Điều trần - hoạt động "đột phá" ở Quốc hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/3/2009 | 12:00:00 AM

Điều trần giúp đại biểu QH có thêm một kênh thông tin hữu hiệu. Đây cũng là cơ hội để các nhà lập pháp đặt ra các câu hỏi cho các quan chức hành pháp, đồng thời là diễn đàn để công dân và các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm.

Chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chất vấn tại Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung vào hai vấn đề việc làm và chuẩn nghèo tại Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, dự kiến diễn ra trong tháng 3 đã bị hoãn lại. 

Lý do: Phiên họp thứ 17 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm 25/2 quyết định sẽ chất vấn ba bộ trưởng thuộc khối kinh tế, văn hóa - xã hội và tư pháp trong phiên họp thứ 18, dự kiến từ 18 - 26/3. Mặc dù công tác chuẩn bị đã hoàn tất, Ủy ban Về các vấn đề xã hội vẫn tạm hoãn phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm tránh trùng lặp về nội dung cũng như đối tượng tham gia trả lời. 

Nâng cao hiệu quả hoạt động QH

Một cán bộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết khá “tiếc” trước thông tin này. Có lẽ, đây là cảm xúc chung của những người quan tâm chờ đợi hoạt động mang tính chất “điều trần” đầu tiên ở các ủy ban của Quốc hội nước ta, với hy vọng bước đột phá này sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các ủy ban và Quốc hội. 

Thời gian qua, các ủy ban của Quốc hội vẫn sử dụng hình thức mời lãnh đạo bộ, ngành đến để giải trình những vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách mà cơ quan của Quốc hội quan tâm. Điều này xuất phát từ trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thành viên một số ủy ban cho biết, hoạt động này rất hữu ích trong việc giúp họ thu thập, đánh giá thông tin, từ đó có cơ sở đưa ra những đề xuất, kiến nghị xác đáng. 

Việc Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội giải trình tại Ủy ban Các vấn đề xã hội lần này được chú ý hơn, bởi đây là lần đầu tiên, nó được tổ chức công khai, thành phần tham dự đa dạng, không chỉ gói gọn trong phạm vi thường trực ủy ban như trước đó.

Tuy không ai gọi đây là những phiên điều trần nhưng về thực chất, hoạt động này mang dáng dấp của một cuộc điều trần. Cũng vì thế, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về việc Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Luật về hoạt động giám sát và các văn bản pháp luật liên quan chưa có quy định về “điều trần”.

Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, “điều trần” là trình bày chính thức trước cơ quan đại diện nhà nước để giải thích, biện bạch... vấn đề nào đó mà mình chịu trách nhiệm. 

“Điều trần” được dịch ra từ từ tiếng Anh: Hearing. Hiểu “Hearing” là một “thủ tục nghe” có lẽ sát nghĩa, dễ nghe hơn, đồng thời tránh được những tranh luận từ khía cạnh luật định. 

Theo một chuyên gia của Văn phòng Quốc hội, hình thức điều trần của nghị viện nhiều nước trên thế giới là các cuộc họp công khai của các ủy ban nhằm thu thập thông tin và ý kiến về một dự luật, hoặc để tiến hành điều tra về một vấn đề thời sự, hoặc để giám sát, đánh giá hoạt động của Chính phủ hoặc việc thực thi chính sách, pháp luật. 

Sự trải nghiệm cần thiết

Đáng chú ý là, nếu chất vấn chỉ với những người có chức quyền, thì đại diện cho mọi lợi ích trong xã hội có thể được mời tham dự những cuộc điều trần, chứ không chỉ người của hành pháp và các nghị sỹ. Các thành viên ủy ban nghe các nhân chứng đến từ các cơ quan chính phủ, học giả, tầng lớp trí thức, các nhóm lợi ích đến tham dự điều trần để bàn luận, góp ý về các chính sách, dự luật. Một cuộc họp để các ủy ban lắng nghe ý kiến của người dân cũng được coi là một phiên điều trần. 

Vì vậy, điều trần mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên phải kể đến việc Quốc hội, các ủy ban và mỗi đại biểu có thêm một kênh hữu hiệu để thu thập được nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tế từ các nhân chứng. Hơi thở của cuộc sống sẽ theo đó mà tràn vào từng trang luật pháp, vào các hoạt động giám sát, giúp đại biểu và Quốc hội có những quyết định sáng rõ. 

Phiên điều trần cũng là cơ hội để các nhà lập pháp đặt ra các câu hỏi cho các quan chức ngành hành pháp mà đôi khi, giới hạn thời gian trong phiên chất vấn tại phiên họp toàn thể ở nghị trường không cho phép đào sâu, hỏi kỹ.

Phiên điều trần đồng thời là một diễn đàn để công dân và các nhà lãnh đạo của xã hội công dân trao đổi các quan điểm khác nhau. Thông qua đó, Quốc hội tuyên truyền đến người dân những vấn đề, chính sách mình đang xem xét. Việc được tham gia vào hoạt động của Quốc hội cũng làm tăng sự tin tưởng của công chúng vào một quy trình làm việc minh bạch của cơ quan này. 

Được biết, thời gian tới, Ủy ban Các vấn đề xã hội sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm việc mời các lãnh đạo bộ ngành đến giải trình, sau đó, sẽ rút kinh nghiệm và kiến nghị sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan nếu cần. 

Sự trải nghiệm này là rất cần thiết để thúc đẩy Quốc hội tiến nhanh hơn trong quá trình đổi mới. Chúng ta có quyền chờ đợi Hội đồng Dân tộc và các ủy ban có thể tiến hành điều trần như nghị viện các nước thường làm. 

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

YBĐT - Sáng 13/3, tại thành phố Điên Biên Phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức họp báo Tuyên truyền về Kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2009) với các cơ quan báo Đảng các tỉnh phía bắc và một số cơ quan báo chí Trung ương.

YBĐT - Ngày 13/3, Hội thảo báo Đảng các tỉnh phía Bắc lần thứ XVII với chủ đề “Báo chí với việc tuyên truyền truyền thống, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, lịch sử trong giai đoạn hội nhập” do Báo Điện Biên Phủ đăng cai tổ chức đã diễn ra và thành công tốt đẹp.

Thị xã Nghĩa Lộ 7 xã, phường được công nhận đạt chính quyền vững mạnh, tổ dân phố, thôn bản không có người nghiện ma tuý...

YBĐT - Những năm qua, HĐND thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã luôn có sự đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động, đặc biệt là hoạt động giám sát. Trước và sau các kỳ họp, HĐND đều tổ chức họp với các Ban, các tổ đại biểu để triển khai các chương trình giám sát hàng tháng, hàng quý, bám sát vào kết quả thực hiện các mục tiêu kế hoạch của thị xã và trực tiếp nắm bắt những vấn đề cử tri quan tâm ngay từ cơ sở, do vậy, chất lượng công tác giám sát ngày càng được nâng lên.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Trấn Yên.

YBĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Trấn Yên ngày 12.3 2009 về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2015 và 2020. Cùng làm việc, có Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường, lãnh đạo các sở: Kế hoạch - Đầu tư, Nông nghiệp & PTNT, Giao thông - Vận tải, Công thương, Xây dựng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục