Lợi dụng các trang mạng xã hội, các thế lực thù địch và những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị liên tục đăng tải những bài viết, hình ảnh nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước, chế độ chủ nghĩa xã hội, phủ nhận những thành tựu to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được. Chúng bịa đặt trắng trợn những câu chuyện để nói xấu, hạ thấp uy tín của các lãnh tụ. Phản bác lại những luận điệu sai trái của kẻ xấu là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là của những người làm báo chân chính.
Có thể nói, các thế lực phản động, thù địch luôn lợi dụng triệt để những mặt trái của xã hội, khai thác những lỗ hổng trong quản lý, điều hành như: những vụ tham nhũng, tiêu cực, những cán bộ thoái hóa, biến chất… để làm dẫn chứng nên dễ cuốn hút người đọc và dễ làm lung lay những người có ít thông tin, nhẹ dạ, cả tin…
Ngoài bịa đặt những câu chuyện một cách trắng trợn, chúng bịa luôn cả những phát ngôn, xác nhận của người có uy tín trong xã hội hoặc dùng xảo thuật cắt ghép hình ảnh, âm thanh… nhằm khẳng định với người đọc, người xem rằng tính "chân thật” mà bài viết của chúng đưa ra. Nguy hiểm hơn, chúng triệt để áp dụng chiến thuật lựa chọn đúng thời điểm, đúng đối tượng để tập trung tuyên truyền nhằm mang lại hiệu quả.
Ví dụ như: khi diễn ra các vụ tranh chấp trên biển Đông, lòng dân đang sôi sục, lập tức chúng đăng tải các bài viết nói rằng "Đảng, Chính phủ ta dâng biển đảo cho giặc Tàu”; tiếp đến, chúng ca ngợi quân đội Việt Nam Cộng hòa hy sinh để bảo vệ biển đảo…
Như vậy, mũi tên của kẻ xấu hướng đến các mục tiêu: nói xấu Đảng, Chính phủ ta; tạo được lòng tin với một bộ phận người dân yêu nước nhưng nhẹ dạ, cả tin, thiếu thông tin về biển đảo cũng như chủ trương, giải pháp đấu tranh của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền và cuối cùng là ngợi ca chế độ Việt Nam Cộng hòa - một chế độ mà thực chất chỉ là ngụy quân, ngụy quyền, bù nhìn, tay sai cho đế quốc.
Như chúng ta đã biết, ngoài tính chân thật, báo chí cách mạng còn mang tính Đảng, tính giai cấp, tính khai sáng và giải trí. Tờ báo, người làm báo chân chính nào cũng phải tôn trọng sự thật và nhất định phải thuộc về Đảng, Nhà nước và dân tộc Việt Nam.
Trên trận tuyến đấu tranh, phản bác lại những luận điệu sai trái, một trận tuyến gay go, quyết liệt, mỗi nhà báo phải nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nói lên sự thật, vạch mặt kẻ xấu, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, bảo vệ chế độ cũng như sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân… là công việc của chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”.
Đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch - chuyện chẳng dễ nhưng việc phải làm. Để làm được, đầu tiên, mỗi nhà báo cần nhận thức rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trước đề tài được coi là khô và khó này, khi nhiệm vụ chính trị được ta coi như bổn phận, như nghĩa vụ cao cả thì "lối mở” cho các đề tài tất yếu sẽ xuất hiện.
Để có những bài viết tốt trên lĩnh vực đấu tranh, phản bác lại các luận điệu của các thế lực thù địch, mỗi nhà báo phải không ngừng rèn luyện khả năng chuyên môn, lý luận chính trị, đọc và nghiên cứu các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phải đào sâu nghiên cứu những tài liệu có liên quan trước một vấn đề, từ đó củng cố tư liệu, sáng tạo tác phẩm giúp bạn đọc hiểu đúng vấn đề, nhìn rõ bộ mặt thật của kẻ xấu.
Nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí nói chung và tăng cường đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái nói riêng, mỗi cơ quan báo chí cần có những giải pháp cụ thể, mang tính đột phá như: khuyến khích các nhà báo tham gia sáng tạo tác phẩm, giúp các cây viết về lĩnh vực này có nguồn tư liệu chính thống; tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày… Có như thế, chúng thế sẽ có những đội ngũ cán bộ "báo chí bút sắc, lòng trong, tâm sáng”.
Lê Phiên