Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và cuộc hội ngộ sau 3 thập kỷ

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/2/2025 | 7:58:08 AM

Tháng 2/1979, trong căn hầm ven suối Nậm Na, binh nhất Tạ Quang Lượng phát hiện hạ sĩ Phạm Thị Hà bị thương, sau đó cứu hạ sĩ Hà khỏi lằn ranh sinh tử. Giữa lửa đạn chiến trường, họ mất liên lạc. 30 năm sau, sợi dây số phận đã cho họ đứng trước mặt nhau lần nữa như một phép màu.

Các chiến sĩ chụp hình lưu niệm với bộ đội đồn Ma Lù Thàng sau trận 17/2/1979.
Các chiến sĩ chụp hình lưu niệm với bộ đội đồn Ma Lù Thàng sau trận 17/2/1979.

"Đêm 17/2/1979, khi đang bị thương nằm trong căn hầm gần sông Nậm Na, tôi nghe thấy tiếng bước chân. Giật mình, thôi chết rồi! Nghĩ địch đến đây rồi, tôi đã chuẩn bị sẵn lựu đạn để chống trả, trường hợp xấu nhất là tự sát. Thế nhưng tiếng người của mình vang lên "có ai ở đây không” và tôi thấy trên mũ có hình ngôi sao. Tôi được cứu rồi!” – Bà Phạm Thị Hà kể lại bằng chất giọng rất hào sảng.

Đi cùng ông Tạ Quang Lượng đến nhà bà Phạm Thị Hà vào một buổi tối tháng Giêng, thời tiết se se lạnh, phóng viên VOV đã cùng ông bà "sống lại” ký ức của 46 năm về trước khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc xảy ra, tháng 2/1979.

"Đánh nhau, cứ một lát lại có người bên cạnh mình ngã xuống”

Ngày 17/2/1979, thực hiện kế hoạch vạch ra từ trước, nhà cầm quyền Trung Quốc lúc đó đã phát động cuộc tiến công quy mô lớn xâm phạm lãnh thổ Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh).

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu, giáng trả quyết liệt.


Bà Hà, ông Lượng và bà Hồng (từ trái sang) cùng nhau ôn lại ký ức

Cựu chiến binh Tạ Quang Lượng (SN 1960, hiện sống tại Long Biên, Hà Nội), bấy giờ là cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng 33 Công an vũ trang (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).

Cùng với tiếng súng Pôn Pốt phía Tây Nam, biên giới phía Bắc bắt đầu nóng dần. Bị tấn công từ sáng sớm ngày 17/2/1979 và đến 9h được lệnh cho rút quân nhưng Đồn 33 vẫn kiên trì trụ vững đến 18h cùng ngày.

"Mặc dù lực lượng mỏng, ít vũ khí nhưng đơn vị chúng tôi đã cầm cự và chống lại ba tiểu đoàn của Trung Quốc xâm lược, diệt ba xe tăng và 600 tên địch” – Cựu chiến binh Tạ Quang Lượng nhớ lại.

Cái chết bỏ qua ông nhưng nhiều đồng đội khác ở Ma Lù Thàng không được như vậy. "Đánh nhau, cứ một lát lại có người bên cạnh mình ngã xuống. Chỉ nghe tiếp "bụp", thấy trán đồng đội thủng một lỗ, phía sau vỡ ra nên ban đầu rất sợ." – ông Lượng kể.

Sau khi địch chiếm đồn, đoàn của ông Lượng gồm 9 đồng chí được yêu cầu quay lại tìm thương binh, tử sĩ. Vừa cùng nhau lần mò trong rừng, vừa phải tránh né ánh đèn pha công xuất lớn và những quả đạn pháo, những tràng súng máy của địch.

Chuyện xảy ra trong đêm 17-18/2/1979, sau việc tìm thi thể, ông Lượng và đồng đội được lệnh rút sâu vào nội địa, vừa đi vừa gỡ mìn ở các bãi mìn mà ta đã gài lại. Trên đường ra, ông cùng đồng đội phát hiện một ngọn đèn leo lét trong căn hầm ven suối Nậm Na.

"Có ai ở đây không?” - Ông Lượng lên tiếng hỏi.

"Ai đấy?” – Giọng nói một người phụ nữ vang lên, kèm theo đó là tiếng súng lên đạn.

"Ai ở trong đó” – Nghe thấy tiếng nói ấy, xác định là người của mình, ông Lượng cùng những người khác ngó đầu vào. Trước mặt là hình ảnh một người phụ nữ đang lê lết đôi chân đầy máu. Trên tay là khẩu súng đã lên nòng.

