoan của mùa xuân mới, huyện Trấn Yên sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo.
Hùng Cường