Nhìn lại 92 năm có Đảng, mỗi người dân yêu nước cùng nhận rõ ba trụ cột kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để tự hào, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
1. Đảng là kết tinh truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) là kỳ tích đầu tiên, đặt hòn đá tảng cho một chế độ tốt đẹp, văn minh, tiến bộ, đặt dân tộc và nhân dân vào vị trí trung tâm của lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Đảng ra đời, ngoài các yếu tố lịch sử, chính trị, tư tưởng trong nước và quốc tế đủ chín muồi, còn có một nhân tố, mang bản sắc truyền thống dân tộc. Đó là phong trào công nhân cùng phong trào yêu nước trên toàn quốc thực sự đòi hỏi tính tất yếu cần có một chính đảng vô sản chân chính đủ tầm vóc làm hạt nhân cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh vô biên, đủ sức lật nhào thực dân, phát xít và phong kiến.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Nga hay Đảng Cộng sản Pháp trước đó đều do sự phân liệt của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, dẫn đến thiếu đi sự thống nhất lực lượng lãnh đạo ở mỗi nước, đồng thời ảnh hưởng không tốt đến cách mạng thế giới.
Nếu thiếu vai trò lịch sử của Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam đang đứng trước ngã ba chính trị thì tất yếu con đường cứu thoát lịch sử dân tộc lại rơi vào thảm kịch phân liệt lực lượng lãnh đạo. Kéo theo đó lực lượng cách mạng chắc chắn không thoát khỏi tình cảnh chia năm sẻ bảy.
Mầm họa bất đồng, cát cứ chính trị, tranh giành ngôi vị lãnh đạo, giành giật địa bàn và lôi kéo quần chúng là lẽ đương nhiên. Khi đó, sức mạnh của "bó đũa” đại đoàn kết dân tộc - thần khí lịch sử dân tộc - đâu còn nữa. Cho dù thời cơ ngàn năm có một đến thì cũng chẳng thể giành được chính quyền. Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh đã cho thấy triển vọng tương lai dân tộc được xây nền trên khối đại đoàn kết dân tộc, dựa vào nòng cốt liên minh công - nông.
2. Đảng xác lập và định vị vững chắc là lực lượng lãnh đạo bách chiến, bách thắng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, mở ra cánh cửa lịch sử độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam thời hiện đại. Đây là sự khởi đầu cho việc hình thành biểu tượng lịch sử giữ nước của dân tộc ta trong bối cảnh chủ nghĩa thực dân, đế quốc không ngừng thúc đẩy chiến lược ngăn chặn trào lưu cộng sản trên phạm vi toàn cầu.
Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thông điệp ra thế giới ngày 2-9-1945 thể hiện một cách dứt khoát, đanh thép về tư thế tự chủ, tự lực, tự cường, trường tồn của một dân tộc biết tự mình cứu thoát thân phận vong quốc nô, bước lên vũ đài lịch sử thế giới, là một trong những dân tộc tiên phong đạp đổ áp bức cường quyền.
Cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng trong năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 càng chứng tỏ chân lý lịch sử: Một dân tộc có khát vọng độc lập, tự do, được một chính đảng vô sản chân chính, có đường lối lãnh đạo đúng đắn, thì dân tộc ấy có sự hồi sinh, bất tử.
Hai cuộc kháng chiến vệ quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kéo dài 30 năm thực sự là phép thử lịch sử về sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng chung ý chí nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Hai đế quốc to với đầy đủ ưu thế vượt trội về lực lượng, vũ khí và tiền của, nhưng không thể nào quật ngã một dân tộc nhược tiểu về vật chất, vì dân tộc đó sở hữu kho báu tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, giàu truyền thống yêu nước, được nhân lên gấp bội bởi đường lối chiến tranh vệ quốc mang đậm tính nhân dân, dưới ngọn cờ bách chiến, bách thắng do Đảng và Bác Hồ giương cao.
