Bộ trưởng Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, từ chiều 7/6. Phó thủ tướng Lê Văn Thành; bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ cùng tham gia trả lời, giải trình về những vấn đề liên quan.
Trước đó ngày 5/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội, nêu ba vấn đề liên quan đến lĩnh vực được chất vấn. Thứ nhất là công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản.
Thời gian qua, Bộ đã điều chỉnh, bổ sung chiến lược, quy hoạch các ngành, lĩnh vực để thống nhất với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tư nhân được thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là khâu chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị thương phẩm nông sản.
Hệ thống tổ chức sản xuất, nhất là hợp tác xã ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cả nước có 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn.
Nhiều mặt hàng được các tập đoàn lớn đầu tư từ sản xuất đến tiêu thụ như rau an toàn, hoa quả, cà phê, chè, thủy sản...
Tuy nhiên, Bộ thừa nhận việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu là thỏa thuận mua bán; tổ chức vùng nguyên liệu chuẩn chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường còn chậm. Nông sản tiêu thụ phải qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030, trong đó tập trung giải pháp mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại. Bộ cũng xúc tiến quảng bá sản phẩm theo hình thức trực tuyến đến nhiều thị trường.
Vấn đề thứ hai được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập là giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Theo báo cáo, dịch bệnh Covid-19 từ năm 2019, xung đột quân sự Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, đẩy giá vật tư lên cao. Trong khi nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu. Vì vậy, nguyên liệu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm nông nghiệp đều tăng.
Phân bón tăng giá cao nhất, đơn cử phân urê tăng 136-143%, DAP tăng 143-164%, kali tăng 180-200% so với tháng 12/2021. Giá nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 30-45%; giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng 30-35% so với cuối năm 2021. Sản xuất thuốc, vaccine thú y gặp nhiều khó khăn.
Giá dầu diesel 0.05S tăng trên 8.000 đồng/lít làm cho chi phí nhiên liệu tăng thêm 2.640 tỷ đồng/tháng khiến chi phí vận chuyển đường biển tăng. Giá thuốc bảo vệ thực vật tương đối ổn định, chỉ tăng ở nhóm thuốc trừ cỏ không chọn lọc và thuốc trừ sâu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản, lập tổ công tác chuyên đề để kết nối thông tin giữa sản xuất, tiêu thụ, kết nối nông sản hàng ngày; có định hướng và kịch bản thúc đẩy tiêu thụ, hạn chế tình trạng cung vượt cầu, mất kiểm soát giá.
Vấn đề thứ ba là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổng số thủ tục hành chính Bộ cắt giảm thời gian qua là 344; tiết kiệm gần 2.000 tỷ đồng. Các thủ tục hành chính do Bộ đang quản lý được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Sau Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn từ sáng 8/6; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ chiều 8/6; Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể từ sáng 9/6.
Chiều 9/6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh sẽ làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu.
(Theo VnExpress)