Văn Yên vững bước trên con đường đổi mới
- Cập nhật: Thứ năm, 1/3/2012 | 8:53:55 AM
YBĐT - Chặng đường 47 năm qua đã chứng minh sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Đó là niềm tự hào, là niềm tin, là động lực để huyện Văn Yên tiếp tục vững bước, tiến nhanh trên con đường CNH - HĐH...
Lãnh đạo huyện Văn Yên qua các thời kỳ trao đổi kinh nghiệm trong dịp gặp mặt kỷ niệm 47 năm thành lập huyện.
Ảnh: phạm mạnh
|
Cách đây 47 năm, ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 177-CP quyết định thành lập huyện Văn Yên. Ngày 8/1/1965, Tỉnh ủy Yên Bái ra Nghị quyết số 06-NQ/TU chỉ thị Ban cán sự Đảng của huyện gồm 13 đồng chí, đồng chí Lê Thạch Bích được chỉ thị làm Trưởng ban, các đồng chí Trần Huệ và Dương Xuân Cương làm Phó ban. Ngày 13/2/1965, ủy ban Hành chính huyện được thành lập. Ngày 1/3/1965, lễ bàn giao và tiếp nhận của huyện được tổ chức tại hội trường khai hoang của Hợp tác xã Ba Soi (Thọ Lâm), nay là khuôn viên nhà văn hóa thôn 1 (thôn Kim Yên), xã Lâm Giang. Từ đây, huyện chính thức đi vào hoạt động và lấy ngày 1 tháng 3 hàng năm là ngày thành lập.
Huyện Văn Yên được thành lập trên cơ sở sáp nhập 19 xã của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái với 6 xã của huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Ban cán sự Đảng huyện Văn Yên lúc bấy giờ đã tập trung lãnh đạo nhân dân kiên cường đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên địa bàn huyện, đặc biệt là bảo vệ tuyến đường sắt Yên Bái - Lào Cai. Nhân dân đã bám ruộng đồng, bám trường học để duy trì sản xuất, công tác và học tập, bảo đảm ổn định cuộc sống và tăng cường khả năng quân sự, quốc phòng. Giai đoạn 1975 - 1990, Đảng bộ huyện tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện các kế hoạch đề ra và “Quyết tâm làm lấy đủ ăn, hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước, có tích lũy một phần”.
Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường. Lực lượng vũ trang huyện luôn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về quốc phòng và công tác quân sự địa phương, tập trung củng cố lực lượng dân quân ở cơ sở vững mạnh và rộng khắp; bảo đảm tốt về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện ngày một vững chắc.
Khi mới thành lập, Văn Yên còn là một huyện nghèo với 1.500ha ruộng nước, năng suất lúa 2 vụ chỉ đạt 3,9 tấn/ha; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chủ yếu là sản xuất nông cụ, vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản chỉ để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân tại chỗ. Đến năm 1967, huyện đã đạt năng suất lúa bình quân 4,4 tấn/ha, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 15.000 tấn, tăng hơn 3.000 tấn so với khi mới thành lập. Chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng đều qua từng năm. Đến nay, diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 20.000ha, diện tích gieo cấy lúa nước 2 vụ hơn 5.500ha, năng suất lúa đạt trên 6 tấn/ha/vụ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 đạt 14%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng. Huyện đã hình thành những vùng thâm canh, chuyên canh phù hợp với đặc điểm và điều kiện tự nhiên của từng địa phương như vùng lúa, vùng quế, vùng cây công nghiệp và cây nguyên liệu giấy; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao; thực hiện sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như tinh dầu quế, tinh bột sắn, gỗ ván ép và gỗ ép thanh.
Nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung, bán công nghiệp có hiệu quả đang hình thành và được nhân rộng; các dự án khoanh nuôi và bảo vệ vốn rừng, tái tạo môi sinh, môi trường được quan tâm thực hiện. Nhiều công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động hiệu quả, góp phần tạo sự phát triển vượt bậc cho kinh tế của huyện trong những năm vừa qua. Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn huyện năm 2011 đạt trên 40 tỷ đồng.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện có nhiều khởi sắc; phát triển công nghiệp chế biến gắn với xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, trong đó đã hoàn thành quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020. Bước đầu đã hình thành các cụm sản xuất công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trong nông thôn được duy trì và có bước phát triển, thu hút nhiều lao động, tạo nhiều việc làm tại chỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân. Hoạt động thương mại - dịch vụ có nhiều tiến bộ, chất lượng các dịch vụ đã được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ. Viễn thông phát triển mạnh mẽ, điện lưới quốc gia và thông tin liên lạc viễn thông đã phủ kín tất cả các xã trong huyện.
Nhiều công trình giao thông quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: đường Mậu A - Tân Nguyên, đường Yên Bái - Khe Sang, đường Đông An - Phong Dụ - Gia Hội, An Thịnh - Đại Sơn - Mỏ Vàng - An Lương; cầu Mậu A, cầu Trái Hút bắc qua sông Hồng, cầu bắc qua Ngòi Thia, Ngòi Hút… Tất cả 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, trong đó 70% đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi. Cơ bản hệ thống giao thông đến thôn, bản được mở rộng từ 3 - 5m. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, bảo đảm tưới tiêu thường xuyên cho trên 90% diện tích lúa hai vụ. Trên 90% số phòng học được kiên cố hóa cùng hệ thống phòng chức năng, nhà điều hành, nhà ở cho giáo viên được xây dựng; nhiều trụ sở ủy ban nhân dân xã được xây dựng khang trang; hầu hết các thôn, bản có thiết chế văn hóa - thể thao.
