Nhớ lời Bác dạy mùa thu ấy

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/9/2012 | 9:32:40 AM

YBĐT - Từ mờ sáng ngày 25/9/1958, tại Sân vận động thị xã Yên Bái, hàng ngàn người đã tập trung về dự lễ mít tinh. Người bước ra lễ đài giản dị với bộ quần áo ka ki màu vàng đã bạc màu. >>Về nơi Bác Hồ nói chuyện năm xưa

Nhớ lời Bác dạy, đồng bào vùng cao Mù Cang Chải đã có cuộc sống ấm no nhờ định cư, trồng lúa nước.
(Ảnh: Thanh Miền)
Nhớ lời Bác dạy, đồng bào vùng cao Mù Cang Chải đã có cuộc sống ấm no nhờ định cư, trồng lúa nước. (Ảnh: Thanh Miền)

Đã 54 năm trôi qua nhưng đối với mỗi người dân Yên Bái, hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại với những lời dạy bảo ân cần vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí. Cứ mỗi độ thu về, đồng bào lại tưng bừng kỷ niệm sự kiện lịch sử đó và nguyện làm theo lời dạy của Người.

Nhớ lại mùa thu năm 1958, Yên Bái khi đó là một trong những tỉnh khó khăn nhất miền Bắc. Trong lúc khó khăn ấy, Bác Hồ đã đến với Yên Bái. Nghe tin Bác đến, đồng bào các dân tộc ở mọi nơi trong tỉnh, từ huyện xa xôi, từ vùng núi hẻo lánh đã trèo đèo, lội suối, băng rừng để xuống thị xã Yên Bái lắng nghe lời dạy, lời chỉ bảo ân cần của Người.

Bác Hồ đến Yên Bái chiều ngày 24/9/1958. Hàng trăm đại biểu thay mặt các đoàn thể, đại diện các dân tộc đã tập trung đón Bác tại sân ga. Cùng đi với Bác hôm đó có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí Lê Dung - Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cùng một số chuyên viên cao cấp của Trung ương.

Không kịp nghỉ ngơi, ngay chiều ngày hôm đó, Bác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Khi được nghe báo cáo kết quả 4 năm khôi phục kinh tế, Bác khen ngợi những thành tích mà đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đạt được.

Người còn ân cần, chỉ bảo cặn kẽ, nhắc nhở Đảng bộ và chính quyền phải chăm lo đời sống của đồng bào từ việc to đến việc nhỏ, làm sao đời sống được cải thiện, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được học hành. Ngay cả việc cung cấp thuốc chữa bệnh, muối, dầu hỏa đến cái nhỏ nhặt nhất như kim chỉ thêu cũng được Bác nhắc nhở phải lo cho chu đáo. Không những thế, Người còn quan tâm đến việc học hành của trẻ em, đến tình hình bệnh sốt rét, bướu cổ rồi các hủ tục lạc hậu trên địa bàn.

Giờ phút trông đợi đã đến. Từ mờ sáng ngày 25/9/1958, tại Sân vận động thị xã Yên Bái, hàng ngàn người đã tập trung về dự lễ mít tinh. Không gian tràn ngập cờ, hoa và khẩu hiệu “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”, đồng bào phấn khởi chờ Bác xuất hiện. Người bước ra lễ đài giản dị với bộ quần áo ka ki màu vàng đã bạc màu.

Trước toàn thể đồng bào, Bác khen ngợi những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Yên Bái đã đạt được trong 4 năm qua đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ trước mắt cần phải làm. Người nhấn mạnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cần phải làm tốt công tác xây dựng Đảng, đoàn kết dân tộc, chăm lo đời sống, lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của quần chúng.

Trong buổi nói chuyện với hàng ngàn người dân Yên Bái, trước tiên, Bác nói đến vấn đề đoàn kết dân tộc. Người khẳng định, đây là vấn đề số một, hết sức quan trọng bởi vì "Trước kia, bọn thực dân, phong kiến chia rẽ chúng ta, chia rẽ các dân tộc, xúi giục dân tộc này hiềm khích, oán ghét dân tộc khác để chúng áp bức, bóc lột chúng ta. Nay chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ”.

Để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ ý nghĩa cũng như cách thực hiện đoàn kết dân tộc, Người đã dùng những hình ảnh, ví dụ hết sức gần gũi, sinh động mà sâu sắc: “10 dân tộc ở tỉnh nhà như 10 ngón tay. Nếu xòe 10 ngón tay mà bẻ từng ngón, như thế có dễ bẻ không? Nếu nắm chặt cả 10 ngón tay thì có bẻ được không? Nếu kẻ nào chia rẽ thì phải làm thế nào? Thì phải đập vào đầu chúng nó…”.

Cả biển người lắng nghe lời dạy bảo của Bác mà thấm thía và tự sâu trong lòng mỗi người thấy được nhiệm vụ của mình đối với Tổ quốc, với quê hương.

Tiếp đến, Người đặt câu hỏi: Làm thế nào để đời sống nhân dân được sung sướng hơn, được ăn no, mặc ấm? Lặng im nhìn đồng bào, Người khẳng định: “Phải tăng gia sản xuất”. Làm thế nào để thực hiện được điều đó, Người ân cần chỉ bảo: “… đồng bào phải cố gắng làm ăn định cư. Điểm nữa là nên tăng vụ… thứ ba là về phân bón. Ruộng không có phân như người không có cơm. Người không có cơm có lớn được không?... Muốn có nhiều thóc thì phải bỏ nhiều phân”.

Bác còn nhấn mạnh: “Muốn tăng gia sản xuất thì phải có tổ chức, phải có tổ đổi công…”. Người đã thấy ngay được tầm quan trọng của công tác dân vận trong khi thực hiện tổ đổi công và những mặt hạn chế khi thực hiện công tác này nên đã nhắc nhở kịp thời, đúng hướng: “Tổ đổi công phải thực sự giúp đỡ nhau chứ không phải chỉ khai trên giấy. Không phải dắt cổ bảo “anh phải vào tổ đổi công” mà phải làm cho đồng bào tự nguyện tự giác”.

Những lời của Bác cũng chính là định hướng cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương phải đi sâu, đi sát với tình hình thực tế.

Một vấn đề quan trọng nữa Bác đề cập trong bài nói chuyện là đồng bào phải thực hành tiết kiệm và thực hiện đời sống văn hóa mới. Cụ thể, Người chỉ rõ, tiết kiệm là tiết kiệm trong tăng gia sản xuất, tiết kiệm trong tổ chức ma chay, cưới xin.

Bác nhấn mạnh, việc xây dựng đời sống văn hóa mới phải gắn liền với thực hành tiết kiệm: “Đồng bào ta đây có nhiều điểm tốt nhưng cũng còn có nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa dần dần. Hỏi có tiết kiệm không? Cũng có tiết kiệm nhưng lúc đám cưới, mời họ nội, họ ngoại chè chén linh đình, 2 bữa say sưa bằng thích. Nhưng sau đấy nhà trai, nhà gái phải bán trâu, bò, thóc, bán ruộng đi vay nợ. Như thế là không tốt… đám ma cũng thế. Thường thì chôn cất cũng đủ nhưng cũng cứ phải chén, thế rồi cũng bán thóc, bán trâu, bán ruộng...”.

Người kết luận đó là những mặt chưa tốt, chưa tiết kiệm của đồng bào, đồng bào ta phải quyết tâm từ bỏ những thủ tục rườm rà, tốn kém trong ma chay, cưới xin, những tập quán lạc hậu trong làm ăn thì cuộc sống mới khá hơn, mới tiến bộ hơn. Vấn đề đặt ra là nên thực hành tiết kiệm như thế nào cho đúng, cho hiệu quả.

Để giải đáp thắc mắc đó của đồng bào, Bác đã nêu một ví dụ rất sinh động về thực hành tiết kiệm: “Bây giờ ai cũng tiết kiệm từ trên xuống, từ thành thị đến nông thôn đều tiết kiệm, mỗi người mỗi ngày bớt một dúm gạo thôi, mỗi tháng mỗi người dành được nửa ki-lô. Trong kháng chiến chúng ta đã làm được. Làm như thế trong tỉnh nhà mỗi năm tiết kiệm được 750 tấn gạo… Trước kia ta phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Đồng chí Chủ tịch có cho biết là vừa rồi cũng phải đưa lên 300 tấn. Nếu tiết kiệm được như trên thì không phải đưa gạo từ dưới xuôi lên. Làm như thế có khó không? Không khó. Có dễ không? Không dễ. Mà phải có tổ chức”.

Tiết kiệm như lời Bác dạy sao mà thiết thực, dễ làm đến thế và có thể thực hiện ở mọi nhà, mọi ngành, mọi lúc, mọi nơi, hàng ngày trong đời thường mà hiệu quả. Việc tưởng chừng như khó mà lại thành ra đơn giản, chỉ cần quyết tâm từ Đảng bộ, chính quyền đến quần chúng nhân dân là đã giải quyết được vấn đề nan giải cho tỉnh nhà.

Với đặc trưng là một tỉnh miền núi lạc hậu, nhiều dân tộc ít người cư trú nên khó khăn trong xây dựng đời sống mới của tỉnh Yên Bái là vấn nạn tảo hôn. Nhân dịp đông đảo đồng bào các dân tộc có mặt tại lễ mít tinh, Bác muốn nói cho đồng bào hiểu tác hại của việc này. Trước tiên, Bác nhờ đồng chí Phạm Ngọc Thạch phân tích cho đồng bào hiểu nhưng những lời giải thích bằng ngôn ngữ khoa học của bác sĩ và với trình độ dân trí còn hạn chế thì đồng bào không hiểu, không nhớ hết được.

Thấy đồng chí Phạm Ngọc Thạch gãi đầu gãi tai, Bác liền đứng ra nhận nhiệm vụ giải thích cho bà con. Với lời lẽ giản dị, mộc mạc mà gần gũi như con trâu, cái bừa, Bác nói đại ý tác hại của việc tảo hôn là đồng bào ta khi làm nhà thường chọn cây tre, cây nứa già mà không chọn cây non vì nó chóng mọt, chóng hỏng. Đồng bào bắt con cháu mình lấy vợ, lấy chồng sớm cũng giống như lấy cây tre, cây nứa non về làm nhà nó cũng sẽ chóng mọt, chóng hỏng, như cây bưởi non có ép ra quả cũng không được, tảo hôn sẽ ảnh hưởng không tốt đến giống nòi. Người hỏi đồng bào có hiểu không, cả biển người vỗ tay hô vang: “Hiểu ạ, hiểu ạ!”.

Kết thúc buổi nói chuyện, trước toàn thể đồng bào, Bác đề nghị: “Yên Bái phải thi đua để trở thành một tỉnh khá nhất của các tỉnh miền núi, liệu các cô, các chú có hứa với Bác thực hiện được không?”. Đáp lại lời của Người, như một làn sóng, biển người hô vang “Quyết tâm”. Cuối cùng, Bác bắt nhịp cho mọi người cùng đứng dậy hát bài “Kết đoàn”. Trong khi tiếng hát cất vang, bóng Bác Hồ đã khuất sau lễ đài. Bác trở về Thủ đô trong niềm nuối tiếc của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái...

Thực hiện lời Bác dạy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, quân và dân Yên Bái đã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn rơi 115 máy bay, tiêu diệt và bắt gọn nhiều toán gián điệp, biệt kích.

Đặc biệt, thành tích bắn rơi chiếc máy bay thứ 800 và thứ 801 của quân dân tỉnh nhà đã được Bác Hồ gửi thư biểu dương, khen ngợi. Sau chiến thắng vĩ đại năm 1975 của dân tộc Việt Nam, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bắt tay vào sự nghiệp xây dựng quê hương.

Lời Bác dạy về đại đoàn kết dân tộc; về tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về xây dựng đời sống văn hoá mới... luôn là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ to lớn và là tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng quê hương Yên Bái.

Tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh... với quyết tâm xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015, tạo nền tảng để đến năm 2020 trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc.

Mùa thu năm nay, nhớ Bác, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái quyết tâm đoàn kết, phấn đấu học tập và làm theo lời dạy của Người để đạt được nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Đó chính là những bó hoa tươi thắm nhất, ý nghĩa nhất kính dâng lên Bác kính yêu!

Phạm Thị Duyên

Các tin khác

Ngày 25-9, Thanh tra Chính phủ đã họp đánh giá kết quả công tác hai tháng 8 và 9-2012. Báo cáo tại kỳ họp cho thấy, thời gian qua, cơ quan này đã ban hành 2 kết luận thanh tra, hoàn thiện 10 kết luận thanh tra.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời Quốc vương Norodom Sihamoni duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quốc vương Norodom Sihamoni bày tỏ vui mừng được trở lại thăm đất nước Việt Nam; cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thắm tình anh em.

Sáng 24-9, Hội nghị Khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức khai mạc tại Hà Nội.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni thăm chính thức cấp Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 24-26/9.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục