Ngày 24/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18/2017 của Trung ương Đảng khóa 12 về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó có phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.
Trao đổi với VietNamNet, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo đề án đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất, tổ chức bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Như vậy, bộ máy Chính phủ giảm 5 bộ ngành (22,7%); 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ (37,5%).
Ngoài ra, các tổ chức bên trong bộ, ngành cũng giảm khá nhiều. Cụ thể là giảm 13/13 tổng cục và tương đương, 519 cục và tổ chức tương đương, 219 vụ và tổ chức tương đương, 3.303 chi cục và tương đương.
Các bộ ngành còn giảm 203 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó giảm 79 đơn vị trong cơ cấu tổ chức tại nghị định của Chính phủ (38%).
Đi cùng với đó, nhân sự cấp trưởng cũng sẽ giảm tương ứng số đầu mối gồm: 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Chính phủ, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và gần 3.303 chi cục trưởng…
Số lượng cấp phó được cao hơn quy định trong 5 năm.
Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ nhằm tổ chức hợp lý các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc "một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, thực hiện và chịu trách nhiệm chính", bảo đảm không chồng chéo, giao thoa, không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đảm bảo giảm tối thiểu 15 -20% đầu mối với những nơi không thuộc diện sáp nhập, hợp nhất. Với những bộ ngành, cơ quan thực hiện hợp nhất, sáp nhập thì giảm tối thiểu 35% - 40% đầu mối tổ chức bên trong.
Theo phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy được thông qua, Chính phủ cũng không duy trì mô hình tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành.
Đối với cục, vụ thì thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước. Trong đó sắp xếp, kiện toàn các cục, vụ có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thành một đầu mối; cơ bản không còn phòng trong vụ.
Đối với cấp phó của người đứng đầu các bộ ngành, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu ở đơn vị mới sau khi sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, Chính phủ cho phép sau khi sắp xếp, số lượng cấp phó được cao hơn quy định. Bộ, ngành phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định chung trong thời hạn 5 năm.
(Theo Vietnamnet)