Sự nghiệp giáo dục của huyện chuyển biến mạnh mẽ, đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ (năm 1997), phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2005), phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (năm 2009); có 19 trường đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm theo đúng lộ trình đề ra. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được quan tâm, 26/27 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Huyện thường xuyên chú trọng đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; có 86% số hộ đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa" và 57% số thôn, bản, khu phố đạt tiêu chuẩn "Làng văn hóa".
Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy. Hệ thống đình, đền được khôi phục và tôn tạo; có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia và 2 di tích lịch sử cấp tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,7%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; sức mạnh đoàn kết các dân tộc được phát huy một cách toàn diện.Quốc phòng - an ninh được tăng cường, chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Khu vực phòng thủ huyện xây dựng vững chắc gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và đợt sinh hoạt chính trị "Yên Bái học tập và làm theo lời Bác" đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Từ 25 tổ chức cơ sở Đảng với 673 đảng viên của ngày đầu mới thành lập, đến nay, Đảng bộ huyện Văn Yên đã có trên 5.000 đảng viên với 55 chi, Đảng bộ cơ sở.
Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở được đào tạo theo quy trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và cho tương lai; chất lượng cán bộ ngày càng nâng cao và đi vào chiều sâu; khắc phục cơ bản tình trạng hẫng hụt cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền ngày càng nâng lên.
Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được củng cố về tổ chức và từng bước đổi mới nội dung cũng như phương thức hoạt động.Đến nay, 100% số cán bộ thuộc khối Đảng, khối Nhà nước ở cấp huyện đã đạt chuẩn trình độ chuyên môn đại học và thạc sỹ; ở cấp xã đạt 71% có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp; trình độ lý luận chính trị đạt từ trung cấp trở lên ở các chức danh cán bộ do Ban Thường vụ quản lý.
Với thành tích đó, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang huyện Văn Yên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" và danh hiệu "Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới" cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang huyện Văn Yên quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là: Tập trung phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các loại cây, con trên cơ sở lợi thế của từng vùng; hình thành các vùng nguyên liệu, nhất là vùng nguyên liệu cây công nghiệp để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm và ứng dụng có hiệu quả khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, phát triển hợp lý đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao chất lượng; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, sử dụng có hiệu quả đất lâm nghiệp.
Đồng thời quy hoạch, bố trí lại dân cư nông thôn một cách hợp lý; thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới.
Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, có cơ cấu ngành nghề hợp lý; làm tốt công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch; đẩy mạnh quá trình thực hiện quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội một cách đồng bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); từng bước phấn đấu xây dựng thị tứ Trái Hút đủ tiêu chí trở thành thị trấn, nâng cấp thị trấn Mậu A trở thành thị xã trong giai đoạn 2015 - 2020; phát triển mạnh thương mại, dịch vụ; quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn, nhất là mạng lưới chợ nông thôn, cửa hàng thương mại, phát triển các loại hình du lịch - dịch vụ, đặc biệt là du lịch sinh thái.
Hai là: Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục ở các xã vùng cao; thực hiện đúng lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; giữ vững kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đẩy mạnh phổ cập giáo dục mầm non. Tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở y tế trên địa bàn; nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sỹ; làm tốt công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chủ động ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến vào quản lý, sản xuất, kinh doanh và đời sống; bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường.
Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất văn hóa, thể dục - thể thao. Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ ở các xã đặc biệt khó khăn; giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội bức xúc; thực hiện tốt các chính sách xã hội và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân tộc, tôn giáo.
Ba là: Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ, cơ bản, liên hoàn, vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các vấn đề phức tạp phát sinh, bảo đảm giữ vững an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Bốn là: Làm tốt công tác tư tưởng chính trị với giải pháp hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; thực hiện đúng quy trình, quy định, nguyên tắc và quan hệ chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số; duy trì nề nếp chế độ tự phê bình và phê bình; kết hợp công tác dân vận của cấp ủy với công tác dân vận chính quyền theo hướng trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Năm là: Năm 2012, Đảng bộ huyện sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện những khâu đột phá và những nhiệm vụ then chốt. Cụ thể:
Về xây dựng Đảng: Tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên; tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của huyện trong giai đoạn hiện nay cũng như tầm nhìn đến năm 2020.
Về phát triển kinh tế - xã hội: Thực hiện chuyển đổi diện tích lúa nương mộ kém hiệu quả sang trồng ngô đồi thành vùng hàng hóa; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó chú trọng phát triển đàn trâu và bò lai Sind, lợn hướng nạc; thực hiện phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để mở mới, nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn và đường điện 0,4kv tới trung tâm cụm dân cư; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục vùng cao.
Một nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa then chốt của Đảng bộ huyện trong năm 2012 cũng như xuyên suốt các năm tiếp theo là tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay".
Chặng đường 47 năm qua đã chứng minh sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên. Đó là niềm tự hào, là niềm tin, là động lực để huyện Văn Yên tiếp tục vững bước, tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trần Thế Hùng - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Yên
Các tin khác
Chiều 29/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lần lượt tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Italy Giulio Terzidi Sant’ Agata và Đặc phái viên Thủ tướng Bhutan Lyonpo Kinzang Dorji đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Ban Chấp hành trung ương đã ban hành quy định số 47-QÐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Quy định này thay quy định 115 do Bộ Chính trị ban hành năm 2007.
YBĐT - Thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2012 và ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 28/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Công Bình - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIII tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị.
YBĐT - Những năm qua, Huyện ủy Văn Yên đã xây dựng kế hoạch cụ thể việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý về tăng cường cho cơ sở nên có nhiều chuyển biến tích cực.