Đây là mùa thu thứ 76, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc anh em của tỉnh Yên Bái nói riêng được đón Tết Độc lập. 76 mùa thu qua, ghi nhớ công ơn trời biển của Bác trong mùa thu Độc lập đầu tiên của đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đều có những công trình, việc làm thiết thực, hiệu quả cho quê hương, cho đồng bào để kết thành ngàn đóa hoa tươi thắm dâng lên Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại.
Năm nay, trong ngàn hoa dâng Đảng, Bác Hồ và đón mừng Tết Độc lập thứ 76 của dân tộc, cùng với đồng bào, chiến sĩ cả nước, ngoài 8 đoàn cán bộ y tế tình nguyện lên đường chi viện cho các "điểm nóng” của Tổ quốc chống dịch, Yên Bái đã và đang giữ vững kết quả phòng, chống đại dịch Covid-19 bằng ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, là tinh thần cầu thị, lắng nghe và lãnh, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Trong đó, không thể không kể đến sự năng động, tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương vì một quê hương Yên Bái phát triển "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh động viên đoàn công tác thứ 8 của tỉnh lên đường hỗ trợ tỉnh Đồng Nai phòng, chống dịch Covid-19.
Kết quả đó, thành công đó, cùng những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm đã mang về cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc từ vùng thấp tới vùng cao của tỉnh niềm hạnh phúc trọn vẹn để nhân lên niềm vui trong mùa thu Độc lập lần thứ 76 này.
Mặc dù không thể có mặt trong kỳ nghỉ lễ 2/9 như mọi năm, nhưng chị Hoàng Yến ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cũng như những người con của quê hương đang sinh sống, học tập và làm việc tại thủ đô Hà Nội vẫn cảm thấy ấm áp, thân thương bởi sự động viên, khích lệ tinh thần của gia đình và người thân.
Chị Yến tâm sự: "Công tác ở Hà Nội, nhưng ngày 2/9 năm nào tôi cũng cùng bạn bè thu xếp về quê nghỉ ngơi để được ăn Tết Độc lập cùng gia đình. Song, do tình hình phức tạp của dịch bệnh, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tôi và các bạn đồng hương quyết định ở lại thủ đô cùng đồng nghiệp giãn cách, góp phần đẩy lùi dịch bệnh để mùa thu năm sau sẽ cùng gia đình vui chung Tết Độc lập”.
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát cho đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái chưa phát hiện ca F0 nào khởi phát hoặc lây nhiễm trong cộng đồng. Song, cùng với các hoạt động kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện tiêm phòng vắc - xin vẫn luôn được Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, góp phần giúp người dân được đón Tết Độc lập vui vẻ, tiết kiệm và đảm bảo giãn cách an toàn.
Gần đến Tết Độc lập năm nay, cùng với đồng bào các dân tộc trong tỉnh, đồng bào Thái ở vùng Mường Lò, Nghĩa lộ cũng đón tết Síp xí - cái tết lớn nhất của người Thái ở Mường Lò được tổ chức từ ngày 10 - 14 tháng Bảy âm lịch, với rất nhiều món ăn độc đáo được các bà, các mẹ, các chị thể hiện bằng đôi tay vén khéo của mình.
Theo nếp sinh hoạt trước đây, trong dịp tết Síp xí, các thanh niên, nam nữ thường rủ nhau tụ tập vui chơi, hẹn hò nhau để kết duyên bạn tình. Cuối cùng là những đêm hội xòe then chung vui điệu múa với chiếc đàn tính, pí bè, tiếng trống vọng vang rừng núi, bản mường.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tết Síp xí của đồng bào Thái ở Mường Lò năm nay được cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo tổ chức gọn gàng hơn, đầm ấm hơn trong mỗi gia đình.
Đồng chí Bùi Thị Doan - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn chia sẻ: "Tú Lệ là xã có tới 93% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Song, để thực hiện "mục tiêu kép” cùng phong trào thi đua nước rút về đích nông thôn mới, chúng tôi đã chỉ đạo bà con vui tết Síp xí nhưng phải đảm bảo không tụ tập đông người; không được say xỉn rượu, bia; tiết kiệm trong tổ chức đón tết và tuyệt đối thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, góp phần cùng toàn tỉnh giữ vững kết quả "vùng xanh” của cả nước”.
Theo đó, những ngày cuối tháng 8 vừa chuẩn bị tổ chức tết Síp xí vừa đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, lập thành tích chào đón Tết Độc lập của non sông, cán bộ, đảng viên và nhân dân các thôn trong xã Tú Lệ đã hiến trên 16 ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Để nhân dân được vui đón tết, 100% cán bộ xã Tú lệ luôn có mặt tại các thôn để chỉ đạo nhân dân hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới và tham gia tuần tra, kiểm soát cùng các tổ tự quản cơ sở đối với tất cả các trường hợp cách ly tại gia đình, đảm bảo tốt phòng, chống dịch Covid-19.
Cũng giống như đồng bào Thái ở vùng Mường Lò, niềm vui đón Tết Độc lập lần đầu tiên do huyện đứng ra tổ chức trên đỉnh đèo Khau Phạ; được xuống chợ trung tâm vui tết với những bộ váy áo mới cùng những chú ngựa thồ chất đầy đặc sản vùng cao để giao lưu, trao đổi, mua bán hàng hóa với các dân tộc: Kinh, Tày, Dao, Thái… vùng thấp vẫn còn đọng mãi trong lòng đồng bào dân tộc Mông ở huyện đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải.
Ông Giàng Tráng Già, ở bản Khao Mang, xã Khao Mang chia sẻ: "Ngày mùng 2/9 là Tết Độc lập của cả nước. Người Mông chúng tôi thường hay xuống chợ huyện chơi hoặc xa hơn là kết hợp thăm bà con ở các huyện bạn, tỉnh bạn như tỉnh Lào Cai hay tỉnh Lai Châu... Song, vui nhất vẫn là năm 2019, được huyện tổ chức cho bà con giao lưu văn hóa, trao đổi kinh tế. Năm nay, có dịch bệnh, nghe cán bộ huyện tuyên truyền, chúng tôi sẽ không sang tỉnh bạn, huyện bạn chơi, không tụ tập nhiều người trong ăn uống và tiết kiệm hơn để phòng, chống dịch Covid-19".
Đồng bào các thôn của xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn ra quân kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cuối cùng và chào đón Tết Độc lập 2/9/2021.
Giống như tết Nguyên đán của toàn dân tộc, Tết Độc lập 2/9 thực sự có ý nghĩa lớn đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Yên Bái. Đó là dịp để các dân tộc anh em trong tỉnh được vui chung niềm hạnh phúc đoàn viên; được tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Đảng và Bác Hồ kính yêu; được thắt chặt hơn tinh thần yêu nước, yêu quê hương và ý chí đồng lòng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng nơi phên dậu miền Tây Bắc.
Đặc biệt, đây còn là dịp để người dân được nghỉ ngơi sau 8 tháng thi đua lao động sản xuất, học tập; được cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể, gắn kết dân tộc bằng những trò chơi dân gian với những nét văn hóa độc đáo và bản sắc riêng có.
Đó là chưa kể đến sức lan tỏa của phong trào học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đang từng giờ, từng phút đi vào cuộc sống của người dân từ vùng thấp tới vùng cao trong tỉnh. Nhà nhà đều chung tay vệ sinh môi trường, quét dọn, sửa sang sạch đẹp từ gia đình tới xóm, thôn để cùng nhắc nhở con cháu khắc ghi truyền thống yêu Tổ quốc, yêu đồng bào và đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc cho ngày Quốc khánh càng thêm ý nghĩa.
Một mùa thu mới đang về trên quê hương Yên Bái "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc” - mùa thu Độc lập thứ 76, nhân dân các dân tộc Yên Bái đang được sống trong ấm no, hạnh phúc và thái bình. Song, trong hàng triệu trái tim yêu nước, trong niềm vui đón mùa thu hạnh phúc hôm nay, mỗi người dân Yên Bái vẫn nhớ ghi mùa thu cách mạng năm 1945 Bác Hồ kính yêu đã đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, để mãi mãi làm theo lời Bác dạy: "...Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vừng quyền tự do, độc lập ấy".
Lời tuyên ngôn chính nghĩa đầy quyết đoán đó của Người, sẽ mãi là kim chỉ nam sáng soi con đường mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã, đang và quyết tâm phấn đấu "… đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030” như mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Thanh Hương