Tư tưởng chính trị phù hợp xu thế thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thực sự là ngọn đuốc lịch sử không chỉ có giá trị với dân tộc Việt Nam mà còn là giá trị tham khảo, noi gương cho hết thảy mọi dân tộc không cam chịu áp bức, nô lệ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thêm một lần nữa khẳng định sức mạnh dân tộc Việt Nam thời hiện đại - nơi thắp sáng chân lý lịch sử "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chẳng những thế, dân tộc Việt Nam còn chứng minh cho thế giới biết về tinh thần quốc tế vô sản cao đẹp, về tính nghĩa hiệp lịch sử khi giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Lời đáp lịch sử của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Dù kẻ thù to hay nhỏ, hễ là kẻ âm mưu xâm phạm bờ cõi Việt Nam thì phải chuốc lấy thất bại. Đấy là tâm thế lịch sử của một dân tộc đủ trưởng thành bản lĩnh chính trị, đủ tầm tư duy để làm chủ phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Theo đó, đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả bầu bạn năm châu đã và đang đơm hoa kết trái sau hơn 35 năm đổi mới, mang lại vị thế, uy tín cao trên trường quốc tế. Sau cơn đại khủng hoảng từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam lại cho thấy tầm tư duy đi trước thời đại và bản lĩnh chính trị: Cho dù sóng cả đến mấy cũng không bao giờ được ngả tay chèo. Lực lượng tinh hoa của trí tuệ và tinh thần Việt Nam quả là ngọn đuốc thiêng cho sức mạnh Việt Nam hiện nay. Đổi mới để tự cứu mình trước khi trời cứu là mệnh lệnh phát đi từ bộ não dân tộc mang tên Đảng Cộng sản Việt Nam.
3. Đảng là biểu tượng của văn hóa chính trị, làm nên sức mạnh nội sinh dân tộc Đảng ta sinh ra từ truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, được một con người của những bước ngoặt lịch sử khai sinh và rèn luyện, trưởng thành từ phong trào cách mạng sinh tử, gắn bó máu thịt với nhân dân.
Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam là hiện thân của giá trị đạo đức, văn minh. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và lớp thế hệ tiền bối cách mạng, tiền bối của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã bằng cuộc đời hy sinh vô bờ bến đấu tranh sinh tử vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, vì độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Đảng hóa thân trong những chiến sĩ cách mạng, những con người bất tử trước mọi hiểm nguy, gian khổ không nao núng, gươm kề cổ, súng kề tai, xà lim ngục tối không khuất phục, đi vào cõi chết với niềm tin tất thắng đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Hệ tư tưởng đó được bao trùm bởi mục tiêu: Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng độc lập, đồng bào Việt Nam có quyền hưởng tự do, hạnh phúc. Đạo đức cách mạng của người cộng sản chính là hiến dâng cả cuộc đời cho nước, cho dân. Hồ Chí Minh là biểu tượng cho đạo đức linh thiêng ấy giữa cuộc sống đời thường chan chứa tình người.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đặt nền tảng về tư tưởng tiên tiến mà còn đặt nền tảng về giá trị tinh thần bất khuất, cầu tiến, đặc biệt là đức hy sinh vô giá cho dân tộc trường tồn. Cả dân tộc Việt Nam tôn vinh, biết ơn Đảng, Bác Hồ là vì Đảng, Bác Hồ luôn biết giữ lửa cách mạng, biết kết nối nhân tâm dựa trên tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, non sông thu về một mối: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.
Hồn thiêng sông núi vang vọng ngàn năm đều được kết tinh trong đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, nên dễ thu phục lòng dân, được lòng dân tin tưởng noi theo và thực hiện. Khi ý Đảng hòa với lòng dân, như nước giao hòa với đất thì vận nước không thể suy, cơ đồ dân tộc vì thế mà hưng thịnh.
Mỗi độ Xuân về, cũng là dịp sinh nhật của Đảng quang vinh, trong khí thế đón Xuân mới, mỗi người dân Việt Nam yêu nước lại tự hào, tự tin, gắng sức đồng lòng dựng xây và bảo vệ đất nước mình "ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Những giá trị cốt lõi mà Đảng, Bác Hồ lãnh đạo nhân dân suốt 92 năm qua thực sự là trụ cột tinh thần nuôi dưỡng khát vọng dân tộc "tự lực, tự cường, phồn vinh, hạnh phúc” như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Với tất cả trải nghiệm lịch sử, với tất cả sự khiêm tốn của người cộng sản, chúng ta có quyền, có sứ mệnh lưu truyền và tiếp biến giá trị đã được Bác Hồ đúc kết: "Đảng ta vĩ đại thật”!.
(Theo HNMO)