Học Bác để làm báo tốt hơn

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/6/2012 | 9:14:45 AM

YBĐT - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến hoạt động báo chí. Bản thân Người cũng là một nhà báo xuất sắc và sáng ngời tấm gương về đạo đức của một chiến sĩ báo chí cách mạng.

Tổng biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Túy (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các biên tập viên về trình bày báo. (Ảnh: Thanh Ba)
Tổng biên tập Báo Yên Bái Bùi Anh Túy (thứ hai từ trái sang) trao đổi với các biên tập viên về trình bày báo. (Ảnh: Thanh Ba)

Tất cả các tác phẩm báo chí của Bác theo lời nhận xét của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì: “… bằng những lời lẽ giản dị, giàu hình tượng, nói lên được những điều lớn từ những chữ nhỏ”. Cách làm báo của Người đến tận hôm nay vẫn nguyên vẹn tính thời sự và những người làm báo chúng tôi luôn nỗ lực học tập phong cách chuyên nghiệp đó.

Hồ Chủ tịch khẳng định: “Sản phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân nhưng lại là hoạt động của cả một tập thể, người viết bài, người in bài, người sửa bài, người phát hành… cho nên đều phải ăn khớp với nhau”.

Tôi xin đề cập mối quan hệ của hai công đoạn đầu tiên trong dây chuyền làm báo của Báo Yên Bái: người viết bài - phóng viên và người sửa bài - biên tập viên. Tôi cho rằng, sự “ăn khớp” của hai bộ phận này cũng có thể coi như đã được cụ thể hóa tại Quy ước thứ 7 của “9 quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí” của Hội Nhà báo Việt Nam. Đó là: “Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp”.

Đầu tiên phải nói tới sự cẩn trọng, nghiêm túc đối với từng trang viết của mỗi phóng viên. Biên tập viên là những người làm công việc lặng thầm sau mỗi tác phẩm của người viết. “Nhổ cỏ, bắt sâu, dọn vườn” - công việc ngày qua ngày cần mẫn của chúng tôi - những biên tập viên.

Tôi không bao giờ quên câu nói của một biên tập viên với một phóng viên trẻ: “Em ơi, anh đã “cắt tóc, gội đầu” và “đính lại vài cái cúc áo” cho “con” em rồi nhé!”. Rất nhẹ nhàng, giản dị nhưng thật sự ý nghĩa và sâu sắc! Điều ấy có nghĩa là, đôi lúc, người viết chưa quan tâm đúng mức đến “đứa con tinh thần” của chính mình. Đương nhiên, sửa chữa là việc chúng tôi phải làm. Song, với những lỗi cơ bản, không đáng có… lại cứ thường xuyên lặp lại, không được người viết tiếp thu, sửa chữa thì có lẽ dường như người viết không còn tôn trọng chính bản thân họ.

Chúng tôi vui và trân trọng xiết bao khi có những tác phẩm hay mà mình không phải động bút, chỉ việc xếp vào trang. Vui và tôn trọng như được gặp, được nói chuyện với một người chững chạc, hiểu biết và lịch thiệp! Bác Hồ đã dạy: “Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại, thấy cái gì thừa, câu chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4 - 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi, sửa lại”.

Trong hoạt động báo chí, tính định kỳ vô cùng khắt khe và đó cũng là một trong những biểu hiện của sự chuyên nghiệp. Bởi nếu không có tính định kỳ, chúng tôi sẽ không thể xuất bản báo đúng kế hoạch và duy trì đầy đủ rất nhiều chuyên trang, chuyên mục phối hợp tuyên truyền với các ngành như hiện nay.

Có một thực tế là, bên cạnh những phóng viên luôn chủ động, nêu cao ý thức trách nhiệm và phối hợp với biên tập viên phụ trách chuyên mục, chuyên trang để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì cũng vẫn còn phóng viên chưa làm được việc này. Bộ phận biên tập không chỉ có trách nhiệm duy trì các chuyên trang, chuyên mục phối hợp tuyên truyền với các ngành mà còn đảm nhiệm cả những chuyên mục do báo tự xây dựng. Vì vậy, với tiến độ báo ra hàng ngày như hiện nay, nếu các phóng viên không chủ động nắm lịch, viết bài, giao bài cho chúng tôi thì quả là một khó khăn.

