Khó kiểm soát hết nguồn chi ngân sách
- Cập nhật: Thứ bảy, 29/5/2010 | 8:34:23 AM
Ngày 28-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận quyết toán ngân sách 2008. Không khí góp ý khá “nóng” bởi có nguồn tiền nằm ngoài ngân sách, QH không thể kiểm soát hết ngân sách Chính phủ đã chi.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh (trái): "Nếu nói trách nhiệm thì tôi xin nhận khuyết điểm vì biến động lớn". Đại biểu Đặng Như Lợ (phải)i: Kết quả thu vượt 31.000 tỉ đồng, tiền đó chi theo chế độ nào, ai quyết định, có chi trước báo cáo sau?
|
“Bệnh thích dự án”
Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), chi ngân sách hiện đang có “bệnh thích dự án, bệnh này đã có hơn chục năm, không chữa thì nền kinh tế còn đi xuống”. Ông Thuyết kể một kẻ giả danh chuyên viên Văn phòng Chính phủ xuống một tỉnh cho dự án thì được bố trí xe hơi, ở khách sạn năm sao. Trong khi cùng ngày, một đồng chí ủy viên Trung ương Đảng, chủ nhiệm một ủy ban QH xuống tỉnh đó thì chỉ ở khách sạn bình thường.
“Tại sao đối xử với anh chuyên viên tốt hơn ủy viên trung ương? Phải chăng là vì dự án?” - ông Thuyết nói. Ông Thuyết cho rằng hiện còn một bệnh nữa trong chi tiêu ở VN là “chi không nghiêm, nhiều nơi chi rất hoành tráng. Cái gì cũng muốn nhất thế giới, đường sắt cao tốc là ví dụ, nếu làm sẽ dài nhất thế giới”. Nhận định VN đang đi vay nhiều, “nợ thì dứt khoát phải sợ” nên ông Thuyết đề nghị: “Đã đi vay để sản xuất thì có lãi mới làm, vay chỉ để giải quyết mấy chuyện hoành tráng thì không nên”.
Đại biểu Trần Đình Long, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH, băn khoăn việc các cơ quan nhà nước chi tiền lớn nhưng trong năm 2008 mới kiểm toán được 131 đơn vị, nhiều bộ, nhiều tỉnh không hề được kiểm toán, chưa nói đến huyện. “Như thế không ổn vì không được kiểm toán thì QH quyết toán cũng chỉ nghe qua con số rồi bấm nút thôi” - ông Long nói.
Ông Lê Quốc Dung, phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, cho rằng các khoản vay ODA, trái phiếu Chính phủ, xổ số... rất lớn nhưng để ngoài sổ sách về nguồn chi ngân sách khiến QH không thể kiểm soát được. Như vậy, theo ông Dung, “báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước còn một phần tiền nữa ở đâu đó không thể kiểm soát được. Vì vậy, bội chi ngân sách 2008 trên 4% cũng không chính xác”. Cho rằng “đây chính là tiền thuế, tiền bán khoáng sản” rồi cũng phải đem tiền thuế của dân ra trả, ông Dung đề nghị phải có báo cáo rõ hơn.
“Tiền đã chi rồi, phải bấm nút thôi”
Đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hoà) nói thật: “Phải bấm nút thôi vì tiền đã chi xong cả rồi”. Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nói: “Tôi sẽ bấm nút thông qua quyết toán ngân sách thôi. Vì tiền thu đã thu rồi, tiêu đã tiêu xong”. Theo ông Lịch, cách làm ngân sách hiện nay khiến QH không thể kiểm soát được chi tiêu của Chính phủ. Từng giảng dạy tài chính công tại đại học, nguyên là viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM nhưng ông Lịch khẳng định ông đọc bản báo cáo của Chính phủ vẫn... không hiểu được.
Theo ông Lịch, ở các nước, QH quyết từng khoản chi của chính phủ chứ không ai quyết chi vượt bao nhiêu thu. Chúng ta quyết quá chung chung nên QH thật sự không thể kiểm soát nổi.
Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) cũng cho biết Ủy ban Tài chính ngân sách đã nhất trí với số chi của Chính phủ, đại biểu QH chẳng có cơ sở nào để phản đối. Tuy nhiên, ông Lợi băn khoăn kiểu cứ dự thu thấp sau đó thu vượt lên và lấy khoản đó chi tiêu. Theo ông Lợi, Luật ngân sách nói dự toán thu phải dựa vào thực thu năm trước để hoạch định. Nhưng thu ngân sách 2008 dự kiến lại thấp hơn cả mức đã thu 2007. “Kết quả thu vượt 31.000 tỉ đồng, tiền đó chi theo chế độ nào, ai quyết định, có chi trước báo cáo sau?” - ông Lợi thắc mắc.
Phải duyệt từng khoản vượt chi
Trước những chất vấn của đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng vốn vay ODA đã được đưa vào cân đối ngân sách, nguồn trái phiếu Chính phủ tổng mức QH quyết, trước khi giao kế hoạch, giao tiền từng dự án bao nhiêu Chính phủ đều trình Ủy ban Thường vụ QH quyết nên theo ông Ninh, không phải Chính phủ tự tiện chi.
Về việc sử dụng khoản vượt thu, ông Ninh cho biết Thủ tướng sẽ lập phương án trình Ủy ban Thường vụ QH quyết. Ông Ninh công nhận dự toán thu không bao quát hết thực tế, “nếu nói trách nhiệm thì tôi xin nhận khuyết điểm vì biến động lớn quá” - ông Ninh nói. Tuy nhiên, ông Ninh không đề cập thắc mắc của đại biểu tại sao dự toán thu năm 2008 lại thấp hơn mức đã thực thu được năm 2007...
Sau khi ông Ninh giải trình, ông Phan Trung Lý - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho rằng QH có thể sẽ phê chuẩn quyết toán nhưng cần có cách khác để tránh kiểu mọi sự đã rồi. Theo ông Lý, QH phải duyệt từng khoản tiêu pha từ nguồn vượt chi, “khoản nào chấp nhận được thì cho, có khoản không chứ không thể khoản nào cũng cho qua”. Ông Lý cũng yêu cầu phải làm rõ nguồn vượt chi. Đặc biệt, liệu nguồn vượt chi này Chính phủ có chi vào lễ hội? Đồng thời cần tăng cường vai trò kiểm toán nhà nước, tổng kiểm toán phải được phát biểu trước khi QH thông qua quyết toán ngân sách.
(Theo TTO)
Các tin khác
“Nguồn bội thu 13.800 tỷ đồng của ngân sách TƯ năm 2009 thì đã chi thưởng tăng thu tới...4.900 tỷ đồng. Còn tăng thu ngân sách địa phương thuộc quyền địa phương, không thể điều động được để giảm bội chi”…
Cắt điện vô tội vạ, lãng phí ngân sách vì lễ hội tràn lan, đặc biệt là tình trạng dễ dãi trong cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản để lại hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trọng... là những vấn đề được các đại biểu (ĐB) QH “xới” lên tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường hôm qua 27.5.
YBĐT - Nhân ngày lễ Phật Đản và An cư kết Phật lịch 2554- Dương lịch 2010, ngày 27/5/2010, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm, tặng quà và chung vui với các tăng ni Phật tử chùa Ngọc Am - phường Hồng Hà và Đền Rối - xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái.
Hôm nay, 27-5, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; và báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 trong những tháng đầu năm. Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận các báo cáo này.