Trong đó Phong trào xây dựng "Đơn vị học tập” gắn liền với Phong trào "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” là một trong những hoạt động đánh dấu bước chuyển mình về phương pháp giảng dạy, khơi dậy tinh thần tự học, sáng tạo trong mỗi thầy cô giáo và học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Việc triển khai Phong trào xây dựng "Đơn vị học tập” gắn với Phong trào thi đua "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” được Sở GD&ĐT Yên Bái xác định là chiến lược then chốt kết nối sức mạnh của học tập suốt đời với tinh thần đổi mới sáng tạo trong mỗi cơ sở giáo dục. Đồng thời là tiền đề cho một hệ thống giáo dục hiện đại, nơi mà mỗi cơ sở giáo dục trở thành trung tâm lan tỏa giá trị tri thức, cảm hứng sáng tạo.
Thời gian qua, để hiện thực hóa chiến lược này, Sở GD&ĐT đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhằm giúp các nhà giáo tiếp cận với những kiến thức chuyên môn mới, có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tự tin áp dụng các phương pháp giảng dạy sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Qua đó, thúc đẩy tinh thần tự học, khát khao đổi mới, tạo ra một làn sóng tích cực lan tỏa khắp các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở cho biết: "Ngay từ đầu các năm học, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh phát động 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký tham gia học tập suốt đời dưới nhiều hình thức; 100% cơ sở giáo dục triển khai kế hoạch cho thành viên học tập thường xuyên. Ngoài ra, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên cũng phải tự xây dựng cho bản thân kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên theo năm học, trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề thông qua tự học - tự nghiên cứu trên nền tảng chuyên môn được đào tạo”.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, giảng dạy. Việc xây dựng các hệ thống học trực tuyến và các nền tảng hỗ trợ tự học đã mở ra cơ hội tiếp cận tri thức cho học sinh, thầy cô ở tất cả các địa phương, nâng cao hiệu quả dạy, học, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời trong thời đại số.
Các hoạt động giáo dục cơ bản đã chuyển từ việc chỉ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất của người học, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo hướng thiết thực, hiệu quả. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh từng bước được nâng lên rõ rệt. 3 năm học gần đây, ngành GD&ĐT Yên Bái đã đạt 100 giải quốc gia, trong đó có 2 giải nhất, 12 giải nhì, 38 giải ba, 48 giải khuyến khích.
Đặc biệt, giáo dục dân tộc luôn được Sở GD&ĐT tỉnh chú trọng triển khai, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh con hộ nghèo ở vùng dân tộc, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có điều kiện tốt hơn trong học tập; học sinh bán trú được ăn, ở, chăm sóc tại trường.
Các cơ chế, chính sách dân tộc được triển khai đúng, đủ, nhanh chóng đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, thực hiện mục tiêu củng cố duy trì phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tỉnh đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 năm 2021 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 năm 2023. So với đầu nhiệm kỳ, tăng 3 xã, 1 huyện đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tăng 32 xã, 1 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3.
Trước những thách thức mới của thời đại, khi mà kiến thức không ngừng được bồi đắp, cập nhật, việc triển khai Phong trào xây dựng "Đơn vị học tập” gắn với Phong trào "Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc” đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ, khuyến khích cán bộ, giáo viên và học sinh Yên Bái không ngừng tự bồi dưỡng, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập. Từ đó biến mỗi cơ sở giáo dục thành những "trung tâm tri thức” năng động, sáng tạo, hội nhập trong thời đại số.
Lê Thương