Nói như thế vì phía sau biên tập viên còn hàng loạt các khâu khác đang chờ đợi để lần lượt hoàn thiện mọi việc, để đưa trang đến nhà in. Nói như thế vì thật lòng luôn mong muốn, sự phối hợp giữa các bạn - những phóng viên với chúng tôi - những biên tập viên sẽ ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Thực tế ở Báo Yên Bái, tất cả các biên tập viên đều đã trải qua công tác phóng viên. Nhắc đến điều này là muốn gửi một thông điệp chân tình, chúng tôi rất hiểu và thông cảm với công việc của các phóng viên. Người viết đã vượt qua những khó khăn, trở ngại của việc đi cơ sở, sâu sát thực tế, thu thập tài liệu… rồi trở về với bộn bề thông tin, xử lý thông tin, đau đáu cho một tác phẩm tinh thần tâm huyết. Đó là chưa kể tới việc các bạn phải lo bảo đảm chuyên trang, chuyên mục được giao; lo bảo đảm chỉ tiêu giao khoán định mức hằng tháng và có cả những nỗi lo khi dấn thân vào các “điểm nóng”, đấu tranh với những tiêu cực xã hội…

Nhận bất cứ một bài viết nào của phóng viên, chúng tôi đều chủ động biên tập để đưa vào trang sớm nhất có thể. Nhưng cũng có khi, bài đã lên trang rồi lại phải bóc ra vì những lý do khách quan nên đành phải muộn đôi chút. Tất nhiên, đó không phải chuyện thường xuyên song vẫn muốn các bạn hiểu và thông cảm. Làm công tác biên tập, chúng tôi cũng chỉ là một mắt xích trong hoạt động báo chí tập thể và đơn giản là nhận sự phân công nhiệm vụ của Tòa soạn. Các bạn và chúng tôi đều luôn nỗ lực cho sự phát triển của Báo Yên Bái.

Có một câu nói rằng, những bông lúa nặng hạt thường trĩu xuống chứ chẳng bao giờ ngẩng cao lên trời. Nếu tất cả các bạn và chúng tôi đều phấn đấu trở thành những bông lúa nặng hạt như thế thì nhất định, cánh đồng báo chí của Báo Yên Bái sẽ mùa nối mùa bội thu!

Nhà báo Phạm Minh Thúy (Báo Yên Bái)

 

Có lẽ đặc thù nghề nghiệp đã tôi luyện và cho tôi rất nhiều thứ mà một nhà báo cần có. Lăn lộn thực tế cơ sở cho tôi niềm đam mê được khám phá về những miền đất lạ, những con người, phong tục tập quán riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số mỗi địa phương, vùng miền trong tỉnh.

 

Sự trải nghiệm khi đặt mình trong nhiều lĩnh vực, nhiều công việc, nhiều cuộc đời mà tôi gặp đã bồi đắp cho tôi kiến thức phong phú về mọi mặt, bản lĩnh, vốn sống và những kinh nghiệm sống quý giá… Bởi thế mà những năm tháng theo nghề tôi đã may mắn có được những niềm vinh quang nho nhỏ từ những cuộc thi viết phóng sự trên Báo Yên Bái và giải báo chí của tỉnh hàng năm.

 

Cuộc thi phóng sự truyền hình Internet báo Yên Bái điện tử năm 2007 tôi vui mừng nhận được giải nhì (không có giải nhất)  cho tác phẩm truyền hình “Vui mùa thảo quả”. Trước đó năm 2006, tôi cũng có được một giải C giải báo chí của tỉnh.

 

Cuộc thi viết phóng sự trên báo Yên Bái năm 2011, tôi có thêm một giải ba. Cùng năm này, tôi nhận được giải bình chọn và một giải khuyến khích cho tác phẩm “Sống cần có một tấm lòng” khi tham gia cuộc thi phóng sự truyền hình thanh niên vì an sinh xã hội do Trung ương Đoàn phát động.

 

Đối với tôi những niềm vui nho nhỏ ấy thực sự như một liều thuốc bổ giúp tôi thêm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Tôi luôn tâm niệm chỉ có sự lao động, sáng tạo nghiêm túc mới cho mình một chỗ đứng trong nghề.

 

Tác giả Nguyễn Thị Vân (Đài Truyền thanh, Truyền hình huyện Văn Yên)

 

Hàng ngày đi cơ sở, mắt thấy tai nghe những dòng sự kiện mang hơi thở của cuộc sống, tôi thấy mình phải có trách nhiệm chuyển tải những thông tin đó đến công chúng. Tôi đã vinh dự đạt nhiều giải cao qua các cuộc thi do Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái tổ chức hàng năm.

 

Với mỗi người làm báo thì không gì hạnh phúc bằng trang viết của mình được xã hội đón nhận, món quà tình thần vô giá này xuất phát từ năng lực, quá trình lao động thầm lặng, gian khổ của người làm báo nhưng hơn cả đó chính là mong muốn được đóng góp những tác phẩm báo chí giá trị và có ích cho xã hội.

 

Tôi nghĩ rằng, đối với mỗi người làm báo phải có tố chất, tố chất ở đây không chỉ là năng khiếu, sự trau dồi về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp mà còn là nhiệt huyết, lòng yêu nghề, làm báo bằng cái tâm trong sáng và không bao giờ được quên mình viết cho ai, viết cái gì cũng phải hướng tới người đọc, người nghe, người xem. Hơn nữa, phải thường xuyên phát hiện và khai thác đề tài hay, lấy tin từ nhiều nguồn tin, lựa chọn đề tài mang tính thời sự, có hiệu ứng xã hội rộng lớn và  định hướng tuyên truyền tốt.

 

Phóng viên Nguyễn Văn Thông (Báo Yên Bái)

 

Là một người làm báo chưa lâu, viết chưa nhiều nhưng có lẽ thời gian và những gì đã làm được cũng đã đủ cho tôi cảm nhận được nghề báo là một nghề đầy sáng tạo và trách nhiệm. Cho đến giờ tôi cho rằng mình lựa chọn nghề làm báo là một quyết định hoàn toàn đúng.

 

Có lẽ chưa một nghề nào mà phạm vi ảnh hưởng lại rộng lớn và quan trọng như nghề báo. Mỗi sản phẩm báo chí, mỗi tác phẩm báo chí khi ra đời tác động ngay đến đông đảo công chúng, giúp cho người đọc cảm nhận, hiểu biết được một cách đầy đủ, chính xác và đúng đắn về những sự kiện mới nảy sinh trong đời sống xã hội.

 

Anh bạn tôi có bảo rằng: “Sao cái nghề của cậu cứ thấy đi và đi, vất vả quá”. Bạn của tôi nói đúng. Người làm báo luôn luôn phải có mặt ở nơi đầu nguồn sự kiện. Mỗi tác phẩm báo chí có chất lượng không chỉ là công sức của những chuyến đi mà còn là trí tuệ, tâm huyết và sức sáng tạo của người cầm bút.

Văn Tuấn (ghi) 

Nguyễn Thơm 

Các tin khác
Đồng chí Phạm Duy Cường - Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng các cơ quan báo chí

YBĐT - Chiều 20/6, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức gặp mặt các nhà báo nhân kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và tổng kết Giải báo chí tỉnh Yên Bái năm 2012. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã dự và chia vui với những người làm báo Yên Bái.

Thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính chiều 20/6 với xấp xỉ 86% đại biểu tán thành, Quốc hội nhất trí nâng mức phạt tiền tối đa lên 2 tỷ đồng (gấp 4 lần quy định hiện hành). Có 3 lĩnh vực được phạt cao gấp 2 lần mức phạt chung.

YBĐT - Ngày 20/6, Đảng bộ huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện (20/6/1947 - 20/6/2012).

YBĐT - Ngày 19/6, Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng ủy khối với các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục