Sinh ra sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 30 năm, tôi mới chỉ biết đến Điện Biên, đến chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” qua những trang sách khi còn trên ghế nhà trường và sau này là qua những thước phim tài liệu, những tấm ảnh, những câu chuyện lịch sử quý báu.
Những hàng bia mộ mang hình Ngôi sao vàng 5 cánh trên nghĩa trang Độc lập.
Cũng như bao người con đất Việt, nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi luôn tự hào và cảm phục trước sự hy sinh của thế hệ cha anh đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do hôm nay. Được một lần tới Điện Biên, tới nơi đã diễn ra chiến thắng lịch sử ấy luôn là ao ước của tôi suốt bao năm tháng. Và tôi đã được thỏa nguyện mong ước ấy trong đúng dịp cả nước kỉ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Không khỏi bồi hồi, háo hức cho lần đầu gặp gỡ Điện Biên.
Chuẩn bị cho hành trang lên đường, tôi lục lại những kiến thức lịch sử đã được học, được đọc. Yên Bái là cửa ngõ vùng Tây Bắc, là mắt xích quan trọng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Tôi hiểu mình được bắt đầu hành trình đến với Điện Biên từ chính cửa ngõ lên Điện Biên là điều vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi qua các địa danh lịch sử gắn liền với Chiến dịch Điện Biên Phủ: đèo Lũng Lô, đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi - những trọng điểm quân Pháp đánh phá ác liệt, giờ thật yên bình.
Tháng ba, đường lên Điện Biên hoa ban nở trắng rừng, đâu đâu cũng một màu hoa ban, thỉnh thoảng trong bạt ngàn màu trắng tinh khiết ấy lại được điểm thêm màu đỏ rực của hoa gạo làm cho bức tranh núi rừng Tây Bắc vừa kì vĩ lại vừa thơ mộng.
Đoàn chúng tôi ai cũng trầm trồ trước rừng ban nối tiếp những rừng ban lưng núi trải suốt hàng trăm cây số đường đèo, không ai bảo ai cùng hát vang: "Bản em lưng chừng núi lưng chừng đèo/Từng bậc thang lên xuống như cung đàn ngân dài/ Một lần đi tuần tra anh tới/ Gặp em bên suối hát gì/ Mà rừng ban nở trắng xinh/ Cùng lặng nghe em hát/ Những yêu thương cuộc đời…”.
Qua những rừng ban trắng xinh bất tận, thành phố Điện Biên hiện ra trong màu vàng của nắng, màu xanh của cây rừng và màu trắng của hoa ban. Sao lại đẹp một cách lạ kỳ đến như vậy! Những con đường lớn và sạch sẽ cứ dẫn ta đi tới những con phố sầm uất đan xen trong những di tích lịch sử bởi toàn bộ Điện Biên Phủ ngày trước chính là chiến trường rộng lớn với bao máu xương của quân và dân Việt Nam đã đổ xuống, để cho hôm nay Điện Biên đã hồi sinh và phát triển. Và với những người già từng chứng kiến sự đổ nát bởi chiến tranh ở Điện Biên thì thay đổi trên mảnh đất lịch sử này thực sự là một phép màu.
Đúng vậy, thời gian đã làm lành vết thương chiến tranh nơi đây và những tự hào của người dân Việt Nam nói chung, người dân Điện Biên nói riêng về chiến thắng chấn động địa cầu năm xưa là động lực to lớn cho sự cố gắng vượt lên khó khăn xây dựng quê hương, đất nước của quân và dân Điện Biên.
"Đến Điện Biên muốn làm gì thì làm nhưng trước hết chúng ta nên đi chào những người con bất tử trong lòng Điện Biện đã nhé” - mệt mỏi sau một quãng đường dài dường như tan biến sau câu nói của những người bạn Điện Biên. Vừa đi, anh bạn người Điện Biên vừa giới thiệu: "Ở Điện Biên có 3 nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Nghĩa trang Độc Lập, Nghĩa trang A1 và Nghĩa trang Him Lam”.
Và nơi chúng tôi đến là Nghĩa trang Độc Lập. Bước qua phòng chờ vào bên trong nghĩa trang là chìm trong một không gian tĩnh mịch, trang nghiêm và cảm xúc của con người cũng đã hoàn toàn khác. Chao ôi, sự hy sinh này quá lớn! Trong không gian rộng khoảng 5ha này là nơi yên nghỉ của 2.432 liệt sĩ. Bỗng lòng tôi thắt lại, bước chân chùng xuống, thấy mình nhỏ bé trước không gian, trước hàng ngàn tấm bia mộ người chiến sĩ vô danh. Khóe mắt cay cay bởi hương trầm khói tỏa hay bởi điều gì khác, điều gì quá lớn lao.
Những ngôi mộ ở đây hầu hết không có tên nhưng các anh có một tên chung, đó là tên của đất nước - ngôi sao vàng 5 cánh trên nền màu đỏ. Các anh nằm đó, yên nghỉ dưới bầu trời xanh, dưới màu ban trắng bình yên không tiếng bom đạn, chứng kiến quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp. "Tôi đến thăm anh một sớm mùa xuân/ Không gian lặng im trên đài tỏa khói hương/ Tôi đến thăm anh hoa ban nở trên đồi/ Ngôi sao yên lặng trên tượng đài linh thiêng.../ Anh nằm đó trong tiếng ru quê hương” - khúc nhạc cất lên như nói hộ tiếng lòng của những người con về với Điện Biên hôm nay.
Người ta nói mỗi hạt cát trên mảnh đất Điện Biên hôm nay đều thẫm đẫm máu của những người con đất Việt. Có lẽ chính bởi thế mà cảm xúc đầu tiên gặp gỡ Điện Biên trong tôi là tự hào, cảm phục và biết ơn sâu sắc sự hy sinh anh dũng của cha anh cho dân tộc, cho đất nước.
"56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” của những chiến sỹ Điện Biên - tôi đã được học, được đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng tôi đã không thể tưởng tượng được đằng sau câu thơ khắc họa lịch sử ấy lại là sự hy sinh anh dũng phi thường đến nhường kia. Cảm xúc càng tự hào hơn khi đang được đứng ngay trên điểm giành giật quyết liệt trong trận địa Điện Biên Phủ - đồi A1.
Mỗi chứng tích lịch sử tôi được chứng kiến hôm nay đều thân thuộc vì đã được học, được xem qua ảnh nhưng chúng thật vĩ đại hơn những gì mình tưởng tượng. Từng điểm, từng điểm trọng yếu như lô cốt cây đa cụt, hầm chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm A1, những khu vực giành giật quyết liệt và xung quanh đồi những đường hầm chằng chịt kéo dài... là những minh chứng lịch sử sống mãi trong lòng người dân Việt Nam. Oa! Hố bọc phá ngàn cân vĩ đại trong lịch sử đây ư? Chao ôi! Thật lớn, ngoài sức tưởng tượng của mình với hình ảnh mà tôi đã được xem trên sách, trên báo.
Lịch sử đã ghi lại, A1 được ví như chìa khóa của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và 39 ngày đêm chiến đấu trên đồi A1 cả quân ta và Pháp đều dồn sức mạnh cho trận quyết định ấy. Và quả bộc phá 960kg đã được làm từ những quả bom, mìn chưa nổ, những băng đạn của quân Pháp để rớt trên cánh đồng Mường Thanh là đòn chí mạng đánh vào cứ điểm.
Hơn 2 nghìn cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh để quân ta làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1. Trước những chứng tích chiến tranh còn lại, có lẽ không chỉ tôi mà những người được sinh ra trong thời bình phần nào hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được sự độc lập, tự do hôm nay.
Đang miên man đuổi theo dòng cảm xúc, chợt anh bạn Điện Biên nói: "Đi theo đúng trình tự là chúng ta phải đến thăm Mường Phăng trước rồi mới tới đồi A1 để thấy 56 ngày đêm khoét núi, mở đường của ông cha ta mới phi thường nhường nào”. À! Mường Phăng - trung tâm chỉ huy của quân ta, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy Chiến dịch Điên Biên đây, nơi có rừng Đại tướng chở che cho những chiến sĩ Điện Biên, nơi có "em gái Mường Phăng” của Đại tướng - biểu tượng của tình quân dân thắm thiết hơn bao giờ hết.
Vượt quãng đường 35km, chúng tôi có mặt ở Mường Phăng. Sở Chỉ huy quân sự Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng dọc theo một con suối nhỏ chạy quanh dưới chân núi Pú Đồn, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau, có hầm hào, lán trại thuận tiện, vừa phù hợp với tốc độ làm việc, vừa bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.
Cô hướng dẫn viên giới thiệu: "Sở chỉ huy nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, được bà con gọi với cái tên thiêng liêng: Rừng Đại tướng. Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, trèo lên đỉnh đồi Pú Cá, có thể quan sát toàn bộ thành phố Điện Biên Phủ, thung lũng Mường Thanh và các cứ điểm trước kia của quân Pháp như đồi Him Lam, đồi Độc Lập, đồi D1, đồi C1, đồi A1, cầu Mường Thanh...”.
Thế mới thấy tầm nhìn chiến lược, khoa học của người chỉ huy Chiến dịch - Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi nơi chúng tôi đi qua, dường như vẫn còn in dấu chân của Đại tướng, của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Tôi cứ tưởng tượng nơi đây ngày trước nhộn nhịp và hừng hực khí thế chiến đấu. Bên trong hầm Đại tướng, mọi thứ quá đơn sơ. Bên ngoài thì nhà tre mái lá, vách nứa kể cả mái lều tranh của Đại tướng mà nơi đây ẩn chứa một trải tím vĩ đại.
Bước ra ngoài đường hầm, chợt thấy nơi ngực mình nghẹn lại một cảm giác quặn thắt trong lòng bởi những gì mắt thấy và con tim cảm nhận của một người được sinh ra, được hưởng thụ nền hòa bình và phát triển mà bản thân chưa định hình đã làm được gì cho quê hương.
Anh bạn người Điện Biên vỗ nhẹ lên vai tôi rồi chỉ hướng ra xa: "Từ đây quân ta đã khoét núi, đào hầm ra tới tận đồi A1 đấy”. Tận đồi A1? Tôi đã được đọc, được học rồi nhưng khi nhìn tận mắt, kiểm chứng những kiến thức đã được học, tôi không khỏi ngỡ ngàng.
Sức mạnh gì để các anh có thể làm được điều mà cả thế giới không thể tưởng tượng được? Đúng rồi, chỉ có một câu trả lời duy nhất: "Đó là lòng yêu nước, đó là khát khao được độc lập, tự do của những người con đất Việt”...
Tất cả những gì đã được học, được đọc, được nghe, được xem về Điện Biên, về Chiến dịch Điện Biên Phủ tôi đã được trải nghiệm qua những chứng tích chiến tranh, chưa có bài học nào in sâu đậm nhất trong tâm trí tôi bằng bài học lịch sử thực tế này.
Trở về sau chuyến đi thực tế những mỏi mệt tan biến, thay vào đó là những cung bậc cảm xúc của người lần đầu lên Điện Biên vẫn lưu mãi. Tôi cứ khắc ghi mãi hình ảnh những rừng ban trắng, những ngôi sao vàng năm cánh trên những hàng bia vô danh tại Nghĩa trang Độc Lập, hố bộc phá ngàn cân trên đồi A1, đường hầm xuyên núi cả ngàn mét... Một Điện Biên hoa lửa rực cháy cho "trận trắng này là trận cuối cùng”, một Điện Biên máu và hoa hôm nay đưa tôi đi trong miên man dưới trời ban trắng như không còn có thể trắng hơn.
Điện Biên, tháng 5/2014
Thanh Ba