Cần nhất quán, cụ thể và rõ ràng hơn khi sử dụng một số cụm từ, khái niệm mới

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/2/2013 | 8:41:57 AM

YBĐT - Thông thường, trong kỹ thuật xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung bao giờ cũng đảm bảo sự kế thừa và phát triển văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước đó cả về nội dung, hình thức, kết cấu, số lượng chương, điều bao giờ cũng đồ sộ hơn.

Song trên nguyên tắc "Kế thừa Hiến pháp 1992 và các bản Hiến pháp trước đây, sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới", Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có 11 chương, 124 điều, đã giảm 1 chương, 23 điều so với Hiến pháp năm 1992, có 139 điều trong Hiến pháp 1992 được sửa đổi hoặc ghép lại quy định cô đọng trong 99 điều Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, 14 điều được giữ nguyên và bổ sung 11 điều mới.

Vấn đề này cho thấy, Hiến pháp là đạo luật gốc, cơ bản, xuyên suốt trong hệ thống pháp luật của Nhà nước ta, có hiệu lực pháp lý cao nhất quy định các vấn đề về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ; cơ cấu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan Nhà nước đã được quy định đầy đủ, ngắn gọn, cô đọng, súc tích; khắc phục được tình trạng cùng một vấn đề, cùng một nội dung điều chỉnh nhưng lại được quy định dàn trải trong các điều trong Hiến pháp 1992.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu nội dung, kết cấu, hình thức của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tôi thấy có một số vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét, chỉnh sửa.

Vấn đề thứ nhất, cần sử dụng nhất quán cụm từ "Nhà nước bảo hộ", không dùng cụm từ "Pháp luật bảo hộ" tại một số điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp vì nói đến Nhà nước là nói đến "chủ thể quản lý", còn pháp luật chỉ là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền quản lý của mình, chỉ có chủ thể mới có khả năng quản lý và năng lực để bảo hộ, còn công cụ chỉ là phương tiện để thực hiện quản lý và bảo hộ, công cụ không thể được coi là chủ thể được cũng như chúng ta chỉ có thể nói Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không thể nói pháp luật quản lý xã hội.

Cụ thể là khoản 2 Điều 34 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh"; khoản 2 Điều 43 quy định: "Quyền sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ" là hoàn toàn chính xác, sự bảo hộ của Nhà nước sẽ được đảm bảo thực hiện bằng cơ chế chính sách và pháp luật.

Vì vậy, tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo sửa đổi quy định: "Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ" nên được viết lại là "Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước bảo hộ"; tại khoản 2 Điều 33 quy định: "Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ" nên viết lại là "Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được Nhà nước bảo hộ".

 Tương tự như vậy, nếu các điều của Dự thảo sửa đổi còn lại có quy định như vậy cũng cần được xem xét, viết lại cho thống nhất như đã phân tích trên đây.

Vấn đề thứ hai, tại một số điều, khoản của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp,  từ "Mọi người" và "Công dân” nên được xem xét, sử dụng cho phù hợp đối tượng điều chỉnh. Cụ thể là, tại khoản 1 Điều 36 ghi "Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp" nên viết lại là "Mọi người có quyền có nơi ở hợp pháp" vì người nước ngoài, người không quốc tịch đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam thì họ cũng có quyền này và được Nhà nước Việt Nam bảo vệ.

Khoản 1 Điều 43 quy định "Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học nghệ thuật" đề nghị viết lại là "Công dân có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học nghệ thuật". Quy định này chỉ điều chỉnh đối với công dân Việt Nam, còn người nước ngoài hoặc người không quốc tịch không thuộc đối tượng điều chỉnh của quy phạm này.

Ba là, một số khái niệm, câu từ mới được quy định trong Dự thảo còn chung chung, chưa rõ ràng, cụ thể như khoản 2 Điều 61 quy định: "Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng mối quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định". Vậy quan hệ lao động như thế nào sẽ là quan hệ tiến bộ, hài hòa và ổn định trong nền kinh tế thị trường hiện nay? Theo tôi, Dự thảo chỉ cần quy định "Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động" là đã đầy đủ, đảm bảo tính hiến định; còn các quan hệ lao động cụ thể sẽ được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác.

Bốn là, một số khái niệm mới được đưa vào trong một số điều của Dự thảo cũng cần được nghiên cứu, xem xét có nên quy định trong Hiến pháp hay không như khái niệm sản xuất sạch, tiêu dùng sạch như trong đoạn 2 của khoản 2 Điều 68 có quy định: "Mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, sản xuất sạch và tiêu dùng sạch của tổ chức, cá nhân được Nhà nước khuyến khích". Như thế nào là sản xuất sạch và tiêu dùng sạch? Và quy định phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo đều phải đáp ứng yêu cầu là năng lượng sạch mới được Nhà nước khuyến khích, không nên tách rời khái niệm năng lượng mới, năng lượng tái tạo với năng lượng sạch như trong Dự thảo vì nếu là phát triển năng lượng mới nhưng năng lượng đó không phải là năng lượng sạch thì sẽ không được Nhà nước khuyến khích, thậm chí còn bị cấm nếu làm ảnh hưởng, ô nhiễm đến môi trường.

Năm là, Dự thảo sửa đổi không cần quy định một điều mới, riêng biệt (Điều 21) quy định "Mọi người có quyền sống" mà nên quy định gộp vào Điều 22 và cụm từ "Pháp luật bảo hộ" trong điều này được viết lại là "Nhà nước bảo hộ" đồng thời chuyển vị trí Điều 22 lên sau Điều 15 để đảm bảo tính logic liền mạch các quy định về quyền con người, cụ thể là Điều 22 sẽ được viết lại là:

1. Mọi người có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được Nhà nước bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

2. Nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực, tra tấn, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của con người.

Ngoài ra, một số nội dung điều trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng nên được xem xét gộp lại, không cần phải quy định tại các điều riêng biệt, cụ thể là Điều 47 và Điều 48 đề nghị viết lại thành 1 điều như sau:

1. Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.

Bảo vệ Tổ quốc là quyền và nghĩa vụ thiêng liêng, cao quý của công dân.

Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.

2.  Công dân phải làm nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng quốc phòng toàn dân; việc thực hiện nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự do luật định.
Điều 50: "Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế" đề nghị chuyển sang chương III:  Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường.
Điều 71 và Điều 72 nên bỏ danh từ "Cách mạng" sau cụm từ "Quân đội nhân dân Việt Nam" và cụm từ "Công an nhân dân Việt Nam".

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội được quy định tại điểm 1 Điều 75 của Dự thảo đề nghị sửa đổi chữ "Làm" bằng "Xây dựng, ban hành" vì động từ "làm" được sử dụng trong điều này nghe có vẻ dân dã, đời thường, thẩm quyền của Quốc hội thể hiện nghe không được trang trọng, cụ thể là:
Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Xây dựng, ban hành Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; xây dựng, ban hành luật và sửa đổi luật", không nên viết là "Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật".

Luật gia Ngọc Giang Sơn -Phó giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái

Các tin khác

YBĐT - Đồng chí Dương Văn Thống lưu ý, lãnh đạo 2 địa phương tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền việc tham gia góp ý vào việc sửa đổi Hiến pháp, nhất là tăng cường tuyên truyền tới các xã, phường, thôn bản.

Đại lễ Phật đản 2012-Phật lịch 2556 tại TP.HCM.

Nhấn mạnh Việt Nam là một đất nước đa tôn giáo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; đảm bảo cho các tôn giáo hoạt động bình thường trong khuôn khổ pháp luật; coi nhiệm vụ đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, công tác vận động quần chúng trong đồng bào có đạo là hết s

Công dân chỉ cần một điều kiện duy nhất là có nhà ở thuộc sở hữu.

Một nội dung mới của dự thảo so với Luật cư trú hiện hành là công dân chỉ cần 1 điều kiện duy nhất là có nhà ở.

Toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

YBĐT - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục