"Báo thức toàn tàu, toàn tàu báo thức”, 5 giờ sáng mỗi ngày, tiếng báo thức trên tàu vang lên thì những "anh nuôi” trên tàu Trường Sa 571 đã vào việc của mình trước đó 2 tiếng. 3h sáng công việc của những "anh nuôi” bắt đầu. Theo thói quen, mỗi thành viên trong tổ hậu cần răm rắp thực hiện nhiệm vụ được bếp trưởng phân công. Thực đơn được lên từ hôm trước, sáng sớm hôm sau thực phẩm được lấy từ kho đông lạnh rồi rã đông. Mỗi người một việc, người nhặt rau, người thái thịt, người chuẩn bị bát, đũa, thìa cho đủ số lượng người ăn mỗi bữa. Bữa sáng, nếu thực đơn là mỳ tôm thịt hoặc bánh đa nấu thì các "anh nuôi” đỡ vất vả, còn nấu cơm sáng thì vất vả hơn. Trưa tối thì ngày nào cũng cơm canh đầy đủ.
Trong điều kiện thực phẩm có sẵn mang theo trên tàu, các "anh nuôi” phải tính toán sao cho thật hợp lý để tránh những món ăn trùng nhau trong ngày, thực phẩm không bị hỏng khi đã bỏ ra khỏi tủ đông. Công việc quản lý, vận hành kho bao giờ cũng khó nhất, nếu bảo quản không cẩn thận, thực phẩm sẽ hỏng, bếp trưởng Nguyễn Đăng Hưng cho biết: "Quá trình bảo quản thực phẩm trên tàu có nhiều khó khăn, nhưng nhờ tàu Trường Sa 571 có kho bảo quản tương đối tốt, rau xanh cũng được dự trữ tốt nên gần hết chuyến hành trình thân nhân và đoàn công tác vẫn được ăn rau xanh”.
Hôm nào có tý cải thiện, thì Trưởng tàu sẽ bố trí thêm một vài anh em ở các bộ phận khác đến hỗ trợ Tổ phục vụ. Dù chuyên môn không phải là nấu ăn, nhưng khi được giao nhiệm vụ các anh đều không ngại vất vả, phục vụ đúng, đủ các khẩu phần ăn, đảm bảo đủ dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Binh nhất Nguyễn Đức Mạnh – Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: Trước khi vào bộ đội em cũng không biết nấu ăn song được các đồng chí, đồng đội hướng dẫn em cũng dần biết là và giờ nấu ăn đã ngon hơn. Môi trường quân đội thật tuyệt vời khi đã giúp em được trưởng thành hơn về mọi mặt. Sau khi ra quân, với những kinh nghiệp học được trong quân đội, em dự định sẽ mở một quán ăn nhỏ để phục vụ mọi người”.
Việc nấu ăn trên tàu không đơn giản như trên đất liền, bởi trong điều kiện tàu lắc lư theo từng đợt sóng, khu vực sơ chế, chế biến chật chội. Thế nhưng trong suốt hải trình đi Trường Sa, các bữa sáng, trưa và tối đều được thay đổi thực đơn mỗi ngày, cách chế biến cũng đa dạng, phong phú, phù hợp với khẩu vị chung của mọi người. Tuy không được đào tạo về nấu ăn, nhưng các đầu bếp "tay ngang” này đều cố gắng để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được phân công, mang lại những bữa ăn ngon cho mọi người.
Phóng viên Trần Nguyên Phong - Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ: "Ăn ở trên tàu trong trạng thái lắc lư thế này cảm thấy vị thức ăn giảm bớt một chút. Nhưng mà được sự quan tâm chăm sóc của cán bộ, chiến sỹ bộ phận bếp thì bữa ăn luôn đảm bảo đủ chất, có cháo, có cơm, canh, anh em sẽ cố gắng để hoàn thành chuyến đi một cách tốt đẹp nhất”.
Bếp trưởng Nguyễn Đăng Hưng cho biết: Chúng tôi rất vinh dự được phục vụ các thủ trưởng cùng thành viên đoàn công tác trong chuyến đi thay, thu quân và chúc tết tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa dịp cuối năm. 3 giờ sáng, chúng tôi đã dậy để chuẩn bị bữa sáng. Sau bữa sáng, các thành viên trong tổ bắt tay ngay vào chuẩn bị bữa trưa, bảo đảm đến hơn 11 giờ là có cơm trưa chia cho bộ đội. Đến 2 giờ chiều thì chuẩn bị cơm chiều, đến 6 giờ tối là sẵn sàng vào bữa. Đối với những người bị say sóng, chúng tôi chuẩn bị cháo gà, cháo xương để phục vụ kịp thời. Dù trong điều kiện khó khăn, chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bảo đảm cho bộ đội và thành viên đoàn công tác những bữa cơm ngon nhất, đầy đủ dinh dưỡng”.
Để bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho mỗi hải trình của đoàn công tác, Tổ phục vụ phải xây dựng thực đơn ăn từng bữa cho cả đợt, không trùng lặp món ăn. Hàng ngày, để có được những bữa ăn đúng giờ, ngon miệng cho gần 300 người với gần 900 xuất ăn mỗi thì cường độ làm việc của các chiến sĩ trong Tổ phục vụ rất vất vả. Họ phải làm việc luôn chân, luôn tay, công việc cứ thế lặp lại trong không gian vừa chật hẹp của gian bếp chỉ chừng 20 m2, hơi nóng từ trong bếp và từ ngoài biển thổi vào khiến ai cũng cảm thấy nóng nực song vẫn rất vui vì mang đến những bữa ăn ngon cho các thành viên đoàn công tác.
Chứng kiến công việc vất vả và tinh thần trách nhiệm của anh em trong Tổ phục vụ trên tàu, nhiều thành viên trong đoàn công tác cũng tham gia công việc "bếp núc”. Cùng nhặt rau, rửa rau, rửa bát đĩa, chia thức ăn, dọn dẹp… sau các bữa ăn rồi cùng nhau trò chuyện, chia sẻ về công việc, tâm tư, tình cảm. Những công việc đơn giản ấy đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, thể hiện tình đoàn kết quân dân, động viên những người lính Hải quân đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Không chỉ trên tàu Trường Sa 571 mà ở trên các tàu khác trong chuyến hải trình đến với quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hình ảnh những người lính hậu cần luôn để lại những ấn tượng đẹp trong mỗi thành viên đoàn công tác. Những giọt mồ hôi lau vội hay nụ cười vô tư, hồn nhiên hay đôi mắt ánh lên niềm vui khi thấy các thành viên trong đoàn công tác ăn hết khẩu phần ăn của mình. Những "đầu bếp tay ngang” luôn tự hào khi mang đến cho mọi người những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng. Mỗi người đều có một nhiệm vụ và sự vất vả riêng, song hình ảnh những anh nuôi trên tàu tận tụy với từng bữa cơm cho mỗi người là hình ảnh đáng nhớ và đáng trân trọng nhất.
Mạnh Cường