"Em là bộ đội của đơn vị 741, vận tải đạn lên trên chốt." – Người phụ nữ nói.

Thấy đồng đội của mình nát một bên đùi, ông Lượng cùng những chiến sĩ khác đã cởi áo lót băng bó vết thương. Sau đó cõng bà Hà từ trong hầm ngược lên trên đồi, vượt qua sông.

Người phụ nữ đó chính là hạ sĩ Phạm Thị Hà, thuộc đơn vị vận tải của Trung đoàn 741, hiện sống tại Hà Nội.

Tiếng bước chân và ngôi sao vàng trên mũ

Nhớ lại ngày hôm đó, bà Hà cho hay, sáng 17/2/1979, bà nhận lệnh tải đạn lên chốt thuộc đại đội 5, Tiểu đoàn 42 của 741, gần Ma Lù Thàng.

Vì đơn vị chủ yếu là nữ, nên được ưu tiên rút ra bên ngoài. "Thế nhưng chúng tôi không rút và kiên quyết sẽ chiến đấu đến cùng” – Bà Phạm Thị Hà kể lại chắc nịch.

Khi đến gần chốt, bà Hà cùng người bạn thân là bà Đỗ Thị Minh Hồng (sinh năm 1959) bị pháo của địch bắn trúng. Bà Hà bị mảnh đạn chém qua đùi và ngón tay, còn bà Hồng bị thương ở mông và cánh tay. Sau đó, tất cả thay phiên dìu nhau xuống hậu cứ.

Đến cây số 4, cả nhóm gửi bà Hà tại một đơn vị công binh sau đó tiếp tục di chuyển. Trong tình thế hỗn loạn, bà Hà bị thất lạc, mọi người lo lắng bà đã bị bắt. Thế nhưng đến đêm khuya, bà Hà được đưa vào bên trong một căn hầm.

"Tôi được dìu về căn hầm rồi nằm đó chờ đợi. Không biết làm thế nào. Tôi rất sợ, tay cầm chặt súng và nghĩ nếu địch vào đây mình sẽ chiến đấu đến cùng, không để bị bắt” – Bà Hà chia sẻ.

Giữa đêm khuya tĩnh mịch, trong căn hầm chỉ le lói ánh đèn, bà Hà vẫn nằm co ro trong hầm, vết thương đau nhức. Đột nhiên, tiếng bước chân vang lên, mỗi lúc một gần hơn. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất, bà vẫn không khỏi hoang mang, tim đập dồn dập.

Đúng lúc ấy, một giọng nói vang lên: "Có ai ở đây không?”. Bà Hà hoang mang đáp lại, rồi trong ánh sáng mờ ảo, bà nhận ra trên chiếc mũ người kia có hình ngôi sao vàng. Một niềm vui sướng tột cùng dâng trào.

"Là người của mình!” – bà Hà thốt lên, cố gắng bò ra, một niềm xúc động khôn nguôi.

Để tránh bị phát hiện, bà Hà được đưa đi theo một lối khác. May mắn, họ tìm thấy 2 can rỗng nên chặt cây chuối, ghép vào làm bè, để nữ thương binh lên trên.

Địch đóng quân rất gần, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng có thể bị phát hiện và tấn công. Vì thế, mọi động tác đều phải diễn ra trong im lặng tuyệt đối.

"Khi chiếc bè đã sẵn sàng, chúng tôi đưa đồng chí Hà lên, lợi dụng bóng đêm bí mật vượt sông.” – ông Lượng kể.

Trong quá trình đó, khi đói, chỉ có thể nhai gạo sấy hoặc kiếm chút rau rừng cầm hơi. Khi khát, thì vục nước suối uống vội rồi lại tiếp tục di chuyển. Có lúc, họ phải bám vào nhau, dìu nhau từng bước vì kiệt sức.

"Anh em cứ thay nhau cõng đồng chí Hà. Đến giữa dòng, địch phát hiện, bắn xối xả khiến trong đoàn hy sinh thêm 2 người." - ông Lượng nuối tiếc kể lại.

Ba ngày sau, cả nhóm thoát ra ngoài an toàn. Gặp xe cứu thương của quân đội, bà Hà được bàn giao lại để đưa đi chữa trị. Từ đó giữa ông Lượng và bà Hà không còn thông tin về nhau.

"Nếu không có họ, có lẽ tôi đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ấy…” – bà Hà xúc động nhớ lại.

Tình hình của bà Hồng cũng không mấy khả quan, sau khi thất lạc người bạn thân thiết, lại nghe tin báo những người trong hầm hy sinh hết, không còn ai sống sót.

Bà được đưa vào trú ẩn ở trong một hang động ở Lâm trường Ma Li Pho và đành ở lại đó. Tình hình vẫn rất căng thẳng. "Một số đơn vị khác đã lần lượt rút lui, còn lại mình tôi bị mắc kẹt ở đây.” – bà Hồng nhớ lại.

Sau nhiều ngày cố thủ, đến đêm 20 (20/2/1979), một con đường máu được mở ra để đưa thương binh ra ngoài. Bà Hồng được đồng đội buộc võng, dùng tấm tăng để kéo vượt sông, rồi tiếp tục dìu đi bộ suốt mấy ngày liền.


Bà Hồng (bên trái) và bà Hà (bên phải) hồi còn trẻ. 

Cuộc hội ngộ sau 3 thập kỷ

May mắn, hai người bạn thân Hà và Hồng đều được đưa về điều trị tại Bệnh viện 92. Họ gặp lại nhau và tiếp tục được chuyển qua điều trị ơ nhiều bệnh viện tuyến dưới như Bệnh viện 106, 109, rồi về 203 Hương Canh an dưỡng.

Sau thời gian điều trị, cả hai trở về đơn vị cũ, tiếp tục học tập và công tác. Đến cuối năm 1979, được cử đi học lớp y tá tại Tiểu đoàn 24, sư đoàn 326. Sau khi hoàn thành khóa học, hai người bạn thân công tác tại trạm xá của Trung đoàn 741. Đến cuối năm 1982, cả hai ra quân.

"Giờ đây, tôi và Hà không chỉ là đồng đội năm xưa mà còn là chị em trong gia đình. Hà là em chồng của tôi, còn tôi là chị dâu của Hà. Gần 50 năm rồi, già hết rồi nhưng vẫn gắn bó với nhau tới tận bây giờ” – Bà Hồng chia sẻ.

Sau chiến tranh, ông Lượng xuất ngũ, trở về quê nhà, mang theo những ký ức mà ông nghĩ sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy.

Vào một ngày mùa hè năm 2009, tròn 30 năm kể từ ngày đó, ông Lượng nghe được tin tức về bà Hà từ một người đồng đội, rồi gọi điện hỏi thăm khắp nơi.

Khi hỏi thăm đến bệnh viện huyện Hoài Đức, nơi bà Hà công tác, ông Lượng đã gọi cho một người hàng xóm gần nhà. Nghe tin, bà Hà tức tốc chạy sang.

"Khi Hà nghe máy, tôi nói: anh là Lượng đây, đoàn anh đã cứu em, đưa ra ngoài an toàn tháng 2/1979 đấy. Em có nhớ không?” - Ông Lượng hỏi.

Bà Hà vừa bất ngờ, vừa xúc động. Hai người hẹn nhau tham gia buổi gặp mặt nhân dịp Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP), ngày 3/3 hằng năm.

"Hôm ấy cố gắng ra Mỹ Đình nhé! Bọn anh tập trung ở đó để gặp mặt, liên hoan.” - Ông Lượng nói.

Giây phút hội ngộ sau 30 năm không chỉ là cuộc gặp gỡ của hai con người, mà còn là cuộc gặp lại ký ức về những ngày bom đạn gầm rú, đất trời rung chuyển, về những ngày cận kề cái chết ở biên giới phía Bắc.

Họ không còn là những người lính trẻ nơi chiến trường xưa, nhưng tình đồng đội vẫn vẹn nguyên. Họ hứa sẽ không để lạc nhau thêm một lần nữa.

Những năm gần đây, những người lính Đồn 33 cũ tìm về, chung tay góp sức dựng Đài tưởng niệm các liệt sĩ. Đài tưởng niệm nhìn xuống dòng Nậm Na, cách Cửa khẩu quốc tế Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu khoảng 5km.

Khói lửa năm xưa nhường chỗ cho những công trình mới, vết xích xe tăng giờ được thay bằng những bánh xe hàng hóa lăn qua biên giới, nhưng ký ức về một thời máu lửa vẫn khắc sâu trong lòng những người ở lại.

(Theo VOV)

Các tin khác
Quang cảnh Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 17/2, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ.

Sáng 16/2, Chi bộ Nghiên cứu thuộc Đảng bộ Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái tiến hành Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục thực hiện công tác chuyển ngạch kiểm soát viên thị trường, cấp và theo dõi thẻ kiểm tra thị trường .

Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết dự kiến từ 1/3, Bộ Công Thương sẽ kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, thành lập Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái Nguyễn Thành Trung tham gia thảo luận tổ

Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội nghe Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội báo cáo về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tiến hành thảo luận tổ. Đại biểu Nguyễn Thành Trung – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tham gia thảo luận về nội dung này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục